Theo nhóm hỗ trợ người di cư Walking Borders ngày 9-7 (giờ địa phương), hai chiếc thuyền - một chiếc chở khoảng 65 người và chiếc còn lại mang theo từ 50 đến 60 người - đã mất tích 15 ngày kể từ khi xuất bến từ Senegal nhằm cố gắng tới Tây Ban Nha. Chiếc thuyền thứ ba chở theo khoảng 200 người rời quốc gia Tây Phi ngày 27-6.
Cả ba con thuyền đều xuất phát từ làng Kafountine ở phía Nam Senegal, cách Tenerife, một hòn đảo thuộc quần đảo Canary, khoảng 1.700km. Bà Helena Maleno, đại diện của Walking Borders cho biết gia đình của những người di cư mất tích không nhận được thông tin từ khi họ lên tàu.
Nhiều người di cư đã mất mạng trên hành trình mạo hiểm bằng đường biển để tới châu Âu. Ảnh: Sea News |
Theo nhóm Walking Borders, bầu không khí chính trị rất căng thẳng và tình trạng bất ổn nghiêm trọng ở Senegal trong những năm gần đây khiến ngày càng nhiều người dân chọn cách rời bỏ quê hương để di cư.
Quần đảo Canary, nằm ở ngoài khơi bờ biển Tây Phi, đã trở thành điểm đến chính của những người di cư cố gắng tìm đường tới Tây Ban Nha, mặc dù số lượng nhỏ hơn nhiều so với những người đang tìm cách vượt Địa Trung Hải để tới đất liền Tây Ban Nha. Đáng chú ý, mùa hè hằng năm là khoảng thời gian diễn ra nhiều hoạt động vượt biển nhất của những người di cư.
Theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) của Liên hợp quốc, năm 2022 ghi nhận khoảng 560 người, trong đó có 22 trẻ em, thiệt mạng trong những nỗ lực hướng tới quần đảo Canary. Trong khi đó, kể từ năm 2018 đến nay, hơn 11.200 người đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tìm cách vượt biển để đến Tây Ban Nha.
Lượng người di cư đến quần đảo Canary đã tăng mạnh kể từ cuối năm 2019 sau khi chiến dịch tuần tra tăng cường dọc bờ biển phía nam của châu Âu làm giảm đáng kể dòng người di cư qua tuyến đường Địa Trung Hải.
Sau cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015, khi hơn 1 triệu người di cư từ Syria và các quốc gia Bắc Phi - Trung Đông đổ về “vùng đất hứa” châu Âu, thì người tị nạn trở thành vấn đề vô cùng khó giải quyết và gây chia rẽ đối với các chính phủ châu Âu cũng như với cả khối Liên minh châu Âu (EU).
Sau nhiều năm tranh cãi, các nhà lãnh đạo EU gần đây đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán về một hiệp ước tị nạn và di cư mới nhằm chia sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá hiện có rất ít tiến bộ thực sự trong việc tạo ra các tuyến đường an toàn và hợp pháp cho những người xin tị nạn đến “lục địa già”.
MINH ANH (theo Reuters)