Xung đột đẩy Lebanon lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế
Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon gia tăng, nền kinh tế Lebanon vốn đã suy yếu giờ đây phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Theo hãng tin DW, trong cửa hàng đổi tiền nhỏ ở thủ đô Beirut của Lebanon, ông Farouk Khoury cho biết, công việc kinh doanh của ông đã bị ảnh hưởng nặng nề khi xung đột giữa Israel và Hezbollah leo thang. Hiện không có khách hàng nào đến cửa hàng của ông để đổi tiền. “Tôi mở cửa 5 ngày/tuần. Trước khi căng thẳng gia tăng, khách du lịch từ Pháp và các nước khác thường đến để đổi tiền, nhưng giờ thì không còn ai đến nữa”, ông Khoury chia sẻ. Trong khi đó, cô Perla Tatros, nhân viên tại một quán cà phê nhỏ ở Beirut cũng không thấy nhiều người nước ngoài đến quán nữa. “Không chỉ có người nước ngoài, ngay cả người dân Lebanon cũng ít đến quán cà phê nơi tôi làm việc hơn. Điều này xảy ra do xung đột, nhưng cũng do những vấn đề khác từ trước đó như cuộc khủng hoảng kinh tế”, cô Tatros cho biết.
Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel ở vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Lebanon, ngày 28-9. Ảnh: Getty Images |
Chia sẻ của ông Khoury và cô Tatros cho thấy những khó khăn mà các doanh nghiệp ở Lebanon đang phải đối mặt. Những khó khăn đó không chỉ do xung đột Israel-Hezbollah gây ra mà còn là hệ lụy của các vấn đề mà Lebanon phải đối mặt trong 5 năm qua.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Lebanon đã phải hứng chịu nhiều cú sốc. Trước hết là sự sụp đổ tài chính năm 2019 khiến đồng bảng Lebanon mất giá 98%, đẩy 80% dân số vào cảnh nghèo đói. Sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế Lebanon bị tổn hại thêm. Vụ nổ ở cảng Beirut vào năm 2020 cũng gây thiệt hại lớn cho kinh tế nước này. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria cùng với tình trạng di dời trong nước đã gây căng thẳng cho nền kinh tế, cơ sở hạ tầng của Lebanon.
Ông Sami Nader, nhà kinh tế học người Lebanon và là người sáng lập Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược Levant tại Beirut cho biết, xung đột leo thang giữa Israel và Hezbollah đã đẩy Lebanon lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Ông Nader cảnh báo một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hezbollah sẽ dẫn đến hồi kết cho nền kinh tế Lebanon. Theo ông Nader, tình hình Lebanon năm 2024 rất khác so với thời điểm diễn ra cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah năm 2006. Khi đó, dòng tiền từ cộng đồng người Lebanon ở nước ngoài và các quốc gia khác vẫn chảy về Lebanon. Trong khi đó, hiện nay, Lebanon đang thiếu nguồn lực để xây dựng lại nền kinh tế.
Giao tranh giữa Israel và Hezbollah liên tiếp diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp của Lebanon khi đất nông nghiệp bị tàn phá, nông dân phải di dời, chuỗi cung ứng bị phá vỡ và cơ sở hạ tầng bị hư hại. Theo Thủ tướng Lebanon Najib Mikati, khoảng 75% nông dân nước này mất kế sinh nhai do 800ha đất nông nghiệp bị phá hủy, 34.000 gia súc chết. Cùng với nông nghiệp, du lịch vốn là ngành chủ chốt của Lebanon cũng đang điêu đứng. Lo ngại căng thẳng giữa Israel và Hezbollah gia tăng gây nguy hiểm, một số quốc gia đã kêu gọi công dân của họ rời khỏi Lebanon. Hàng chục hãng hàng không quốc tế cũng đã hủy các chuyến bay đến và đi từ Beirut. Việc mất đi lượng lớn khách du lịch nước ngoài gây ảnh hưởng đến nguồn thu quan trọng của nền kinh tế Lebanon. Nhà kinh tế học người Lebanon Roy Badaro nhận định: “Ngành du lịch về cơ bản đã chết. Hầu hết câu lạc bộ và nhà hàng đều gần như đóng cửa với mức giảm hoạt động ít nhất là 50% và có thể lên tới 60-70%”.
Các cuộc tấn công của Israel, trong đó có chiến dịch tấn công trên bộ vào miền Nam Lebanon, là đòn giáng mạnh đối với nền kinh tế Lebanon. Người dân Lebanon phải đối mặt với khó khăn chồng chất khi vừa sơ tán tránh các cuộc không kích của Israel, vừa nỗ lực tìm cách mưu sinh. “Các vùng ngoại ô ở phía Nam Beirut, nơi tập trung hầu hết cuộc không kích của Israel, phải trả giá cực đắt vì xung đột. Người dân đã không còn nhà cửa và phải di dời”, nhà kinh tế học Badaro lưu ý.
LÂM ANH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.