• Click để copy

Khoa Giáo dục Tiểu học: Nền tảng vững chắc cho tương lai giáo dục Việt Nam

Giáo viên tiểu học là những người có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh trong những năm tháng đầu đời. Do đó, yêu cầu đối với giáo viên tiểu học là rất cao, khác biệt so với những khối cấp học khác. Là địa chỉ uy tín trong suốt 40 năm qua, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày càng phát triển, đáp ứng kịp sự thay đổi và yêu cầu của xã hội.

Chọn bền lâu dù gian khó

“Cảm ơn các em đã chọn Khoa làm nơi gửi gắm tuổi thanh xuân cùng những đam mê, khao khát của mình. Với 4 năm sinh viên các em còn "đứng trước" nhiều sự lựa chọn… chỉ có những ai biết giữ hạt mầm tử tế, thiện lương, tích cực, yêu cái đẹp mới có thể lựa chọn những gì thuộc về điều ngay lẽ phải. Trong hành trình lựa chọn đó, các em hãy tin bên cạnh các em luôn có các thầy cô và các anh chị sinh viên khóa trên đồng hành…”, đó là những lời tâm sự của PGS, TS Đỗ Xuân Thảo, Trưởng khoa Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gửi tới những tân sinh viên.

Khoa Giáo dục Tiểu học: Nền tảng vững chắc cho tương lai giáo dục Việt Nam
 PGS, TS Đỗ Xuân Thảo, Trưởng khoa Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Với tinh thần ấy, 38 năm công tác tại khoa, thầy Đỗ Xuân Thảo luôn kiên trì bồi đắp, trang bị cho những sinh viên sư phạm tiểu học. Thầy Thảo kể: “Tôi là một trong những thành viên góp phần xây dựng và kiến thiết Khoa Giáo dục Tiểu học. Sau khóa chuyên tu (dành cho những cán bộ giáo viên tiểu học đi học nâng cao tay nghề) thành công, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đề xuất trường thành lập khoa vào năm 1983. Dù vậy, phải sau 6 năm thử nghiệm với 6 khóa chuyên tu, năm 1992 khoa mới chính thức đào tạo hệ đại học chính quy đầu tiên. Từ lớp đầu tiên với 60-70 sinh viên, đến nay quy mô sinh viên của khoa khoảng hơn 800 sinh viên cho 2 ngành giáo dục tiểu học và giáo dục tiểu học bằng Tiếng Anh - nằm ở tốp đông của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chưa kể sinh viên văn bằng 2, sinh viên ngành 2, hệ đào tạo từ xa lên tới con số 70.000 - 80.000 người".

Với đặc thù rất rõ là giáo viên tiểu học dạy học đa môn, PGS, TS Đỗ Xuân Thảo cho biết: “Nếu như sinh viên sư phạm ngành khác học chuyên sâu một môn thì sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học phải học 3 môn, ngoài hai môn nòng cốt là Toán và Tiếng Việt, các em phải nắm rất chắc Tâm lý giáo dục. Từ năm thứ 3, những sinh viên sư phạm tiểu học tiếng Anh học thêm môn Tự nhiên, Xã hội, Toán bằng tiếng Anh nhằm đến cả đối tượng có thể ra dạy ở những trường quốc tế”.

Đội ngũ giảng viên là một trong những thế mạnh của khoa. Họ đều là những giảng viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề và được tham gia xây dựng chương trình tổng thể Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đa phần giảng viên là người tham gia viết sách giáo khoa, tham gia thẩm định sách giáo khoa, viết tài liệu bồi dưỡng cho chương trình giáo dục phổ thông mới nên việc triển khai đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy cho sinh viên sư phạm tiểu học khá thuận lợi, đồng bộ từ chương trình đến giáo trình, cải tiến phương pháp giảng dạy ngay từ khi chương trình mới chưa triển khai.

Khoa Giáo dục Tiểu học: Nền tảng vững chắc cho tương lai giáo dục Việt Nam
 Giảng viên của khoa đều là những người giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề. 

Chia sẻ về “ngôi nhà chung” của mình, cả sinh viên Nguyễn Phương Anh và Nguyễn Ngọc Huyền, lớp K71K đều nhận định PGS, TS Phó Đức Hòa là một trong những người thầy đã để lại trong lòng các em những dấu ấn khó phai. Mỗi bài giảng là một không khí mới mẻ với những hoạt động học tập thú vị để thêm yêu và tự hào công việc đi gieo con chữ sau này. “Vẫn biết thế hệ chúng tôi cần bản lĩnh, mạnh mẽ để vượt qua những rào cản trong bước đường trưởng thành nhưng thật tuyệt vời khi có người đã đặt niềm tin và trao cơ hội để chúng tôi nhận ra “ta bình thường nhưng không hề tầm thường”. Chỉ khi chúng ta không ngừng cố gắng, làm việc bằng cả cái tâm của nghề giáo và trở thành người giáo viên đúng nghĩa thì đó là món quà ý nghĩa nhất trong cuộc đời người giáo viên”, Phương Anh nêu quan điểm.

Nâng cao chất lượng thực hành, trải nghiệm của sinh viên

Dù đã được trang bị hệ thống kiến thức vững chắc nhưng những tình huống sư phạm thực tế mà sinh viên năm thứ 4 Khoa Giáo dục Tiểu học, Phí Thị Linh gặp phải vẫn đầy bất ngờ thú vị khi tham gia đứng lớp tại Trường Tiểu học thực hành Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Linh kể mỗi tuần sinh viên có 2-3 buổi kiến tập tại trường nhưng cứ hết giờ học trên lớp, Linh đều tranh thủ vào trường để có nhiều thời gian tiếp xúc với học sinh hơn. “Lý thuyết nhiều khi không đề cập tới nhưng xuống trường thực hành được tiếp xúc với nhiều học sinh, tiếp xúc với vấn đề tâm lý của lứa tuổi tiểu học, chúng em học hỏi các dạy, cách quản lý lớp và cách giao tiếp với học sinh ra sao. Đây mới là điều khó nhất”, Phí Thị Linh nói.

Khoa Giáo dục Tiểu học: Nền tảng vững chắc cho tương lai giáo dục Việt Nam
 Một buổi góp ý, trao đổi nghiệp vụ cho sinh viên thực tập tại trường thực hành. 

Còn với em Nguyễn Thanh Thảo, sinh viên năm thứ 3, ngành Giáo dục Tiểu học sư phạm Tiếng Anh, mỗi giờ lên lớp thực hành là một lần tích lũy thêm cho mình những hành trang mới. “Em rất ấn tượng với môi trường học tập mà ở đó người học có một ngôi trường để thực hành luôn những điều đã học. Sự chia sẻ kinh nghiệm tận tâm của các thầy cô vừa là giảng viên của khoa, vừa là giáo viên của trường tiểu học thực hành khiến sinh viên tự tin hơn. Tiếp xúc với học sinh lứa tuổi tiểu học không chỉ đòi hỏi có kiến thức giảng dạy tốt mà việc nắm rõ yếu tố tâm lý lứa tuổi, tình yêu và sự kiên nhẫn với trẻ mới là điều quan trọng, giúp sinh viên hoàn thiện bản thân”, Nguyễn Thanh Thảo tâm sự.

Bày tỏ sự hài lòng với thái độ cầu thị, luôn tìm cách đổi mới của những sinh viên sư phạm, cô Ngô Vũ Thu Hằng, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thực hành Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Qua những tiết thực hành, người học có thể đối chiếu những kiến thức lý luận trong dạy học vào tình huống thực tế để rút ra những kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ thuật dạy học trở nên phù hợp hơn với mỗi đối tượng học sinh. Chúng tôi thường dự giờ để phân tích tiết học, rút ra bài học thực tế cho các em. Từ đó, sinh viên sẽ tự thiết kế ra một giờ dạy như một giáo viên. Sinh viên được nhúng vào môi trường thực tế thường say nghề hơn bởi khám phá ra nhiều điều thú vị nếu chỉ học lý thuyết sẽ không tưởng tượng được hết sự sinh động của thực tiễn”.

Dù là một khoa “hot” của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng một mặt đáp ứng nhu cầu xã hội, một mặt nâng cao chất lượng, hằng năm khoa chỉ tuyển số lượng sinh viên nhất định. Năm học 2024-2025 sẽ có hơn 200 sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Khoa Giáo dục Tiểu học: Nền tảng vững chắc cho tương lai giáo dục Việt Nam
 Năm học 2024-2025 sẽ có hơn 200 sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Với bề dày lịch sử, đội ngũ giảng viên chất lượng, chương trình đào tạo tiên tiến, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, Khoa Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã và đang khẳng định được vị thế của mình là một trong những trung tâm đào tạo giáo viên tiểu học uy tín, chất lượng của cả nước, góp phần quan trọng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Bài, ảnh: LINH AN

Bài liên quan

Tin mới

Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan

Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.

Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.

Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.