Một năm chông gai của kinh tế thế giới
Năm 2022 từng được cho là năm nền kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, trên thực tế, nền kinh tế thế giới phải hứng chịu nhiều cú sốc liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, lạm phát tăng cao kỷ lục và các thảm họa khí hậu.
Theo AFP, năm 2022 là một năm “đa khủng hoảng”. Giáo sư kinh tế vĩ mô Roel Beetsma tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho biết: “Số lượng các cuộc khủng hoảng đã tăng lên kể từ đầu thế kỷ này. Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến tình huống phức tạp như vậy”.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra vào năm 2020, giá tiêu dùng bắt đầu tăng vào năm 2021 khi các quốc gia nới lỏng phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác. Nhiều ngân hàng Trung ương khẳng định rằng, tình trạng lạm phát cao chỉ là tạm thời khi các nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát cuối tháng 2-2022 đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Nhiều quốc gia đang phải vật lộn với khủng hoảng chi phí sinh hoạt do tiền lương không theo kịp lạm phát. Điều đó buộc các hộ gia đình phải đưa ra lựa chọn khó khăn trong chi tiêu. “Mọi thứ ngày càng đắt đỏ từ kem cho tới rượu và điện”, cô Nicole Eisermann, người bán hàng tại chợ Giáng sinh Frankfurt (Đức), chia sẻ.
![]() |
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Frankfurt, Đức. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trong nỗ lực hạn chế tình trạng lạm phát tăng phi mã, các ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay. Động thái này có nguy cơ đẩy các quốc gia vào suy thoái nặng nề hơn vì chi phí vay mượn cao đồng nghĩa với hoạt động kinh tế chậm lại. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell thông báo, tốc độ tăng lãi suất có thể giảm bớt ngay sau tháng 12.
Mặt khác, ông cũng cảnh báo rằng chính sách tăng lãi suất có thể sẽ phải được duy trì chặt chẽ trong một thời gian để ổn định giá cả. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gửi tín hiệu rõ ràng rằng, ECB sẽ duy trì chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tại Khu vực đồng euro (Eurozone).
Lãi suất tăng cao cũng gây thiệt hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giá tiêu dùng tại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến đạt mức 8% trong quý IV-2022. Do đó, OECD khuyến khích chính phủ các nước cung cấp gói viện trợ để hỗ trợ các hộ gia đình.
Liên minh châu Âu (EU) bao gồm 27 quốc gia thành viên đã dành 674 tỷ euro (704 tỷ USD) để bảo vệ người tiêu dùng trước giá năng lượng tăng cao. Riêng Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã đóng góp 264 tỷ euro. Theo cuộc khảo sát của công ty tư vấn EY, cứ hai người Đức thì có một người nói rằng họ hiện chỉ chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu.
Giáo sư kinh tế vĩ mô Roel Beetsma nhận định, biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới trong năm nay. Theo Công ty Swiss Re (Thụy Sĩ), các thảm họa khí hậu đã gây ra thiệt hại cho nền kinh tế thế giới 268 tỷ USD trong năm 2022. Chỉ riêng cơn bão Ian đã gây thiệt hại vào khoảng 50-65 tỷ USD. Trong khi đó, lũ lụt tại Pakistan dẫn đến thiệt hại 30 tỷ USD trong năm nay.
Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập tháng 11 vừa qua, các nước đã nhất trí lập quỹ nhằm bù đắp tổn thất mà những nước đang phát triển phải hứng chịu do thảm họa thiên nhiên. Dù vậy, tại COP27 không có các cam kết mới nhằm loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp tính cấp thiết của cắt giảm khí thải nhà kính và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. “Nếu chúng ta không hành động đủ thì thảm họa khí hậu sẽ gây ảnh hưởng đến chúng ta ở quy mô chưa từng có tiền lệ”, Giáo sư Beetsma cảnh báo.
Khi những vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra còn chưa kịp lành, hàng loạt cú sốc như lạm phát, khủng hoảng năng lượng, các thảm họa khí hậu khiến nền kinh tế thế giới chao đảo. Khép lại năm 2022, các chuyên gia dự đoán kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách trong năm 2023.
LÂM ANH
Tin mới
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lên phương án chủ động phòng, chống Covid-19
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi các bệnh viện, trung tâm y tế, Trung tâm cấp cứu 115 và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh về việc tăng cường triển khai phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh dịch bệnh đang có những diễn biến khó lường trên thế giới.
Hà Nội: Các bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng
Ngày 21-5, thông tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, trong 3 tuần đầu tháng 5, bệnh viện ghi nhận sự gia tăng ca mắc bệnh truyền nhiễm, bao gồm: Sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19.
Đại học Bách khoa Hà Nội công bố phương án quy đổi điểm chuẩn
Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố phương án quy đổi điểm chuẩn tương đương giữa các phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025.
Nghiên cứu chi trả hỗ trợ học phí theo phương thức cấp trực tiếp
Tiếp tục Kỳ họp thứ chín, sáng 22-5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Hà Nội: Gần 700 học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10 năm học 2025-2026
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành quyết định công nhận 679 học sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng vào lớp 10 Trung học Phổ thông công lập không chuyên năm học 2025-2026.
Phần lớn doanh nghiệp chưa có đủ năng lực đối phó với sự cố an ninh mạng
52,89% số doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam chưa có đầy đủ các giải pháp công nghệ để ứng phó sự cố an ninh mạng; 56,16% chưa có đủ nhân sự chuyên trách về an ninh mạng. Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Mức độ trưởng thành của doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam trong việc sẵn sàng ứng phó các sự cố” do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tổ chức ngày 21-5, tại Hà Nội.