• Click để copy

Hạnh phúc của người mẹ ung thư máu sau khi chiến thắng “tử thần”

9 năm trước, chị Trần Thị Thức (Tuyên Quang) đã ở trong những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời khi biết mình bị ung thư máu và còn mất đi đứa con đầu lòng ở tháng thứ 5 của thai kỳ.

Đã không biết bao lần, chị nghĩ rằng: “Mình có thể chết bất cứ lúc nào”, “Mình sẽ không thể sinh con được”. Nhưng nhờ ý chí kiên cường và điều kỳ diệu mang tên “ghép tế bào gốc, chị Thức không chỉ chiến thắng tử thần mà còn thực hiện được ước mơ “làm mẹ” ở tuổi 36.

“Mình có thể chết bất cứ lúc nào”

Đầu năm 2013, chị Trần Thị Thức kết hôn và ngập tràn trong hạnh phúc khi chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Nhưng đến tháng 10-2013, khi đang mang thai được 5 tháng, chị cảm thấy mình ngày càng gầy hơn, xanh xao, khó thở, mệt mỏi và đi khám bệnh. Từ đây, chị phải đối mặt với những ngày tháng đen tối, tuyệt vọng nhất của cuộc đời.

“Khi nghe đến 3 chữ “ung thư máu”, tôi thực sự sốc. Tôi cứ nghĩ bệnh đó chỉ có trong phim thôi sao lại rơi vào tôi chứ! Tôi có thể chết bất cứ lúc nào! Tôi mới kết hôn chưa được bao lâu, tương lai còn đang ở phía trước, tôi còn đang mang trong mình đứa con mà tôi chưa được gặp. Càng nghĩ đến con, đầu óc tôi càng rối bời và chỉ biết khóc thôi”, chị Thức xúc động nhớ lại.

Trong những ngày đầu nằm viện, chị phải đứng trước một quyết định quá khó khăn với một người làm mẹ, đó là không thể giữ đứa con bé bỏng còn đang nằm trong bụng. Chị đã nghĩ đến việc không điều trị mà cố nuôi dưỡng thai cho đến lúc con chào đời. Nhưng cả gia đình đều hiểu rõ, với tình trạng của chị lúc này, nếu vẫn cố giữ em bé thì có thể còn mất cả mẹ lẫn con.

Và rồi chị vẫn phải chấp nhận một sự thật đau đớn: Chị phải mổ cấp cứu. Em bé ra đời nặng 1,2kg. Chị mừng lắm và lại nuôi hy vọng có thể giữ được con. Nhưng em bé không thể ở bên mẹ và đã ra đi sau 2 ngày chào đời do suy hô hấp. Trong vòng vài tuần ngắn ngủi mà phải chịu đựng quá nhiều nỗi đau liên tiếp, chị Thức cảm thấy tuyệt vọng và không còn sức lực để nghĩ đến chữa bệnh nữa.

Từ khi chị bị bệnh, gia đình, đặc biệt là chồng chị đã luôn ở bên, an ủi, chăm sóc và động viên chị mỗi ngày. Một lần nữa, tình yêu thương của người thân đã giúp chị lấy lại quyết tâm chiến đấu với bệnh tật.

Hạnh phúc của người mẹ ung thư máu sau khi chiến thắng “tử thần”

Hạnh phúc của chị Trần Thị Thức sau khi chiến thắng “tử thần”

Tháng 11-2013, chị quay lại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để điều trị. Trải qua 3 đợt truyền hóa chất kéo dài hơn 6 tháng với bao nhiêu đau đớn, mệt mỏi nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ, động viên tận tình của các y, bác sĩ chị đã cố gắng vượt qua tất cả.

Cuối năm 2014, chị được bác sĩ ở Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tư vấn ghép tế bào gốc. Chị đã suy nghĩ, đắn đo rất nhiều vì lo tốn kém cho gia đình và sợ ca ghép không thành công. Nhưng vốn mạnh mẽ và quyết tâm, chị nhanh chóng quyết định bước vào phòng ghép khi có nguồn tế bào gốc phù hợp từ anh trai.

Trải qua rất nhiều nỗi đau và mất mát, dường như may mắn đã trở lại với chị. Quá trình ghép tế bào gốc của chị diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. “Tôi chỉ mệt những ngày đầu truyền hóa chất, sau đó sức khỏe của tôi rất tốt. Tôi ở trong phòng cách ly 25 ngày rồi được chuyển ra sang phòng theo dõi”, chị Trần Thị Thức chia sẻ.

Hạnh phúc làm mẹ sau chiến thắng với “tử thần”

Một năm sau ngày ghép tế bào gốc, chị Trần Thị Thức được dừng thuốc hoàn toàn. Được ở bên gia đình với người chồng hết mực yêu thương, chị Thức cũng ước mơ được làm mẹ nhưng không dám hy vọng nhiều. Khi đi khám sản khoa, chị biết mình bị ảnh hưởng bởi hóa chất liều cao nên không thể có con tự nhiên được. Bác sĩ tư vấn chị nên thụ tinh trong ống nghiệm và khả năng đậu phôi cũng không cao.

“Thật sự tôi đã chuẩn bị tâm lý nếu đi chuyển phôi vài lần không thành công thì sẽ chia tay chồng để anh có gia đình mới. Nhờ ông trời thương xót, may mắn đã đến với tôi. Khi cầm kết quả siêu âm, tôi không tin vào mắt mình, tay chân run lắm. Nước mắt tôi cứ thế tuôn trào và không thể ngừng khóc vì hạnh phúc. Khi cầm điện thoại gọi cho chồng mà tôi vẫn run, khóc không nói nên lời”, chị Thức nghẹn ngào kể lại.

Hơn 6 năm sau khi vượt qua cánh cửa tử thần, người phụ nữ đã từng nghĩ rằng, mình có thể chết bất cứ lúc nào, mình sẽ không thể sinh con được giờ đây không chỉ khỏe mạnh, tràn đầy sức sống mà còn thực hiện được khát khao làm mẹ. Đi qua bao khổ đau, tuyệt vọng, hạnh phúc đã mỉm cười với người phụ nữ nghị lực và dũng cảm ấy. Tháng 8-2021, gia đình chị hạnh phúc đón một bé trai kháu khỉnh chào đời.

Chị Trần Thị Thức chia sẻ: “Mọi đau khổ rồi cũng sẽ qua, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Cuối cùng, tôi đã có một gia đình đúng nghĩa”.

Kể từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 2006, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện được 545 ca ghép tế bào gốc, hồi sinh sự sống cho rất nhiều người bệnh máu hiểm nghèo. Riêng về ghép đồng loài, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp (ghép haplotype), ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Với nhiều người bệnh, ghép tế bào gốc tựa như một “phép màu” đưa người bệnh từ ranh giới sinh tử đến với một cuộc sống mới. Đó là nơi người bệnh không chỉ có những ngày tháng bình yên bên những người thân yêu mà còn thực hiện được nhiều ước mơ, khát vọng tưởng chừng như đã dập tắt.

TRƯƠNG HẰNG-THÁI SƠN

Bài liên quan

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.