Nét văn hoá độc đáo trong lễ cưới của đồng bào Dao Tây Bắc
Từ xa xưa, ở vùng cao Tây Bắc, lễ cưới cổ truyền của người Dao là sự hội tụ tinh hoa văn hóa độc đáo, là nghi lễ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và mang đậm triết lý nhân sinh.
Trên các địa bàn vùng Tây Bắc, có các ngành dân tộc Dao cùng sinh sống, trong đó, mỗi ngành lại có những phong tục đặc sắc riêng trong nghi lễ cưới. Độc đáo hơn cả là lễ cưới của người Dao đỏ. Sau một thời gian tìm hiểu và đôi trai gái dường như đã tâm đầu ý hợp, chàng trai về thưa chuyện với bố mẹ, chuẩn bị lễ vật đến nhà cô gái dạm hỏi và thưa chuyện. Sau khi lễ ăn hỏi được tổ chức, hai bên gia đình sẽ bàn chuyện cưới, một việc đại sự của của hai họ. Nhà trai và nhà gái thống nhất chọn ngày lành, tháng tốt, thống nhất về lễ xin dâu, sau đó, hai họ sẽ chuẩn bị lễ cưới theo đúng phong tục cổ truyền của địa phương.
Lễ cưới là nét văn hoá độc đáo của đồng bào Dao Tây Bắc. |
Lễ cưới của người Dao Tây Bắc thường diễn ra trong ba ngày. Ngày nay, đồng bào đã rút ngắn còn 1 - 2 ngày. Trong đó, lễ đón dâu là quan trọng nhất. Khi đi đón dâu, nhà trai chọn cử người có vai vế trong gia đình, dòng họ làm người đại diện nhà trai, chuẩn bị đội kèn. Trong lễ cưới, lễ đón dâu, đội kèn được coi là một nội dung không thể thiếu vì tiếng kèn thay cho lời chào, lời chúc mừng, lời mời của hai họ. Vì thế cả nhà trai, nhà gái đều phải chuẩn bị đội kèn.
Vào ngày cưới, khi đi đón dâu, chú rể dù làm nghề gì cũng phải mặc trang phục truyền thống của người Dao. Trang phục của chú rể bao gồm mũ, quần áo màu đen, được thêu viền hoa văn màu đỏ, xanh, vàng, trắng. Còn cô dâu đầu đội mũ, chùm khăn đỏ kín đến dưới mặt vì theo quan niệm của người Dao đỏ, khi cô gái đi lấy chồng, nếu để ánh nắng mặt trời chiếu vào mặt sẽ bị mất vía, cuộc sống sẽ không được hạnh phúc. Cô dâu mặc bộ áo váy truyền thống của người Dao với màu đỏ rực rỡ kèm theo bộ trang sức đeo trên tai, trên cổ, cổ tay, chân đi giày.
Khi đoàn đón dâu đến nhà gái, thầy cúng sẽ làm lễ bái yết tổ tiên nhà gái sau đó chú rể mới đón cô dâu về. Lễ vật gồm: 1 thủ lợn, 1 con gà luộc, 1 đĩa xôi màu đỏ, 1 chai rượu, 6 chiếc chén. Đoàn đón dâu về đến cổng nhà trai, trong lúc chờ giờ đẹp để vào nhà, đội kèn trống của hai họ tấu lên bản nhạc cùng nhau thể hiện lời chào thân tình. Sau đó, đội kèn trống nhà trai vừa tấu nhạc, vừa đi vòng quanh đoàn nhà gái, cô dâu để thể hiện lời mời, thể hiện nghi lễ buộc dây mời nhà gái ở lại để cùng họ nhà trai tổ chức hôn lễ. Sau đó, đội kèn trống lại đi một vòng ngược lại với ý tháo dây để họ nhà gái bước vào nhà.
Lúc cô dâu vào sân nhà cho đến khi tổ chức lễ trao dâu, đội kèn trống tiếp tục thể hiện vai trò của mình khi mỗi nghi lễ được thực hiện. Nhờ có nhạc điệu tấu lên, không gian và những nghi lễ trong đám cưới trở nên thiêng liêng. Nhạc tấu lên khi cô dâu bước vào nhà, làm lễ bái yết tổ tiên, hai họ trao cô dâu và đón cô dâu, thắp hương cúng thần linh, tổ tiên để báo cáo cô dâu đã trở thành người trong gia đình. Cứ như thế, mỗi lần đại diện hai họ trao nhau lễ vật, chào nhau, làm lễ buộc dây cô dâu thì nhạc điệu của kèn trống lại tấu lên những bài đối đáp.
Trong lễ cưới cổ truyền của người Dao, khi đón dâu về, chú rể và cô dâu đứng ngoài sân, chờ thầy mo làm lễ “nhập khẩu cho cô dâu và đặt tên cho chú rể” với ý nghĩa, cô dâu mới về nên phải làm lễ nhập khẩu, còn chú rể cưới vợ, đã trưởng thành nên phải đặt tên mới. Nghi lễ này được thầy mo thực hiện ngay trước ban thờ tổ tiên. Lễ vật gồm có 1 con lợn, 1 con gà trống, 6 chén rượu, 1 ấm rượu và 1 gói gạo bọc trong tấm vải trắng, bên trong có hai hào bạc trắng và một tập tiền âm để thầy cúng dùng làm lễ. Sau khi thầy mo làm các thủ tục cúng lễ nhập khẩu, đặt tên thì chú rể mới bước ra sân đón cô dâu vào trong nhà.
Trang phục của cô dâu người Dao (bên trái) trong lễ cưới. |
Lễ nghi trước ban thờ tổ tiên xong, cô dâu chính thức trở thành người nhà chàng trai, gia đình bày cỗ mời anh em họ hàng và dân bản cùng chung vui. Trong khi hai họ cùng nhau ăn cơm ngoài sân thì đội kèn trống tiếp tục đến từng mâm để tấu lên những bài đối đáp mang nội dung chào mời, chúc sức khỏe, trao đổi tâm tư, tình cảm. Khi đoàn nhà gái ra về, đội kèn trống lại cất lên nhạc điệu đối đáp như một lời chào, lời chúc khách ra về thượng lộ bình an.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Văn Thêu (Lào Cai) chia sẻ: “Lễ cưới của đồng bào Dao vùng Tây Bắc là việc trọng đại của đời người, của mỗi gia đình, dòng họ, đánh dấu sự trưởng thành của những chàng trai, cô gái Dao. Đồng thời, là nghi lễ hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc Dao như văn hóa trang phục, phong tục, tập quán, nghi lễ, ẩm thực, âm nhạc... Tất cả đều toát lên nét độc đáo, riêng biệt của văn hóa Dao. Trong lễ cưới của người Dao, những nghi lễ truyền thống thực chất gắn liền với những quan niệm nhân sinh của đồng bào nơi đây, đó là khát vọng hạnh phúc lứa đôi, là sự kết nối tình cảm vợ chồng, là niềm tin vào tương lai tốt đẹp”.
Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.