Làm gì để bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường?-Bài 3: Thực phẩm phải sạch từ nông trại đến bếp ăn (Tiếp theo và hết)
Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nói chung, ATTP trong trường học nói riêng là vấn đề không đơn giản, bởi muốn làm tốt công tác này phải thực hiện hiệu quả việc kiểm soát liên tục và đầy đủ chuỗi cung ứng thực phẩm từ nông trại, cơ sở chế biến đến các chợ, siêu thị và tới từng bếp ăn. Vì vậy cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng chứ không thể “khoán trắng” cho trường học hoặc cơ quan quản lý ATTP ở địa phương.
Khi thực phẩm bẩn lên bàn ăn
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu khiến thời gian qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong trường học là do thực phẩm bẩn khi bị nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc hoặc tồn dư hóa chất, thuốc trừ sâu...
Điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 17-11-2022, tại trường iSchool Nha Trang, TP Nha Trang (Khánh Hòa) khiến hơn 660 học sinh phải nhập viện, 1 em tử vong, theo kết luận của Trung tâm Y tế TP Nha Trang, nguyên nhân là do món cánh gà chiên nhiễm vi khuẩn Salmonella vì trước khi chế biến, cánh gà chưa được rã đông hoàn toàn, nấu chưa chín kỹ...
Hay vụ việc xảy ra ngày 15-11-2023 trên địa bàn TP Rạch Giá (Kiên Giang) khiến hơn 80 học sinh của 3 trường tiểu học: Mạc Đĩnh Chi, Trần Văn Ơn và Lê Văn Tám bị ngộ độc, cũng được Sở Y tế tỉnh Kiên Giang kết luận là do món thịt kho nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms...
Các học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Co Mạ (Thuận Châu, Sơn La) ăn bán trú. Ảnh: LÊ TRUNG |
Vì sao thực phẩm bẩn vẫn hoành hành? Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến thực phẩm nhiễm khuẩn như thực phẩm tươi sống không được bảo quản tốt, quá hạn sử dụng, ôi thiu, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng.
Đáng chú ý, khi đã có thực phẩm đạt chất lượng thì việc thực hành các quy định ATTP của cơ sở cung cấp suất ăn và đơn vị có bếp ăn tập thể vẫn rất quan trọng, bởi dù thực phẩm tươi sống, sạch nhưng trong quá trình chế biến và lên bàn ăn vẫn có thể nhiễm khuẩn nếu vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, nơi sơ chế, chế biến, bát đũa, dụng cụ cấp dưỡng và bản thân nhân viên chưa tốt; chưa bảo đảm vệ sinh về môi trường xung quanh như côn trùng, rác, bụi, cống rãnh gây ô nhiễm thực phẩm...
Đối với những cơ sở cung cấp suất ăn sẵn phần lớn nấu ăn tập trung, vận chuyển xa, thời gian và phương tiện vận chuyển cũng như cách bảo quản suất ăn trong quá trình vận chuyển có thể ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn chế biến sẵn.
Cũng theo TS Nguyễn Hùng Long, một khó khăn, bất cập hiện nay là chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng thực phẩm từ nông trại, các cơ sở chế biến (qua các khâu nuôi trồng, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, việc thu hái, sơ chế, giết mổ...) đến các chợ đầu mối, siêu thị và tới từng bếp ăn; chưa làm tốt hoạt động đánh giá nhà cung cấp và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trong khi tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất... trong nuôi trồng còn diễn ra.
Mặt khác, định suất ăn cho học sinh còn thấp nên một số cơ sở cung cấp suất ăn phải mua nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm chất lượng... khiến thực phẩm “bẩn” vẫn có cơ hội len lỏi vào bàn ăn của học sinh.
Kiểm soát tốt chất lượng thực phẩm tại các chợ, siêu thị... góp phần quan trọng bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học. Trong ảnh: Một ki-ốt bán thịt lợn tại chợ Việt Trì (Phú Thọ). Ảnh: TRUNG HIẾU |
Trách nhiệm không của riêng ai
Khảo sát thực tế chúng tôi nhận thấy, hiện nay, tùy theo điều kiện, nhu cầu, các trường học có thể tổ chức ăn bán trú theo 3 mô hình: Bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường; đặt suất ăn từ doanh nghiệp cung cấp suất ăn. Dù theo cách nào thì trách nhiệm bảo đảm chất lượng bữa ăn, ATTP trực tiếp và trước hết vẫn thuộc về nhà trường.
Thế nhưng hiện nay, hầu hết trường học đều không có nhân viên phụ trách bữa ăn học đường; nhiều trường phải ký hợp đồng thuê nhân viên nhà bếp; việc giám sát bữa ăn học đường được giao cho giáo viên, nhân viên nhà bếp, nhân viên y tế, trong khi ở nhiều nơi, các đối tượng này chưa được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ về chuyên môn ATTP; cơ sở vật chất nhà ăn, nhà bếp cũng còn nhiều hạn chế...
Để làm tốt công tác bảo đảm ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, trước hết cần đầu tư đồng bộ về con người, phương tiện, cơ sở vật chất cho các nhà trường nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, đồng thời phát huy vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục, của các cơ quan quản lý ATTP ở địa phương.
Nhưng rõ ràng, trách nhiệm bảo đảm ATTP bữa ăn học đường không phải của riêng nhà trường, cơ quan quản lý ATTP mà là của mọi người, mọi nhà, từ người nông dân sản xuất trên đồng ruộng, chuồng trại, các tiểu thương, các đơn vị cung cấp suất ăn đến chính quyền các cấp, các bộ, ngành chức năng... với mục tiêu thực phẩm phải sạch từ nông trại đến bàn ăn, thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh, ATTP.
Theo TS Nguyễn Hùng Long, muốn làm được điều này, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định về ATTP; tăng cường sản xuất, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sạch, không lạm dụng thuốc, hóa chất. Kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng chuyên trách bảo đảm ATTP các cấp; phân công, phân cấp quản lý cụ thể và bố trí lực lượng nắm chắc các đối tượng, xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp đối với từng bếp ăn tập thể.
Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở chế biến suất ăn, bếp ăn tập thể phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, kết hợp đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, hội phụ huynh học sinh trong việc tham gia kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào và giám sát điều kiện vệ sinh.
Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức cho các cơ sở cung cấp suất ăn, nhà trường có bếp ăn tập thể về các quy định của pháp luật, kiến thức ATTP và thực hành vệ sinh. Thực hiện triệt để quy trình, kỹ thuật và nội dung kiểm thực 3 bước; thúc đẩy công tác tự kiểm tra của cơ sở có bếp ăn. Tiếp tục nghiên cứu và áp dụng những mô hình quản lý, mô hình kiểm soát ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể theo hướng bền vững, tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về ATTP tại địa phương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ trưởng ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP cấp tỉnh; chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn; trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của cơ quan nhà nước cấp dưới; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn. (Khoản 1, Điều 40 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ) |
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.