Mỹ Latin 2024: Tìm cơ hội chuyển mình
Sau thời gian dài ngấm đòn suy thoái kinh tế kéo theo những hệ lụy xã hội cùng hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, Mỹ Latin đã có một năm đầy nỗ lực để đưa khu vực từng bước vượt qua gian khó, tìm kiếm cơ hội chuyển mình.
Nổi bật trong bức tranh toàn cảnh khu vực là Brazil, nền kinh tế lớn nhất ở Mỹ Latin. Chính quyền Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đang có những bước đi mạnh mẽ để thế giới nhận thấy “Brazil đã trở lại” sau những năm bất ổn dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Jair Bolsonaro theo đường lối cánh hữu. Là thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Brazil đã tận dụng tối đa lợi thế có mối quan hệ thân thiết với nhiều nước để giúp mối quan tâm của các nước Mỹ Latin được lắng nghe. Điều này không chỉ nâng cao vị thế, vai trò của Brazil trong khu vực và trên thế giới mà còn góp phần giúp Mỹ Latin tìm cách hóa giải khó khăn bủa vây.
Với vai trò Chủ tịch G20, Brazil đã có một năm bận rộn chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Rio de Janeiro vào tháng 11 và các sự kiện liên quan. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng, căng thẳng tại Trung Đông và xung đột ở Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, Brazil gặp không ít thách thức khi ngồi “ghế nóng” này. Tuy nhiên, bằng chính sách cân bằng và khéo léo, Brazil đã đạt được thành công đáng kể khi triển khai chương trình nghị sự tập trung vào 3 chủ đề: Hòa nhập xã hội và chống đói nghèo; chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững; cải cách các thể chế quản trị toàn cầu nhằm xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh phát triển bền vững. Đó là thiết lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo với sự tham gia của 41 quốc gia, mục tiêu xóa tên tất cả các quốc gia khỏi bản đồ đói nghèo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vào năm 2030. Một thành công khác của Brazil trong nỗ lực chống bất bình đẳng là các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khẳng định sẽ xây dựng các cơ chế chống “lách thuế” hiệu quả và hợp tác để bảo đảm giới siêu giàu phải trả mức thuế công bằng hơn.
![]() |
Người dân Mỹ Latin và Caribe thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ảnh Clarín |
Năm 2024 chứng kiến sự kiện mang tính lịch sử của Mexico khi quốc gia Mỹ Latin này có nữ Tổng thống đầu tiên-bà Claudia Sheinbaum. Là một trong những đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador trong nhiều năm, bà Sheinbaum được người dân trao trọn niềm tin sẽ phát huy bản lĩnh và kinh nghiệm dày dạn trên chính trường để giải quyết hàng loạt thách thức của đất nước, nhất là tình trạng bạo lực băng đảng gia tăng. Tại Mexico, các băng đảng được trang bị vũ khí hạng nặng kiểm soát nhiều khu vực và mở rộng hoạt động từ buôn lậu ma túy xuyên biên giới sang tống tiền, bắt cóc, buôn người di cư và cướp bóc tài nguyên quốc gia. Sự phát triển đáng ngại của các băng nhóm tội phạm đã gây bất ổn trật tự xã hội và xói mòn niềm tin của nhà đầu tư.
Trong những tháng qua, các nước Mỹ Latin vẫn nhọc nhằn tìm cách hóa giải những khó khăn bủa vây. Ảnh hưởng kinh tế dai dẳng của đại dịch Covid-19 và các đợt hạn hán, cháy rừng từ Colombia, Peru, Ecuador cho đến Brazil đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói và ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực tại khu vực. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), 1/4 dân số ở khu vực Mỹ Latin và Caribe sống trong các hộ gia đình nghèo với thu nhập bình quân dưới 6,85 USD/ngày và xu hướng giảm nghèo ở khu vực đã trì trệ trong 9 năm qua. Gánh nặng nợ công vốn tăng thêm do Covid-19 đã cản trở các nước thực hiện những ưu tiên quan trọng như giảm đói nghèo, tạo công ăn việc làm, ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện hệ thống y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.
Dù vậy, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ giữa Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU) tại Mỹ Latin đang mang lại cho khu vực giàu tài nguyên khoáng sản này cơ hội chuyển mình. Các thỏa thuận hợp tác, chương trình hỗ trợ và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là “chìa khóa” giúp Mỹ Latin vực dậy nền kinh tế, giảm nghèo đói và bất bình đẳng xã hội. Các nước Mỹ Latin cũng đang mong đợi sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận của Washington đối với khu vực sau thời gian dài “thờ ơ” khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Lãnh đạo các nước trong khu vực như Venezuela, Argentina, Mexico... đều mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, đặc biệt là hợp tác kinh tế-thương mại, sau khi ông Trump chính thức trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025.
Chỉ còn vài ngày nữa năm 2024 sẽ chính thức khép lại. Sau những tháng ngày căng mình ứng phó với những khó khăn về kinh tế-xã hội cũng như hậu quả của biến đổi khí hậu, Mỹ Latin chuẩn bị chào đón năm 2025 với nhiều kỳ vọng về triển vọng tươi sáng hơn của khu vực. Tuy nhiên, khi tình hình thế giới không ngừng biến động, gặt hái được “trái ngọt” là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi chính phủ các nước cần đưa ra các chính sách hiệu quả để giải quyết những vấn đề trong nước, đẩy mạnh quan hệ với các đối tác cũng như tăng cường đoàn kết khu vực.
THÙY LINH
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.