Mỹ chi 42 tỷ USD để phổ cập internet tốc độ cao
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khu vực ở Mỹ bị hạn chế về kết nối internet, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố khoản đầu tư mới trị giá 42 tỷ USD để mở rộng khả năng tiếp cận internet tốc độ cao trên cả nước.
Tờ The Washington Post đưa tin, khoản đầu tư nói trên được Tổng thống Joe Biden công bố tại Nhà Trắng vào ngày 26-6 (theo giờ địa phương), nhằm mục tiêu cung cấp giải pháp internet băng thông rộng cho 50 bang và vùng lãnh thổ của nước này từ nay đến năm 2030. Khoản đầu tư được áp dụng dựa trên chương trình triển khai và tiếp cận công bằng về băng thông rộng, đồng thời là một phần của luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD mà ông Biden ký năm 2021. “Đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước tới nay cho internet tốc độ cao. Trong nền kinh tế hiện nay, mọi người đều cần internet để làm việc và tiếp cận internet cũng quan trọng như điện, nước hay các dịch vụ cơ bản khác”, Tổng thống Joe Biden chia sẻ với báo giới tại Nhà Trắng.
Tổng thống Joe Biden công bố về khoản đầu tư cho internet tốc độ cao ngày 26-6. Ảnh: The Washington Post |
Mặc dù vậy, 42 tỷ USD nói trên không phân bổ đồng đều mà sẽ được phân chia dựa trên bản đồ phạm vi phủ sóng internet, trong đó mỗi bang sẽ nhận được ít nhất 107 triệu USD. Hai bang đông dân nhất của Mỹ là Texas và California sẽ nhận được khoản đầu tư lớn nhất với số tiền lần lượt là 3,1 tỷ USD và 1,9 tỷ USD. Các bang có dân cư thưa thớt hơn như Virginia, Alabama và Louisiana cũng nằm trong nhóm 10 bang được nhận tài trợ nhiều nhất do có diện tích nông thôn rộng lớn và thiếu khả năng kết nối internet hơn so với các trung tâm đô thị. Dự kiến cuối năm nay, các bang sẽ đệ trình kế hoạch xây dựng hạ tầng internet băng thông rộng và nhận trước khoảng 20% tiền tài trợ. Số tiền còn lại sẽ được Chính phủ Mỹ giải ngân sau. “Điều thực sự quan trọng là chúng ta không để bất cứ cộng đồng nào bị bỏ lại phía sau trong dự án này”, Brandy Reitter, Giám đốc điều hành của Văn phòng cung cấp dịch vụ băng thông rộng bang Colorado, nhấn mạnh.
Đến nay, nhiều địa điểm tại nước Mỹ vẫn bị hạn chế về kết nối internet băng thông rộng. Theo Reuters, các công ty viễn thông như Verizon, Comcast, Charter Communications hay AT&T chỉ dè dặt cung cấp internet cho các khu vực nông thôn và dân cư thưa thớt do chi phí đầu tư cao và lượng thuê bao tiềm năng cũng giới hạn. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết thêm, đến nay vẫn còn 24 triệu người Mỹ chưa được sử dụng internet tốc độ cao do không đủ tiền trả hằng tháng hoặc do sinh sống tại những nơi chưa được kết nối hoàn toàn với mạng cáp quang. Điều này thu hút sự chú ý của dư luận từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến nhiều học sinh Mỹ phải học trực tuyến.
Khoản đầu tư mà Tổng thống Joe Biden mới công bố được kỳ vọng sẽ giúp 8,5 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp tại Mỹ được tiếp cận cơ sở hạ tầng internet tốc độ cao.
The Washington Post nhận định, internet là giải pháp an toàn giúp nhiều người Mỹ làm việc, học tập, mua bán và giữ liên lạc với người thân. Kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện năm 2021 cho thấy, 60% số khách hàng có thu nhập thấp nói rằng họ thường gặp phải vấn đề khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 do tốc độ internet chậm. Ngoài ra, gần một nửa số người được hỏi than phiền rằng họ cảm thấy lo lắng vì không biết có đủ khả năng thanh toán hóa đơn internet hằng tháng hay không.
ANH VŨ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.