Kế hoạch giải quyết xung đột của Ukraine gặp khó
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã đưa ra kế hoạch chấm dứt chiến tranh với Nga, còn gọi là “kế hoạch chiến thắng”, nhưng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng.
Tờ The Washington Post cho hay, ngày 17-10, tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), Tổng thống Ukraine Zelensky đã cố gắng vận động sự ủng hộ cho "kế hoạch chiến thắng" của ông. Tuy nhiên, một phần quan trọng của kế hoạch này, đó là lời mời gia nhập NATO, dường như vẫn khó trở thành hiện thực trong thời điểm hiện tại.
Chia sẻ với báo giới sau cuộc gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Brussels, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã kêu gọi NATO tiếp tục ủng hộ đơn xin gia nhập liên minh của Ukraine và tăng cường hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Nga. Bên cạnh đó, ông Zelensky còn kêu gọi các nước thành viên NATO gửi binh sĩ để bổ sung vào hàng ngũ các lực lượng vũ trang Ukraine.
![]() |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, ngày 17-10. Ảnh: EPA |
Đáp lại, Tổng thư ký NATO Rutte nói với Tổng thống Zelensky rằng Ukraine sẽ gia nhập NATO đúng với điều đã được cam kết lâu nay, nhưng liên minh quân sự này không ủng hộ việc kết nạp Ukraine ngay lập tức.
Cùng ngày, khi trình bày kế hoạch nói trên tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Brussels, Tổng thống Zelensky cho rằng, mặc dù tư cách thành viên NATO của Ukraine thực sự có thể diễn ra sau khi xung đột chấm dứt, nhưng các cuộc đàm phán về vấn đề này bắt đầu càng sớm thì càng tốt. Ông Zelensky cũng đưa ra hai lựa chọn, đó là hoặc Ukraine sẽ gia nhập NATO hoặc nếu không sẽ theo đuổi vũ khí hạt nhân, trong đó nước này thiên về lựa chọn thứ nhất.
Trước đó một ngày, Tổng thống Zelensky đã trình bày chi tiết kế hoạch nói trên trước Quốc hội Ukraine. Kế hoạch gồm 5 điểm chính thức và 3 điểm bí mật chỉ được chia sẻ với một số đối tác nhất định. Ông Zelensky cho rằng kế hoạch này sẽ là cầu nối hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình với Nga trong tương lai, khi Ukraine đặt mục tiêu củng cố vị thế của nước này đủ để chấm dứt xung đột.
Theo The Washington Post, gần đây, Tổng thống Ukraine đã đến Mỹ và một số nước châu Âu để tìm kiếm sự ủng hộ cho “kế hoạch chiến thắng” của mình, nhưng các chuyến đi này không đạt được nhiều tiến triển rõ ràng. Tương tự, hãng tin AFP cho rằng kế hoạch mà ông Zelensky đưa ra chưa nhận được sự ủng hộ từ các nước phương Tây. Thậm chí, Thủ tướng Hungary Viktor Orban còn lên tiếng chỉ trích “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Ukraine và cho rằng đây là “kế hoạch thất bại”.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS cho hay, phía Nga nhận định Tổng thống Ukraine đang sử dụng kế hoạch của mình để thúc đẩy NATO tiến tới một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Cụ thể, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mô tả kế hoạch của Tổng thống Zelensky là “một tập hợp các khẩu hiệu không mạch lạc”. Theo nhà ngoại giao, kế hoạch có 5 điểm, bao gồm triển khai lực lượng răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện tại Ukraine cùng với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga. "Nhìn chung, tất cả những điểm và điều khoản bí mật này không phải là kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky, mà là một kế hoạch mang lại bất hạnh cho Ukraine và người dân Ukraine”, Người phát ngôn Zakharova nói.
Cũng liên quan đến tình hình xung đột Nga-Ukraine, mới đây, một số nước như Mỹ, Đức, Na Uy, Hà Lan, Thụy Sĩ, Canada tiếp tục công bố các gói viện trợ cho Ukraine. Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans tuyên bố Hà Lan chính thức cho phép Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do nước này cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Theo Thủ tướng Hungary Orban, ông sẽ kêu gọi lãnh đạo hai nước Pháp và Đức thay mặt EU bắt đầu thương lượng với Nga nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng với tình hình hiện nay, triển vọng hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn mờ mịt.
ANH VŨ
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.