Lễ hội truyền thống chọi trâu xã Hải Lựu: Điểm nhấn trong du lịch Vĩnh Phúc
Lễ hội truyền thống chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) là một trong những lễ hội chọi trâu có lịch sử lâu đời nhất nước ta, thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương đến dự.
Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, tổ chức lễ hội an toàn, phù hợp, góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ của tỉnh Vĩnh Phúc.
Kỳ công nuôi trâu chọi
Theo các cụ cao niên xã Hải Lựu, tương truyền, Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu xuất hiện từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, trong bối cảnh nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, Thừa tướng Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi nay thuộc xã Hải Lựu để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia cho tổ chức “đấu ngưu” nhằm động viên quân sĩ và mang lại niềm vui cho dân làng...
Trâu sau khi chọi được mổ thịt để khao quân, động viên quân sĩ hăng hái chống giặc, cứu nước. Sau khi mất, Lữ Gia được dân làng tôn thờ làm Thành hoàng làng, trò “đấu ngưu” được lưu truyền thành hội chọi trâu để tưởng nhớ công lao của ông. Lễ hội truyền thống chọi trâu xã Hải Lựu cũng bắt đầu từ đó.
Sau một thời gian dài dừng tổ chức, từ năm 2002, lễ hội chính thức được khôi phục. Hiện nay, Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu được tổ chức phần lễ vào ngày 15 tháng Giêng (gồm các nghi lễ tại Thành hoàng làng, lễ hiến sinh...) và phần hội (chọi trâu) diễn ra vào hai ngày 16 và 17 tháng Giêng hằng năm.
![]() |
Một trận thi đấu tại Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu năm 2024. |
Việc tìm kiếm, nuôi dưỡng và huấn luyện trâu chọi là cả một sự kỳ công. Ông Nguyễn Thế Cự ở thôn Đồng Tâm, xã Hải Lựu, chủ trâu số 15 vừa giành chức vô địch Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu năm 2024 chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi có trâu vô địch.
Để có được “ông Cầu” (trâu chọi) vừa ý, tôi đã phải vào Nghệ An tìm mua. Kinh nghiệm chọn trâu là phải có ngoại hình đẹp, cao to, trường trâu, lông đen, lông móc, da trê... Đặc biệt, trâu chọi phải có sức khỏe, có “vũ khí” (cặp sừng) lợi hại. Nhiều con trâu chọi có “vũ khí” yếu, đánh mãi không thắng. Ngược lại, nếu “vũ khí” tốt thì chỉ cần vài cái lắc sừng là đối thủ đã phải bỏ chạy...”.
Cứ vào khoảng tháng 4 hằng năm, sau khi được phân bổ chỉ tiêu nuôi trâu chọi, các chủ trâu ở xã Hải Lựu lại tỏa đi khắp cả nước, thậm chí sang tận Lào, Campuchia, Thái Lan... để tìm mua trâu chọi. Trâu mua về phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, cho ăn cỏ voi, cỏ ủ, mật mía, cám gạo, cám ngô. Trâu chọi không được nhốt lâu, hằng ngày phải cho trâu ra ngoài để đằm, húc bờ bụi, huấn luyện các miếng đánh... Thời gian nuôi ít nhất là 6 tháng, trâu phải trên dưới 10 tuổi thì mới có đủ trọng lượng, sức khỏe để thi đấu. Cũng theo ông Nguyễn Thế Cự, để có một “ông Cầu” ra sới đấu, bình quân chi phí mua giống, nuôi dưỡng khoảng 200 triệu đồng. Sau khi chọi, chủ trâu sẽ mổ trâu đem bán phục vụ nhu cầu của du khách, thu lại một phần vốn đã bỏ ra...
Tổ chức tốt lễ hội, tạo điểm nhấn trong du lịch
Năm 2024, xã Hải Lựu tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu; tổ chức lễ hội phù hợp với lịch sử, văn hóa truyền thống. Theo đó, công tác bảo đảm an ninh, an toàn được đặc biệt chú trọng, các lực lượng công an, cảnh sát giao thông, Quân đội, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng giao thông, ngăn chặn tình trạng trộm cắp, móc túi...
Chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương quản lý chặt khu vực mổ trâu chọi cũng như các điểm bán thịt trâu của người dân, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, tránh tình trạng lẫn lộn giữa thịt trâu chọi và trâu thường; đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa, bản sắc của lễ hội...
Đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hải Lựu cho biết, hằng năm, Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu thu hút khoảng 3 vạn du khách và người dân. Hiện nay, địa phương đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những năm tới, xã tiếp tục tổ chức lễ hội theo hướng giữ gìn bản sắc, đề cao tinh thần thượng võ, phục vụ nhu cầu văn hóa, tâm linh của người dân. Trong đó, phần lễ cơ bản vẫn được giữ nguyên như truyền thống; phần hội chú trọng yếu tố an toàn, không thương mại hóa, không bán vé; duy trì việc giảm số lượng trâu chọi xuống còn 20 con theo đúng phong tục.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Trung Dũng, những năm gần đây, địa điểm tổ chức chọi trâu của xã luôn rơi vào tình trạng quá tải, ban tổ chức phải dựng màn hình led ở sân UBND xã để phục vụ người xem. Về lâu dài, xã mong muốn được trên quan tâm đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách; nâng cấp các tuyến đường để thuận tiện cho việc đi lại...
“Đầu tư đồng bộ để tổ chức tốt lễ hội chọi trâu truyền thống sẽ tạo điểm nhấn trong du lịch, thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Vĩnh Phúc”, đồng chí Nguyễn Trung Dũng khẳng định.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.