• Click để copy

Không để xe chở khách theo hợp đồng biến tướng, trá hình

Xe ô tô chở khách theo hình thức hợp đồng vẫn không ngừng mở rộng về số lượng, trong đó, không ít xe hoạt động trá hình như xe tuyến cố định. Điểm chung của những xe này là không chịu sự quản lý của bến xe, sử dụng văn phòng, điểm trung chuyển để đón, trả khách, thậm chí bắt khách dọc đường, dễ biến tướng thành xe dù, bến cóc.

Tình trạng này vừa gây khó khăn cho công tác quản lý, vừa dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng giữa các đơn vị vận tải, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an toàn giao thông.

Xe hợp đồng chiếm 70% lượng xe vận tải hành khách

Đã trở thành một thói quen với nhiều người dân khi đi xe khách từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, thay vì ra bến xe, chọn đúng tuyến cần đi thì họ tìm đến các loại xe limousine (xe chở khách, thường là loại 16 chỗ, được cải tạo, giảm số ghế để kinh doanh vận tải) hay các hình thức xe hợp đồng khác.

<a title=
Xe vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng hoạt động tại Hà Nội. 

Hành khách sử dụng dịch vụ này có thể được đón ngay tại nhà hoặc các điểm trung chuyển, văn phòng của hãng xe, không cần đến bến xe như với xe khách tuyến cố định truyền thống. Loại hình xe khách này tạo cảm giác thuận tiện cho người dân, nhất là những người ngại đến bến xe, vẫn giữ tâm lý thích bắt xe dọc đường.

Tuy nhiên, việc xe limousine đi sâu vào nội đô thành phố để đón, trả khách, thậm chí bắt khách ngay trên đường làm gia tăng ùn tắc giao thông, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Nhiều nơi đã phát sinh điểm đón, trả khách trái phép, dẫn đến hiện tượng xe dù, bến cóc. Những phương tiện này cạnh tranh trực tiếp, "vợt" khách của xe chạy tuyến cố định.

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vẫn tồn tại dai dẳng. Mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe hợp đồng trá hình đón, trả khách, thu tiền như tuyến cố định. Những nhà xe này sử dụng nhiều hình thức để gom khách lẻ rồi lập thành danh sách cụ thể nhằm hợp thức hóa, giả mạo hợp đồng khách đi du lịch, qua mặt lực lượng chức năng. "Trong khi cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa tìm được giải pháp quản lý hữu hiệu thì xe hợp đồng ngày càng phát triển, số lượng xe của loại hình này đang chiếm đến 70% xe vận tải khách", ông Lương Duyên Thống cho biết.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, các lỗi phổ biến của xe vận tải hành khách bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua là dừng đỗ, đón, trả khách sai quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, không đóng cửa khi xe đang chạy, đi vào đường cấm, sai làn đường, vi phạm tốc độ...

Đáng chú ý, các trường hợp xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định vẫn diễn biến phức tạp và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Điển hình là việc cá nhân, tổ chức kinh doanh xe hợp đồng sử dụng nền tảng mạng xã hội, website quảng cáo bán vé, tìm đủ chiêu trò hợp thức hóa hợp đồng hay sử dụng văn phòng đại diện, điểm kinh doanh đặt gần các bến xe, tuyến đường trọng điểm, huyết mạch để đón, trả khách.

Để xử lý tình trạng này, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, tích cực phối hợp với đơn vị chức năng phát hiện, xử phạt nghiêm các trường hợp xe chạy sai hành trình, dừng đỗ không đúng quy định, vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, lắp đặt bổ sung camera giám sát và phát động người dân cung cấp hình ảnh vi phạm trên địa bàn để cơ quan chức năng có cơ sở xác minh, kiểm tra, xử lý.

Lực lượng chức năng cũng phối hợp khai thác triệt để hơn nữa cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là camera giám sát hành trình. Các đơn vị, địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ văn phòng đại diện của hãng xe, tránh để lợi dụng những địa điểm này làm nơi đón, trả khách không đúng quy định.

Cần siết chặt các quy định quản lý

Một trong những nguyên nhân khiến xe hợp đồng "nở rộ" là do các hình thức xe trung chuyển phục vụ người kết nối đến bến xe khách còn hạn chế, phần nào khiến xe tuyến cố định khó thu hút hành khách hơn so với xe hợp đồng. Bên cạnh đó, ý thức người dân cần được nâng cao hơn nữa, không nên bắt xe khách dọc đường để góp phần bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, có thể chia thành 3 loại xe hợp đồng: Thứ nhất là xe hợp đồng chở công nhân, đưa đón chuyên gia, học sinh. Thứ hai là xe hợp đồng theo chuyến, chở khách đi du lịch, tham gia các hoạt động, sự kiện. Các nhóm xe hợp đồng này cơ bản chấp hành đúng quy định về kinh doanh vận tải. Với loại thứ 3 thường gọi là hợp đồng trá hình là loại xe chia sẻ, nhiều hành khách cùng sử dụng một chuyến xe, cũng là hình thức xe hợp đồng cần quản lý. Xe vận tải khách theo tuyến cố định được quản lý chặt chẽ còn xe hợp đồng có phần lỏng lẻo.

Đơn cử như xe khách theo tuyến cố định chỉ doanh nghiệp hoặc hợp tác xã mới được đăng ký, việc tăng, giảm chuyến phải báo cáo với bến xe, sở GTVT, giá vé phải kê khai với cơ quan chức năng, còn xe hợp đồng chỉ cần có xe và phù hiệu là được phép hoạt động, hộ kinh doanh cũng có thể tham gia khai thác.

Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng biến tướng của xe hợp đồng, loại bỏ xe trá hình đó là cùng với việc siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, cũng cần đưa các xe này vào hoạt động tại bến xe. Trước một số ý kiến cho rằng bến xe đã quá tải, không còn slot (lượt xe) cho các đơn vị muốn vào bến, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) cho biết, công suất của bến xe Nước Ngầm hiện có hơn 1.000 slot/ngày, nhưng thực tế hiện nay chỉ khai thác hơn 490 slot/ngày. Tuy nhiên, trên danh mục công bố, bến xe Nước Ngầm đã quá tải bởi lượng xe đăng ký ảo rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Lập đề nghị, cần cắt bỏ slot của những doanh nghiệp đã đăng ký nhưng không đưa xe vào hoạt động hoặc chạy không đủ tần suất. Nếu thực hiện được việc này, bến xe Nước Ngầm sẽ còn hơn 500 slot trống. Các bến xe khác khi được rà soát lại sẽ còn slot trống để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vận tải.

Đối với việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi ra bến xe, ông Nguyễn Văn Lập đề xuất nên có mô hình xe trung chuyển dùng chung cho các hãng xe trên cùng địa bàn, sử dụng phần mềm, ứng dụng giúp người dân dễ dàng đặt xe. Thực tế, một số hãng xe tại bến xe Nước Ngầm đã đưa vào hoạt động xe trung chuyển hỗ trợ hành khách đi từ nhà ra bến xe và ngược lại, kết quả thu được khả quan.

Bày tỏ sự ủng hộ các loại hình kinh doanh vận tải nhưng phải bảo đảm quy định của pháp luật, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh, những hành vi vi phạm quy định của pháp luật, lách luật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, hình thành xe dù, bến cóc cần phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, hiện nay, các thủ tục để đăng ký hoạt động tại bến xe cũng thông thoáng, có thể thực hiện trên cổng dịch vụ công điện tử. Bản thân các đơn vị đang khai thác vận tải khách tuyến cố định cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, phương tiện, công tác quảng bá hình ảnh, bán vé...

Nhấn mạnh các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần có bộ phận bảo đảm an toàn giao thông, ông Lương Duyên Thống cho biết, sẽ siết chặt quản lý với xe kinh doanh vận tải theo hướng bổ sung quy định xe bị thu hồi giấy phép kinh doanh, biển hiệu, phù hiệu sau 30 ngày mới được cấp lại. Cùng với đó, có thể xem xét tăng slot tại các bến xe, đưa vào hoạt động xe trung chuyển hỗ trợ hành khách ra bến xe và về tận nhà, giúp giảm thời gian chờ đợi, thu hút hành khách, hướng đến vừa bảo đảm quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải, vừa tạo thuận lợi cho người dân.

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.