Một binh chủng góp phần tỏa sáng “thiên sử vàng” Điện Biên Phủ
Bảy mươi năm trước, từ ngày 13-3 đến 7-5-1954, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Thực tiễn trước và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, các binh chủng, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong... tham gia, còn có “binh chủng văn nghệ”. “Binh chủng văn nghệ” có mặt ở khắp nơi, nhất là những nơi gian khổ, ác liệt nhất, trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch không chỉ bằng súng đạn, cuốc xẻng, mà còn bằng vũ khí chính là những áng văn thơ, ký họa, lời ca, tiếng hát... đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ và nhân dân ngoài mặt trận, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đội ngũ văn nghệ sĩ sớm thấm nhuần lời huấn thị của Bác Hồ trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Tại chiến trường ác liệt, nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã cùng sống với bộ đội trong lòng chiến hào, vừa cầm súng vừa cầm bút phản ánh trực tiếp cuộc sống, chiến đấu gian khổ, khơi dậy tinh thần lạc quan cách mạng của chiến sĩ Điện Biên. Qua những áng văn, bài thơ, những bức tranh, những bài hát của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã giúp người chiến sĩ Điện Biên thêm lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của đội quân chính nghĩa trước kẻ thù xâm lược. Những tác phẩm được sáng tác trực tiếp ngoài mặt trận đã thôi thúc, động viên người chiến sĩ quên mình vì Tổ quốc. Những tấm gương chiến đấu, hy sinh như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn... dưới ngòi bút của các nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ đã có sức lan tỏa và khơi dậy tinh thần chiến đấu mạnh mẽ trong toàn quân, toàn dân ta, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Một ví dụ tiêu biểu như tác phẩm “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân đã được sáng tác kịp thời và ngay lập tức được lực lượng văn nghệ cơ động tới các bệ pháo hát phục vụ bộ đội. Với khúc thức mạnh mẽ, ca từ giản dị, nhịp điệu chắc khỏe, “Hò kéo pháo” đã được bộ đội và nhân dân ở tiền tuyến cũng như hậu phương nhiệt liệt đón nhận: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo! Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi! Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi! Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù! Hai, ba nào”... Lời bài hát cũng chính là nhịp đập trái tim chung thôi thúc người chiến sĩ giáp mặt với quân thù trong tư thế của chính nghĩa tất thắng.
Thể hiện hình tượng nghệ thuật bộ đội ta kéo pháo vào trận địa tại chương trình khai mạc Năm du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa ban 2024. Ảnh: TUẤN HUY |
Một tài năng sau này là tượng đài âm nhạc đã sớm có mặt trong đội hình chiến sĩ Điện Biên, đó là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ông sớm có mặt trong đội hình Đại đoàn Quân Tiên Phong 308, khi hành quân cùng bộ đội, thấy chiến sĩ ta bàn chuyện với nhau: “Là lính, đâu có giặc là ta cứ đi”. Chính từ câu nói của bộ đội nơi chiến trường ấy, với sự nhanh nhạy, tài hoa, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ngay ca khúc “Hành quân xa” và được bộ đội nhiệt liệt đón nhận: “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/ Vai vác nặng, ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”... Âm nhạc của Đỗ Nhuận đã nằm trong bản hòa ca cách mạng khơi thông nhiều sức mạnh, nhất là với người chiến sĩ trên chiến trường. Tiếp sau đó, khi chứng kiến bộ đội chiến đấu vô cùng dũng cảm trong chiến hào tại đồi Him Lam, ca khúc “Chiến thắng Him Lam” đã ra đời và được bộ đội ta, văn công và dân công cất cao tiếng hát trong hầm hào Điện Biên đầy bùn và máu.
Nhắc tới những sáng tác văn học-nghệ thuật tiêu biểu về Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" của Tố Hữu. Bài thơ chính là một bản anh hùng ca về người chiến sĩ cách mạng, về người chiến sĩ Điện Biên: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.../ Những bàn tay xẻ núi, lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện/ Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây, gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn, xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”...
Có thể nói, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu là tượng đài thi ca bất tử về người chiến sĩ Điện Biên và Chiến thắng Điện Biên Phủ, đúng như câu thơ: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn có nhiều văn nghệ sĩ như nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Tô Ngọc Vân, Lê Huy Hòa, Ngô Tôn Đệ... từng đồng hành với dân công, với bộ đội. Tô Ngọc Vân đã có các tác phẩm xuất sắc như "Hành quân qua suối", "Đèo Lũng Lô", "Trên đường Điện Biên", "Đường mới mở"... phản ánh rõ nét, sinh động hành trình và dấu mốc của bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ những nền tảng như vậy, các văn nghệ sĩ trong và sau chiến dịch đã có những tác phẩm xuất sắc, mà tiêu biểu nhất phải kể đến bức tranh sơn mài "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của họa sĩ Nguyễn Sáng-một danh họa lớn của Việt Nam.
Trước, trong và sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, các hoạt động sáng tác, biểu diễn về văn hóa-văn học-nghệ thuật phục vụ đời sống chiến sĩ và nhân dân là hành trình với những bước đi mạnh mẽ, phong phú, thiết thực của các loại hình văn học-nghệ thuật như văn, thơ, độc tấu, múa sạp, tấu khèn, tranh cổ động, tranh ký họa, âm nhạc, ca khúc, dân ca, hò vè, dàn nhạc... được tổ chức phục vụ quần chúng nhân dân và bộ đội một cách liên tục, rộng khắp, để lại những dấu mốc, nhiều tác phẩm đã trở thành tượng đài nghệ thuật. Đó chính là một trong những nét đặc sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Để có được những thành tựu trên, trước hết phải thấy rằng, các văn nghệ sĩ luôn ý thức sâu sắc và bám sát đường lối văn hóa-văn nghệ của Đảng, thực tiễn của đời sống nhân dân, nhất là công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ của quân và dân ta. Đây chính là sự dấn thân quyết liệt, sự đồng hành với người chiến sĩ và nhân dân của giới văn nghệ sĩ từ những buổi đầu kháng chiến tới hôm nay.
Bài học rút ra từ vai trò của văn học-nghệ thuật trong Chiến thắng Điện Biên Phủ với hành trình và các dấu mốc lịch sử cùng những thành tựu đáng trân trọng chính là để thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay ý thức được trọng trách và niềm tin của mình, thực hiện và hoàn thành tốt sứ mệnh mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. Cũng từ những thành tựu trong hành trình và các dấu mốc của văn học-nghệ thuật trong Chiến dịch Điện Biên Phủ càng cho thấy niềm tin, sự đón đợi của chiến sĩ và nhân dân với đội ngũ văn nghệ sĩ mọi thời kỳ, mọi lứa tuổi, nhất là thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay cần hết sức gắn bó, tin tưởng và yêu thương, đón nhận những sáng tác mới, thành tựu mới, dấu mốc mới.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.