Mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư chất lượng cao
Bối cảnh dòng vốn đầu tư suy giảm, cộng với xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư diễn ra mạnh mẽ khiến cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng quyết liệt.
Vậy Việt Nam cần làm gì để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư chiến lược? Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đang được Quốc hội xem xét, thảo luận được kỳ vọng sẽ tạo ra những chính sách vượt trội thu hút đầu tư chất lượng cao, góp phần giải phóng mạnh mẽ các nguồn lực để phục vụ phát triển.
![]() |
Thể chế của một quốc gia là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu để nhà đầu tư đưa ra quyết định rót vốn. Ảnh minh họa: baobinhduong.vn |
Tại Trung Quốc, một nhà máy ô tô hàng tỷ USD từ khi khởi công đến lúc khánh thành chỉ 11 tháng; xây một trung tâm thương mại hàng triệu USD chỉ mất 68 ngày. Còn ở Việt Nam, để đầu tư xây một khách sạn 5 sao tại Hà Nội, thủ tục mất 3 năm. Hay Dubai xây 500 tòa nhà với tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD chỉ trong 5 năm, còn ở Việt Nam với các quy định như hiện nay phải mất 1.500 năm... là những thông tin đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập khi thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi một số điều tại 4 luật liên quan tới quy hoạch, đầu tư nêu trên.
Việt Nam là điểm đến thành công của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thế nhưng cần thẳng thắn thừa nhận, việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có thu hút đầu tư công nghệ cao đang thực hiện theo các thủ tục thông thường về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy... đang gây mất nhiều thời gian, làm nản lòng các nhà đầu tư. “Trong bối cảnh các nước không ngừng đổi mới, nếu ta không đổi mới, cạnh tranh thì nhà đầu tư sẽ đi mất. Trong xây dựng pháp luật hiện nay, tư duy mới là “vừa quản lý được nhưng vừa phải kiến tạo cho phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian, giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, một trong những điểm đột phá mạnh mẽ được thể hiện trong dự thảo luật này là bổ sung một loạt quy định “luồng xanh” trong hoạt động thu hút đầu tư. Cụ thể, dự thảo luật bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án; thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ áp dụng với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại các ban quản lý để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 15 ngày. Cùng với đó, nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục về xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy, dự kiến có thể cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư dự án khoảng 260 ngày.
Ngoài đổi mới thể chế, công tác phân cấp, phân quyền cũng được đẩy mạnh theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Chính phủ và Quốc hội sẽ giữ vai trò kiến tạo, xây dựng cơ chế, chính sách và kiểm tra giám sát.
Thể chế của một quốc gia là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu để nhà đầu tư đưa ra quyết định rót vốn. Việt Nam đang tiến hành rất quyết liệt, tập trung cao độ cho đổi mới thể chế, coi đây là giải pháp đột phá của đột phá. Trong đó, các chính sách sửa đổi liên quan đến đầu tư kinh doanh đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến được doanh nghiệp, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để thu hút đầu tư chất lượng cao.
NAM TRỰC
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
Sáng 20-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025.
Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Ngày 19-5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 67/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến hết tháng 7-2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia
Sáng 19-5, kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thành trung tâm để chào mừng, phục vụ Triển lãm thành tựu của đất nước dịp 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2025) và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 / 2-9-2025). Cùng đi có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng cầu Tứ Liên, Hà Nội
Sáng 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu, từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa, TP Hà Nội.
Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Sáng 19-5, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu
Ngày 14/5/2025 Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 46 triệu đồng về các hành vi vi phạm Buôn bán hàng hóa (mỹ phẩm) giả mạo nhãn hiệu, Kinh doanh hàng hóa (mỹ phẩm) nhập lậu, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm vi phạm trị giá 47 triệu đồng.