Hội thảo 'Thúc đẩy Dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam'
Ngày 02/12, tại TPHCM, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy Dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam'.
Tháng 06/2022, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Vành đai 3. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, không chỉ liên kết 04 tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mà còn giải quyết bài toán kết nối liên vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng.
Nghị quyết 24 mới đây của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh các tỉnh thành phố khu vực Đông Nam Bộ cần đồng tâm, hợp lực kết nối, hoàn thành các kế hoạch, dự án quy mô lớn mang tính kết nối vùng, trong đó có dự án đường Vành đai 3.
Các đại biểu dự Hội thảo tham quan Triển lãm quy hoạch tuyến đường Vành đai 3. Ảnh VGP
Nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp đa chiều từ dư luận, các địa phương, nhất là được sự đồng thuận, chia sẻ từ đông đảo người dân trong việc quy hoạch không gian, góp phần thúc đẩy, hoàn thiện dự án này trong thời gian sớm nhất, báo Tuổi Trẻ và Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ phối hợp tổ chức cuộc Hội thảo với chủ đề: "Thúc đẩy dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ cho biết: Cách đây chưa đầy một tuần, ngày 26/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với các bộ, ngành và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này được ban hành ngày 07/10/2022 và sau đó ngày 23/10, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết này.
Nghị quyết 24 xác định mục tiêu đến năm 2023, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đến năm 2045, trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Theo Nghị quyết, các tỉnh thành phố khu vực Đông Nam Bộ bên cạnh việc phát triển ở các địa phương của mình, cần đồng tâm, hợp lực cùng nhau kết nối, hoàn thành các mục tiêu chung, các kế hoạch, dự án quy mô lớn mang tính kết nối vùng như: Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4, Sân bay Quốc tế Long Thành, Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải… Trong đó, Đường vành đai 3 được coi là "xung lực" cho cả vùng Đông - Tây Nam Bộ phát triển.
Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ - Lê Thế Chữ.
Xác định Đường vành đai 3 là tuyến giao thông quan trọng, mang tính kết nối, phát huy lợi thế của vùng, là động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam, ngay từ đầu Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ đã định hướng và triển khai xây dựng đề cương thực hiện tuyến tuyên truyền này. Mục đích tuyến nội dung này nêu bật được mục đích ý nghĩa của dự án góp phần phát triển kinh tế xã hội của các địa phương tuyến đường đi qua cũng như kinh tế của cả vùng. Hàng loạt các tin bài về đường vành đai 3 đã được đăng trên nhiều ấn phẩm của Tuổi Trẻ như: Tuổi Trẻ Online, Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ TV, Tuổi Trẻ News với nhiều thể loại, định dạng khác nhau thể hiện nhiều thông tin, hình ảnh thực tế ấn tượng, nhiều phân tích sâu sắc… Qua đó, chúng ta có được cái nhìn toàn cảnh về tính cấp thiết của việc triển khai dự án và sự chia sẻ từ chính quyền các cấp cũng như sự hưởng ứng của người dân trong vùng.
Sau khi được Quốc hội nhấn nút phê duyệt dự án, TP. HCM nói riêng và các tỉnh Đông Nam Bộ đã nhanh chóng có những hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai dự án. Báo Tuổi Trẻ tiếp tục đồng hành đưa thông tin đậm nét về việc các địa phương tổ chức băng đồng, vượt sông cắm mốc, triển khai dự án, thông báo đến từng hộ dân…
Nói về tầm quan trọng và sự quan tâm của Chính phủ với dự án Vành đai 3 TP. HCM, những nội dung, kỳ vọng chính tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo Điện tử Chính phủ nhấn mạnh:
Phát triển hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược được xác định trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây. Trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 470.000 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm tới phát triển hạ tầng giao thông, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành. Để thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, chủ trì 3 phiên họp của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục có các chuyến công tác tại các địa phương và trong hầu hết các chuyến công tác này, Người đứng đầu Chính phủ đều dành nhiều thời gian để thị sát, khảo sát thực địa, kiểm tra, thúc đẩy, động viên triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược.
Quan điểm của Người đứng đầu Chính phủ là việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông chiến lược sẽ mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển mới cho từng địa phương, vùng, liên vùng và cả nước. Phát triển hạ tầng giao thông vừa nhằm triển khai 3 đột phá chiến lược, vừa thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; vừa có ý nghĩa cấp bách, trước mắt thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài tạo động lực phát triển trong trung, dài hạn.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 3 qua địa phận TP. HCM.
Sau khi được phê duyệt, dự án sẽ triển khai 3 nhóm công việc chính gồm:
Chuẩn bị thiết kế, dự toán, bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu và khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 06/2023; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến tháng 6/2023 bồi thường xong 70% đất trong dự án và hoàn thành bàn giao mặt bằng vào tháng 12/2023; Triển khai việc phối hợp giữa TP. HCM cùng với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An triển khai đồng bộ thiết kế kỹ thuật cũng như đáp ứng tổng tiến độ chung mà Thủ tướng đã giao, theo tinh thần nghị quyết 105/NQ-CP hoàn thành dự án trong năm 2026
Trong quá trình triển khai dự án, TP. HCM sẽ có những giải pháp cụ thể để: Đáp ứng nguồn vốn cho dự án; Quyết tâm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ đề ra; lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm; quá trình thi công dự án sẽ có thưởng phạt, nhà thầu làm chậm sẽ bị thay thế để kịp tiến độ dự án; phối hợp với các địa phương trong khu vực đáp ứng được nguồn vật liệu thông thường cho dự án.
Dự án Vành đai 3 TP. HCM là dự án trọng điểm, đi qua nhiều địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, công tác xây dựng với khối lượng rất lớn, để đảm bảo tiến độ đề ra cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các tỉnh và Thành phố trong Vùng Đông Nam Bộ nói chung và của TP. HCM nói riêng.
Đối với TP. HCM, sẽ phát huy cao độ vai trò chỉ đạo của Ban Chỉ đạo dự án, Ban chỉ huy các dự án thành phần; tiếp thu các ý kiến góp ý của Bộ ngành Trung ương, của Hội đồng cố vấn; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, chỉ đạo giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành.
Song song với thời điểm chúng ta tổ chức hội thảo này, Sở GTVT cũng đang cùng với Ban Giao thông, đơn vị tư vấn tổ chức hội nghị mời các nhà khoa học trong hội đồng cố vấn, Sở GTVT 04 tỉnh, đại diện các sở ngành, quận huyện để góp ý cho báo cáo nghiên cứu khả thi của 2 dự án thành phần.
Sở GTVT cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ; trên cơ sở góp ý hội nghị, các ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật), chúng tôi sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi với chất lượng tốt nhất, trình UBND Thành phố phê duyệt đảm bảo tiến độ.
Theo Chinhphu.vn
Tin mới
Trường Quân sự Quân đoàn 12: Xây dựng, chuẩn hóa giáo viên khoa học xã hội và nhân văn
Thời gian qua, cùng với tích cực đổi mới chương trình, kế hoạch huấn luyện-đào tạo (HL-ĐT) sát với từng đối tượng, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) luôn tích cực, chủ động tham mưu với Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Quân sự Quân đoàn 12 bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Sôi nổi cuộc thi Robocon “Tự hào lịch sử-Rạng ngời tương lai”
Tối 12-11, Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) tổ chức chung kết cuộc thi Robocon năm 2024 với chủ đề “Tự hào lịch sử-Rạng ngời tương lai”. Tham dự cuộc thi có Trung tướng Lê Minh Thái, Giám đốc Học viện KTQS; Thiếu tướng Trần Văn Thưởng, Chính ủy Học viện KTQS; lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đầu mối trực thuộc Học viện và các đội thi.
Trao học bổng tặng 200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Ngày 12-11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp cùng Tập đoàn SCG tổ chức trao học bổng tặng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn “SCG Sharing The Dream 2024”. Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương.
Hà Nội: Hầm metro Nhổn-Ga Hà Nội đã đào được hơn 600m sau 3 tháng
Chiều 12-11, đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, sau gần 3 tháng hoạt động, máy khoan TBM đã đào được 625m hầm, tới khu vực của giếng thoát hiểm, một trong những hạng mục quan trọng của dự án.
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc và dự báo, cảnh báo tài nguyên nước
Ngày 12-11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp nghe báo cáo việc hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc và dự báo, cảnh báo tài nguyên nước.
Ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua không gian mạng - Bài 2: Hiểm họa từ AI
Lừa đảo trực tuyến đang trở nên tinh vi hơn khi tội phạm mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đã có nhiều người dùng mạng xã hội bị các đối tượng lừa đảo bằng những hình ảnh, video được tạo từ Deepfake, Deepvoice-là những công nghệ ứng dụng AI để tạo hình ảnh, video âm thanh giả mạo giống như thật khiến người dùng khó phân biệt...