Làm gì để tránh “thảm kịch” vì lãng phí thực phẩm?
Một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho rằng, phải cần một khu vực có diện tích rộng tương đương đất nước Trung Quốc để trồng ra khối lượng thực phẩm bị vứt bỏ.
Ông Richard Swannell thuộc Chương trình hành động về rác thải và tài nguyên (WRAP), một tổ chức phi lợi nhuận của Anh, đã đưa ra cảnh báo đáng chú ý về tình trạng lãng phí thực phẩm trên thế giới trong bối cảnh liên tục có những khuyến cáo về nguy cơ khủng hoảng lương thực hay nạn đói. Liên hợp quốc (LHQ) phối hợp với WRAP vừa công bố báo cáo Chỉ số Lãng phí thực phẩm mới nhất, trong đó cho biết, mỗi ngày có 1 tỷ bữa ăn bị các hộ gia đình trên thế giới vứt bỏ trong khi thế giới vẫn còn gần 800 triệu người đang bị đói. Con số này tương đương 1 tỷ tấn lương thực bị vứt bỏ trong cả năm. 1 tỷ tấn thực phẩm đó tương đương gần 20% tổng số thực phẩm hiện có trên thị trường, đã bị vứt bỏ trong năm 2022, phần lớn là do các hộ gia đình. Lượng thực phẩm này trị giá hơn 1.000 tỷ USD. Tỷ lệ thực phẩm bị vứt bỏ tại các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, căng tin và khách sạn chiếm 28% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí. Con số này ở các cửa hàng bán lẻ như cửa hàng thịt, rau củ là 12%.
Báo cáo cho thấy, trung bình mỗi người lãng phí khoảng 79kg thực phẩm mỗi năm. Con số này tương đương với hơn một bữa ăn mỗi ngày cho mỗi người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Một báo cáo riêng của LHQ vào năm ngoái cho thấy, năm 2022 có tới 783 triệu người phải đối mặt với nạn đói trên toàn thế giới. Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Inger Andersen nhấn mạnh: “Lãng phí thực phẩm là một thảm kịch toàn cầu. Ngày hôm nay, hàng triệu người đói vì thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới”.
Báo cáo cho rằng, việc lãng phí như vậy không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn gây hại cho môi trường. Lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ rác thải thực phẩm cao gấp 5 lần so với khí thải của ngành hàng không. Theo ông Andersen, thất thoát và lãng phí thực phẩm trên toàn bộ chuỗi cung ứng là nguyên nhân gây ra 8-10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, đây là một lượng rất lớn. UNEP đặt mục tiêu giảm một nửa lượng rác thải thực phẩm toàn cầu vào năm 2030 và để thực hiện điều đó, tất cả các quốc gia cần phải hành động.
Rác thải thực phẩm gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Getty |
Đáng chú ý, tình trạng lãng phí thực phẩm không chỉ xảy ra ở các nước giàu mà những quốc gia có thu nhập trung bình cao và thu nhập trung bình thấp có mức độ lãng phí thực phẩm như nhau. Báo cáo cũng cho thấy có sự khác biệt lớn giữa lượng thực phẩm bị lãng phí ở thành phố với khu vực nông thôn, trong đó lãng phí xảy ra nhiều hơn ở thành phố.
Tuy nhiên, vẫn có những quốc gia thực hiện các biện pháp đúng để chống lãng phí thực phẩm. Theo báo cáo, Vương quốc Anh đã giảm 18% chất thải thực phẩm trong chuỗi thực phẩm và Nhật Bản đã giảm chất thải 31%. Các nước làm tốt việc này nhờ triển khai những chiến dịch được thiết kế để thay đổi hành vi của người dân về lãng phí thực phẩm, chẳng hạn như chiến dịch “Yêu thực phẩm, ghét lãng phí” do WRAP phát động ở nhiều quốc gia.
Ông Swannell cho rằng, các chính phủ phải có trách nhiệm theo dõi tình trạng lãng phí thực phẩm để họ biết cần tập trung vào đâu, nhưng cũng cần có sự tham gia của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được khuyến khích theo dõi sự lãng phí của mình để thấy họ có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền nhờ tận dụng tốt nhất lượng thực phẩm họ có. Một nghiên cứu của WRAP thực hiện cùng với Viện Tài nguyên Thế giới cho thấy, khi các doanh nghiệp đầu tư vào giảm lãng phí thực phẩm và tính toán khối lượng lãng phí, họ sẽ nhận được lợi tức đầu tư lớn. Ông Swannell cho biết, trung bình với mỗi USD đầu tư vào hoạt động này sẽ nhận lại được khoảng 7USD. Với các cá nhân cũng tương tự vì phần lớn tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra ở nhà và mọi người thường không biết là mình đã lãng phí bao nhiêu thực phẩm. Báo cáo cho thấy các hộ gia đình chiếm tới 60% lượng rác thải thực phẩm toàn cầu.
Ông Swannell đề xuất: “Hãy đặt một chiếc hộp sang một bên và để lượng thức ăn vứt đi trong một tuần vào đó. Việc làm này sẽ cho thấy chính xác chúng ta có thể tiết kiệm được bao nhiêu chỉ bằng cách lãng phí ít hơn”. Ông Swannell đề nghị mọi người lên kế hoạch trước khi đi mua sắm và bảo quản hầu hết các loại trái cây và rau quả trong tủ lạnh. Ngoài ra cần xác định đúng khẩu phần ăn và sử dụng thức ăn thừa một cách khôn ngoan. Cũng cần có sự phối hợp giữa các nhà sản xuất và những nhà bán lẻ đã giúp giảm lãng phí, chuyển thực phẩm tới cho những người cần và thế giới hiện cần nhiều hơn nữa những hành động như vậy.
LHQ cũng cảnh báo về “thảm kịch toàn cầu” lãng phí thực phẩm trong tương lai gần nếu vấn đề trên còn tiếp diễn. Đây là báo cáo thứ hai về tình trạng lãng phí thực phẩm toàn cầu do LHQ biên soạn, cung cấp bức tranh toàn diện nhất từ trước đến nay về tình trạng này. Ông Swannell còn cho biết thêm, con số 1 tỷ bữa ăn bị bỏ đi là một ước tính rất thận trọng vì thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
XUÂN PHONG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.