Nhật Bản hướng tới nới lỏng quy định xuất khẩu vũ khí
Nhật Bản ngày càng thể hiện rõ mong muốn “cởi trói” các hạn chế về xuất khẩu vũ khí, qua đó nâng cao uy tín của Tokyo trong lĩnh vực an ninh toàn cầu.
Ngày 26-4, hãng tin Kyodo đưa tin, hai đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản-gồm Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Kishida Fumio và Đảng Công minh-đã tổ chức cuộc họp đầu tiên để rà soát lại các quy định nghiêm ngặt về chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng giữa lúc ngày càng có nhiều thành viên của LDP kêu gọi Tokyo cần đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera Itsunori, người đứng đầu Ban Nghiên cứu về an ninh quốc gia của LDP, bày tỏ hy vọng những cuộc thảo luận giữa hai đảng sẽ vạch rõ hướng đi cụ thể cho các vấn đề liên quan đến hoạt động chuyển giao trang thiết bị quốc phòng.
![]() |
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Onodera Itsunori phát biểu tại cuộc họp thảo luận về việc sửa đổi các quy tắc xuất khẩu vũ khí. Ảnh: Kyodo |
Trước đó, trong Chiến lược An ninh quốc gia mới cập nhật hồi tháng 12-2022, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết thúc đẩy chuyển giao suôn sẻ các trang thiết bị và công nghệ quốc phòng có ý nghĩa an ninh cao và xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh và bền vững.
Cách đây vài tuần, Thủ tướng Kishida Fumio một lần nữa kêu gọi các nhà lập pháp sửa đổi những quy định xuất khẩu vũ khí. Ông cho rằng: “Mở rộng xuất khẩu trang thiết bị quân sự sẽ trở thành một công cụ chính sách quan trọng, giúp hỗ trợ các quốc gia là nạn nhân trong cuộc tấn công vi phạm luật pháp quốc tế”. Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị đón tiếp lãnh đạo các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima. Hội nghị thượng đỉnh dự kiến được tổ chức vào tháng 5 tới sẽ tạo cơ hội cho Tokyo thể hiện sức mạnh ngoại giao và củng cố mặt trận thống nhất giữa các quốc gia hỗ trợ Ukraine. Vì vậy, ban đầu, LDP đặt mục tiêu sửa đổi các nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí trước Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Tuy nhiên, nhiều khả năng, những cuộc thảo luận giữa hai đảng sẽ không thể kết thúc trước sự kiện đó do Đảng Công minh đề nghị thảo luận vấn đề này một cách thận trọng, mặc dù trong quá trình sửa đổi Chiến lược An ninh quốc gia, LDP và Đảng Công minh đã nhất trí về sự cần thiết của chính sách nới lỏng các nguyên tắc này. Đảng Công minh lo ngại rằng quyết định cho phép bán vũ khí cho các nước khác sẽ làm trầm trọng thêm những cuộc xung đột vũ trang và đi ngược lại chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản.
Theo RT, Hiến pháp Nhật Bản quy định vũ khí chỉ có thể được cung cấp cho nước ngoài nếu quốc gia đó cùng phát triển hoặc có hoạt động sản xuất chung vũ khí với Nhật Bản. Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow, Nhật Bản đã cung cấp các thiết bị bảo hộ như áo chống đạn và mũ bảo hiểm cho Ukraine. Tokyo cũng đã cung cấp cho Kiev khoản viện trợ tài chính hơn 6 tỷ USD và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, Hiến pháp Nhật Bản đã ngăn nước này gửi vũ khí và đạn dược, như nhiều quốc gia phương Tây đã làm. Những hạn chế về xuất khẩu vũ khí làm dấy lên lo ngại rằng Tokyo đang ở vị thế yếu khi dẫn dắt các cuộc thảo luận ngoại giao.
Do vậy, một số quan chức Nhật Bản cho rằng gỡ bỏ những hạn chế về xuất khẩu vũ khí có thể mang lại tư thế chủ động hơn cho Nhật Bản trong các vấn đề thế giới và an ninh khu vực. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu, việc nới lỏng các quy định sẽ giúp thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản phát triển mạnh. Các nhà cung cấp vật liệu, phụ tùng và dịch vụ trong nước cũng được hưởng lợi đáng kể. Ngoài ra, việc mở rộng xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài còn giúp Nhật Bản thắt chặt quan hệ với các đối tác trong khu vực và quốc tế.
Với các cơ sở công nghiệp và công nghệ tiên tiến, nếu được cởi trói khỏi các quy định ngặt nghèo, Nhật Bản rất có khả năng sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí hiện đại đáng kể và là đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực chế tạo, xuất khẩu vũ khí trên thế giới.
NGỌC HÂN
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.