Nhiều người thiệt mạng do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Cơ quan Ứng phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) ngày 06/02 thông tin, ít nhất 76 người đã thiệt mạng cùng 440 người khác bị thương trong trận động đất mạnh xảy ra ở khu vực phía nam nước này sớm cùng ngày.
Trong khi đó, truyền thông Nhà nước Syria đưa tin, nước này cũng đã báo cáo hơn 100 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, hầu hết ở các tỉnh Hama, Aleppo và Latakia, nơi nhiều tòa nhà đã bị hư hại nặng do ảnh hưởng động đất.
Theo thông báo của AFAD, các nạn nhân thiệt mạng được ghi nhận ở các tỉnh Adana, Adiyaman, Malatya, Kahramanmaras, Gaziantep, trong khi 440 người bị thương ở các địa phương Sanliurfa, Diyarbakir, Adana, Adiyaman, Malatya, Osmaniye, Hatay và Kilis.
Công tác tìm kiếm và cứu hộ được tiến hành khẩn trương ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Anadolu/Getty Images).
Hiện nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đang huy động các đội cứu hộ và máy bay đến khu vực chung quanh thành phố Kahramanmaras, đồng thời tuyên bố "báo động cấp 4" và kêu gọi hỗ trợ quốc tế.
AFAD cho biết trận động đất mạnh 7,4 độ xảy ra ở khu vực Kahramanmaras và thành phố Gaziantep, gần biên giới Syria.
Trung tâm Nghiên cứu khoa học địa chất Đức (GFZ) nhận định, trận động đất xảy ra ở độ sâu 10km, trong khi Trung tâm Địa chấn Châu Âu-Địa Trung Hải (EMSC) đang đánh giá nguy cơ xảy ra sóng thần.
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) đo được trận động đất có độ lớn 7,8, đồng thời cũng ghi nhận thêm một loạt các trận động đất tiếp theo sau trận chấn động ban đầu. Trong đó 01 trận động đất mạnh 6,7 độ đã xảy ra ở Gaziantep và 01 trận khác có độ lớn 5,6 ở khu vực thành phố Nurdag.
Trận động đất xảy ra vào thời điểm sáng sớm khi người dân đang ngủ. Rung lắc cũng được ghi nhận ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, cách tâm chấn 460km về phía tây bắc, cũng như ở đảo Síp và Lebanon.
Động đất đánh sập tòa nhà 5 tầng ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Anadolu/Getty Images).
Theo hãng tin Reuters, người dân ở Damascus và các thành phố Beirut và Tripoli của Lebanon đã phải tháo chạy khỏi các tòa nhà để đề phòng trường hợp nhà cửa đổ sập.
Ở thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người dân hoảng loạn thoát khỏi các tòa nhà rung lắc dữ dội trong trận động đất.
Cách đó 350km về phía đông, ở thành phố Diyarbakir, 01 trận động đất kéo dài khoảng 1 phút đã khiến ít nhất 17 tòa nhà đổ sập và làm vỡ cửa kính nhiều công trình khác. Trong khi đó, có 16 tòa nhà bị sập ở tỉnh Sanliurfa và 34 công trình khác cũng bị ảnh hưởng ở tỉnh Osmaniye.
Hình ảnh chiếu trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy cảnh đổ nát sau động đất ở Kahramanmaras khi trời vẫn còn tờ mờ, trong khi lực lượng cứu hộ đang khẩn trương tìm kiếm những người còn sống sót.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết, hiện công tác được ưu tiên là tiến hành tìm kiếm cứu nạn, và tất cả các đội cứu hộ đều đang trong tình trạng báo động.
Đưa nạn nhân lên xe cứu thương tại địa điểm 1 tòa nhà bị hư hại sau trận động đất ở Azaz, Syria, ngày 6/2. (Ảnh: Reuters).
Ông Kerem Kinik, người đứng đầu cơ quan cứu trợ Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đã có thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng do trận động đất xảy ra ở khu vực thường xuyên hứng chịu động đất mạnh, đồng thời kêu gọi người dân hiến máu để cứu chữa các nạn nhân trong động đất.
Trong khi đó, trên Twitter, Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan viết, Mỹ "quan ngại sâu sắc" về trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria và đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan. Ông cũng thông tin thêm đã liên lạc với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ để thông báo Mỹ sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết.
PV (t/h)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.