• Click để copy

Kịp thời ứng phó và hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai, thảm họa

Dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) nhằm tạo khung pháp lý trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục những thảm họa, sự cố nghiêm trọng; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế-xã hội.

Việc phân cấp độ PTDS nhằm xác định mức độ rủi ro để có biện pháp ứng phó hiệu quả, nhất là ứng phó tại chỗ. Quỹ PTDS sẽ là nguồn lực quan trọng để bảo đảm an toàn, giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả. Đây là hai nội dung quan trọng trong dự thảo Luật PTDS. Để giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về những nội dung này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với chuyên gia, Đại tá, PGS, TS Hà Nguyên Cát, nguyên giảng viên Học viện Quốc phòng.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, quỹ PTDS được quy định như thế nào trong dự thảo Luật PTDS và mục đích, ý nghĩa của quỹ này là gì?

Đại tá, PGS, TS Hà Nguyên Cát: Quỹ PTDS là nội dung quan trọng được quy định tại Điều 44 của dự thảo Luật PTDS. Theo đó, “quỹ PTDS là quỹ tài chính của Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động các nguồn lực của xã hội cho hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường. Quỹ PTDS được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động PTDS”.

Kịp thời ứng phó và hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai, thảm họa
 

Các cơ quan chức năng kiểm tra phương án bảo đảm tàu thuyền tránh trú bão tại khu neo đậu của tỉnh Quảng Bình 7-2022. Ảnh: QUANG THIỆN. 

Dự thảo luật quy định là quỹ PTDS của Nhà nước nhưng nằm ngoài ngân sách. Đây là quỹ được tạo nên từ nguồn lực xã hội hóa; nguồn bổ sung quan trọng, góp phần tăng sức mạnh tổng hợp cùng với nguồn lực con người, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động PTDS. Quỹ PTDS mang ý nghĩa kịp thời, giải quyết khẩn cấp thảm họa, sự cố, được quy định rõ tại khoản 4, điểm c, Điều 44, dự thảo luật: “Hỗ trợ cho các hoạt động PTDS mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu”.

Quỹ PTDS ưu tiên trực tiếp cứu trợ khẩn cấp cho người dân về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác. Cùng với đó, hỗ trợ người dân tu sửa cơ sở hạ tầng. Qua đây cho thấy rõ, mục đích của quỹ PTDS được sử dụng phục vụ đối tượng là người dân một cách kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Quy định về mục đích sử dụng của quỹ PTDS như vậy là rõ ràng, minh bạch, tránh sử dụng không đúng mục đích; đồng thời, đây là căn cứ pháp lý để kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm trong các hoạt động chi tiêu tài chính của quỹ PTDS.

PV: Vậy, phương thức hoạt động và nguyên tắc xây dựng quỹ PTDS như thế nào, thưa PGS?

Đại tá, PGS, TS Hà Nguyên Cát: Tại dự thảo Luật PTDS, phương thức xây dựng quỹ PTDS được quy định do hai cấp tổ chức xây dựng. Ở cấp Trung ương, nguồn tài chính được huy động từ hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và điều tiết từ các quỹ khác ngoài ngân sách có liên quan đến thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường thuộc phạm vi quy định của Luật PTDS. Ở cấp tỉnh, nguồn tài chính xây dựng quỹ bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết từ quỹ PTDS Trung ương và các quỹ ngoài ngân sách cấp tỉnh có liên quan đến thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường theo quy định của Luật PTDS.

Khoản 4, Điều 44, dự thảo Luật PTDS quy định cụ thể nguyên tắc hoạt động của quỹ PTDS là: Không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; hỗ trợ cho các hoạt động PTDS mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Khoản 5 xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ về quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ PTDS; điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động PTDS.

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV vừa qua, dự thảo Luật PTDS đã được đưa ra thảo luận. Trong đó, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc thành lập quỹ PTDS. Điều này xuất phát từ thực tiễn thiên tai, thảm họa, sự cố đã xảy ra, như bão, lũ ở miền Trung hay đại dịch Covid-19 vừa qua... Trong tham luận của các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh, quỹ PTDS là cần thiết, quan trọng, có ý nghĩa góp phần bảo đảm sự chủ động, linh hoạt về nguồn lực phục vụ hoạt động PTDS, ứng phó kịp thời trong tình trạng khẩn cấp.

PV: Một nội dung cũng được nhiều người quan tâm trong dự thảo Luật PTDS là việc phân cấp độ PTDS. Dự thảo luật đề cập vấn đề này như thế nào, thưa PGS?

Đại tá, PGS, TS Hà Nguyên Cát: Dự thảo Luật PTDS quy định 4 cấp độ PTDS: Cấp độ 1 áp dụng ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp huyện, không có khả năng lan sang địa phương khác. Cấp độ 2, áp dụng trên một khu vực nhất định, trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, không có khả năng lan sang địa phương khác. Cấp độ 3 áp dụng khi sự cố xảy ra trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có khả năng lan rộng. Cấp độ 4 áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.

PV: Thưa PGS, việc đề ra các cấp độ PTDS như vậy dựa trên những tiêu chí nào?

Đại tá, PGS, TS Hà Nguyên Cát: Các tiêu chí để đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố và ban hành các cấp độ PTDS gồm: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố; đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế-xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng bởi thảm họa, sự cố; diễn biến, khả năng gây thiệt hại và thiệt hại đã có; khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia PTDS.

Trong 4 tiêu chí trên, 3 tiêu chí đầu là tích hợp nội dung của một số luật chuyên ngành. Đây là những tiêu chí mang tính chất khách quan. Dự thảo Luật PTDS bổ sung tiêu chí thứ 4 "khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia PTDS". Điều này thể hiện năng lực ứng phó của chủ thể (chính quyền, lực lượng chức năng, nhân dân) và trang bị, phương tiện PTDS. Đây là tiêu chí quan trọng, cần thiết để xác định mức độ rủi ro, thiệt hại do thảm họa mà các luật khác chưa quy định. Ví dụ: Hai địa phương cùng chịu ảnh hưởng của bão có cấp độ như nhau nhưng khả năng ứng phó khác nhau thì hậu quả thiệt hại do cơn bão khác nhau đối với từng địa phương. Đây sẽ là cơ sở để xác định cấp độ PTDS.

PV: Từ dự thảo luật, PGS có thể cho biết, tổ chức hay cá nhân nào sẽ có thẩm quyền ban bố các cấp độ PTDS?

Đại tá, PGS, TS Hà Nguyên Cát: Đối với thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ PTDS, cấp độ 1 sẽ do chủ tịch UBND cấp huyện; cấp độ 2 do chủ tịch UBND cấp tỉnh ban bố, bãi bỏ trên địa bàn quản lý. Thủ tướng Chính phủ ban bố, bãi bỏ PTDS cấp độ 3. Cấp độ 4 sẽ căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp.

Việc quy định 4 cấp độ PTDS, giao thẩm quyền ban hành, bãi bỏ cấp độ PTDS cho chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh và Thủ tướng Chính phủ là cần thiết nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tạo sự chủ động, linh hoạt, sát thực tiễn; áp dụng ngay các biện pháp thích hợp để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp thiết, nguồn lực tại chỗ không đủ đáp ứng vẫn có thể điều động lực lượng, phương tiện từ các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành để chi viện.

Ví dụ như vào tháng 8-2019, khi Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông ở địa bàn phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra sự cố với tính chất nguy hiểm, nguy cơ nhiễm độc lan rộng ra các phường lân cận, lực lượng của quận Thanh Xuân kịp thời được huy động khắc phục hậu quả. Ngoài ra, Quân đội, công an và TP Hà Nội đã điều động lực lượng, phương tiện giúp Công ty và địa phương ngăn chặn, khắc phục hiệu quả sự cố này.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS!

DUY VĂN (thực hiện)

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.