Lo ngại từ sự cố Boeing 737 Max 9
Sự cố hàng không hy hữu vừa xảy ra tại bang Oregon, Mỹ làm dấy lên mối lo ngại về mức độ an toàn đối với dòng máy bay thương mại Boeing 737 Max.
Nhà sản xuất máy bay Boeing đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc kiểm tra, giám sát mới sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu các hãng hàng không nước này tạm ngừng khai thác dòng máy bay Boeing 737 Max 9. Sự cố nghiêm trọng xảy ra hôm 5-1 trên chuyến bay số hiệu 1282 của Alaska Airlines cất cánh từ Portland, bang Oregon đến Ontario, bang California (Mỹ). Theo AP, chưa đầy 10 phút sau khi cất cánh, khi máy bay ở độ cao 16.000 feet (4.877m) thì một tiếng nổ chói tai vang lên, rồi một cánh cửa thoát hiểm đột ngột bị thổi bay, tạo ra lỗ thủng lớn trên thân máy bay. Sự cố bất ngờ gây hoảng loạn cho hành khách, đe dọa nghiêm trọng an toàn bay, buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp. May mắn, 171 hành khách cùng 6 thành viên phi hành đoàn đều an toàn. Điều đáng nói là, chiếc máy bay chỉ mới được nhà sản xuất bàn giao cho hãng hàng không chưa đầy 3 tháng.
Ngay sau sự cố, FAA đã yêu cầu hai hãng hàng không Mỹ đang khai thác Boeing 737 Max 9 là United Airlines và Alaska Airlines tạm ngừng vận hành dòng máy bay này để kiểm tra. Hệ quả là hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ, ảnh hưởng tới việc đi lại của hàng nghìn hành khách.
The Washington Post dẫn tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Mỹ Jennifer Homendy cho biết: “Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống điều áp và hệ thống cửa thoát hiểm của máy bay”. Trước đó, các phi công đã báo cáo về lỗi đèn cảnh báo điều áp trên 3 chuyến bay của chính chiếc Boeing 737 Max 9 này, song dường như dấu hiệu đó đã bị bỏ qua.
Máy bay Boeing 737 Max 9 hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Portland, bang Oregon (Mỹ) sau sự cố ngày 5-1. Ảnh: AP |
Dư luận còn chưa quên hai vụ tai nạn hàng không thảm khốc khiến 346 người thiệt mạng, khi máy bay do Lion Air của Indonesia vận hành lao xuống biển Java cuối năm 2018 và máy bay của Ethiopian Airlines gần như rơi thẳng đứng xuống cánh đồng chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia năm 2019. Cả hai máy bay đều là Boeing 737 Max 8, với nguyên nhân công bố là do sự cố lỗi phần mềm hệ thống điều khiển. Ngay khi đó, toàn bộ dòng máy bay Max của Boeing bị cấm bay trên phạm vi toàn cầu gần 2 năm trong khi chờ các kỹ sư Boeing xác định nguyên nhân gốc rễ và đưa ra biện pháp khắc phục.
Tạp chí Airways dẫn lời nhà sản xuất cho hay, Boeing 737 Max có thiết kế giúp tiết kiệm nhiên liệu vượt trội so với những chiếc Boeing 737 thông thường, nhờ vậy, các hãng hàng không tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu khi vận hành. Trong sự cố vừa qua, Boeing 737 Max 9 là dòng máy bay mới, mỗi chiếc có giá tới 129 triệu USD, với sức chứa 220 hành khách. Tuy nhiên, một số hãng hàng không đã cải biến, giảm sức chứa tối đa bằng cách bớt đi một số ghế và gia cố cửa thoát hiểm bổ sung. Sự cố được cho sẽ vô cùng bi thảm nếu máy bay đạt tới độ cao hành trình ở 10.000m, khi đó, lỗ thủng bất ngờ trên thân máy bay sẽ khiến khoang hành khách lập tức mất khả năng điều áp, toàn bộ dưỡng khí thoát ra ngoài, hành khách sẽ nhanh chóng bất tỉnh và lạnh cóng. Thậm chí, những người không cài dây an toàn có thể bị lực hút cực mạnh hút ra khỏi máy bay qua lỗ thủng.
Theo nhà cung cấp dữ liệu hàng không Cirium, có khoảng 218 máy bay Boeing 737 Max 9 đang hoạt động trên toàn cầu, trong đó, United Airlines và Alaska Airlines sở hữu tới 70% số máy bay này. Các nhà khai thác khác gồm Copa Airlines của Panama, Aeromexico của Mexico, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, FlyDubai của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và IcelandAir của Iceland.
Những sự cố xảy ra với Boeing 737 Max trong 5 năm qua đã giáng đòn nặng nề vào danh tiếng của Boeing, làm lung lay niềm tin của công chúng về khâu kiểm soát chất lượng cũng như mức độ an toàn của dòng máy bay từng rất “hot” trên thị trường toàn cầu.
HÀ PHƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.