Tại căn nhà 5 tầng nằm ở số 2A Lê Niệm, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng Quản lý thị trường đã tốn rất nhiều thời gian thẩm tra, xác minh bởi nghi vấn tại đây chứa trữ, kinh doanh hàng hoá không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc tiếp cận là không dễ dàng, bởi ngôi nhà thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng then cài”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Đến chiều tối ngày 26/8, một xe máy trong trang phục của grab dừng xe trước cửa, không lâu sau đó, thành viên trong ngôi nhà đã mở cửa và giao cho tài xế một thùng carton nghi chứa hàng, được đóng gói kỹ lưỡng. Chớp lấy thời cơ này, Đoàn kiểm tra gồm thành viên của Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT), đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP. HCM và Công an phường Phú Thạnh, quận Tân Phú đã bất ngờ ập vào kiểm tra.
Chủ cơ sở trưng dụng hầu hết diện tích của tầng 1 để hàng hóa
Căn nhà thuộc sở hữu của ông Hoàng Đặng Quốc Phong có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. Trong toàn bộ không gian của căn nhà 5 tầng được chủ cơ sở tận dụng các ngóc ngách còn trống để chứa hàng hoá, chủ yếu là mỹ phẩm tuy nhiên cơ sở lại chưa thực hiện đăng ký kinh doanh mặt hàng này theo quy định.
“Rất khó khăn chúng tôi mới có thể vào kiểm tra địa điểm này bởi nơi đây thường không chứa trữ hàng hoá lâu, hàng được nhập về, cơ sở nhanh chóng tiến hành phân phối sản phẩm theo nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, ngôi nhà thường xuyên đóng cửa nên lực lượng chức năng gặp khó trong quá trình xác minh thông tin một cách chính xác” một thành viên Đoàn kiểm tra chia sẻ.
Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn mỹ phẩm các loại như: dung dịch tẩy da chết, kem trị mụn, kem phục hồi da, kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt, nước hoa Hồng, serum cấp nước dưỡng ẩm phục hồi da, kem dưỡng ẩm trắng da mờ nám, bộ peel thay da sinh học, kem chống nắng… mang thương hiệu Obagi và ZO.
Chủ cơ sở thừa nhận là chủ sở hữu của toàn bộ số mỹ phẩm “ngoại” này nhưng không xuất trình được các hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp do “mua trôi nổi trên thị trường” - ông Phong nói.
Sản phẩm bị lực lượng chức năng tạm giữ tại hiện trường
Theo tìm hiểu, cơ sở này chủ yếu hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Riêng trên zalo, chủ cơ sở sử dụng trên 100 tài khoản với các tên gọi khác nhau, điển hình như: “CTV - Sỉ Dược Mỹ Phẩm - OBG-Nhóm 3”; “Tổng Sỉ Dược Mỹ Phẩm HCM”; “Tổng Kho MỸ PHẨM NO.6”; “Bs Thanh Trà”; “Đổ Buôn Mỹ Phẩm - Lan Cosmetic”. Đặc biệt, toàn bộ các sản phẩm được giới thiệu, quảng bá trên website: www.obagi.vn.
Sau 24h liên tục kiểm đếm, phân loại sản phẩm, lực lượng chức năng đã thu giữ trên 13.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm tại điểm tập kết hàng của ông Phong.
Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP.HCM đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hoá để tiếp tục xác minh, làm rõ các yếu tố vi phạm.