• Click để copy

Những sắc màu văn hóa giữa trùng khơi

Côn Đảo những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 trời mưa miên man, nhiều lúc mưa to như trút nước nhưng vẫn không ngăn được bước chân hành hương của hàng vạn du khách tìm đến mảnh đất huyền thoại này. Sau nhiều năm, điều dễ nhận ra ở Côn Đảo chính là sự phát triển về đời sống văn hóa, tinh thần, với giá trị truyền thống hội tụ từ mọi vùng miền, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, tạo nên những sắc màu văn hóa tươi mới.

Tạo sức hút từ những giá trị văn hóa - lịch sử

Người dân sinh sống ở Côn Đảo nói riêng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung còn phấn khởi hơn nữa khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, khai thác và bảo vệ sinh thái vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển, đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Côn Đảo đang thay đổi nhanh chóng từng ngày, có cảm giác như “khoác áo mới” liên tục. Khách sạn, nhà hàng nhiều hơn, khang trang, hiện đại có mà dân dã cũng có. Khu chợ trung tâm sầm uất đầy đủ loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng theo đó mà đi lên. Đặc biệt, nơi huyện đảo này, chính quyền và người dân luôn biết cách vận dụng các thiết chế văn hóa để góp phần xây dựng địa phương ngày một giàu đẹp, phát triển bền vững.

Bãi Ông Đụng - một thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Côn Đảo. Ảnh: HUY QUÂN 
Bãi Ông Đụng - một thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Côn Đảo. Ảnh: HUY QUÂN 

 Trong hệ thống các thiết chế văn hóa, di tích tại Côn Đảo, hệ thống di tích nhà tù, bảo tàng-nơi lưu dấu những chứng tích đau thương trên hòn đảo tù ngục năm xưa-luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan. Bà Lê Thị Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo chia sẻ: “Ở Côn Đảo, hơn 20.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Các khu lao, chuồng cọp, trại Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình cùng khu nhà Chúa Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương... mãi còn đó, thể hiện tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường của người Việt Nam. Trải qua những giai đoạn lịch sử, Côn Ðảo là một chứng tích hùng hồn, tố cáo chế độ độc ác, tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”.

Năm tháng qua đi nhưng vết sẹo đau thương vẫn còn hằn sâu trong ký ức, tâm khảm của những cựu tù, nhân chứng lịch sử năm xưa. Ký ức đó trở thành bản anh hùng ca bất tử, để thế hệ hôm nay từ mọi miền Tổ quốc vẫn luôn mong muốn được tìm đến mảnh đất lịch sử này, bày tỏ tấm lòng tri ân thành kính với những bậc tiền nhân. Nghĩa trang Hàng Dương in sâu trong tiềm thức người dân, gắn liền với tên tuổi của các chiến sĩ cách mạng như: Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, liệt nữ anh hùng Võ Thị Sáu... Côn Đảo đón bao nhiêu lượt khách thì Nghĩa trang Hàng Dương gần như cũng có bấy nhiêu lượt người tới viếng.

Khởi sắc đời sống văn hóa trên đảo

Qua các thời kỳ, hệ thống nhà tù Côn Đảo có tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp”. Sự tồn tại của mỗi loại phòng giam, hầm đá, phòng tắm nắng, hầm phân bò... đều gắn liền với những câu chuyện rùng rợn về cách mà bọn cai ngục tra tấn, hành hạ các chiến sĩ cách mạng. Với hàng loạt giá trị lịch sử to lớn, Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Bà Lê Thị Hằng cho biết: “Địa ngục trần gian” năm xưa nay đã là hòn ngọc Biển Đông, là “ngôi trường” giáo dục truyền thống cách mạng giữa đại dương sóng gió. Lượng khách đến với Côn Đảo ngày càng đông, trung bình một ngày có khoảng 1.000 du khách”.

Cùng với các di tích nhà tù, bảo tàng thì hệ thống thiết chế văn hóa trên đảo ngày càng phát triển, với nhiều hoạt động được tổ chức, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Nghe những ngư dân sống lâu năm ở Côn Đảo giới thiệu, chúng tôi tìm đến Khu dân cư số 2 huyện Côn Đảo. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khu dân cư cho biết: "Khu dân cư số 2 là một trong những địa chỉ may mắn sớm được xây dựng khang trang, hiện đại; là trung tâm văn hóa học tập cộng đồng, phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân".

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn xúc động trải lòng: “Tôi theo ba ra Côn Đảo từ năm 1968 và ở lại đến tận bây giờ. Hơn nửa thế kỷ sống nơi đầu sóng ngọn gió này, trong tôi vẫn luôn lưu giữ nhiều kỷ niệm, nhiều ký ức khó quên”. Trò chuyện cao hứng, ông Tuấn đổ thật ngọt câu vọng cổ miền Tây giữa không gian thoáng đãng, sạch đẹp của Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng Khu dân cư số 2-nơi mà chính ông và những người dân tâm huyết đang hằng ngày, hằng giờ chung tay xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cho cộng đồng.

Ký ức của ông Tuấn cũng như nhiều người dân sinh sống, xây dựng, giữ gìn biển, đảo đều chưa phai mờ cảnh tượng Côn Đảo những năm tháng xưa kia; hoang sơ, vắng lặng, chỉ có mây núi, cỏ cây, đời sống văn hóa, tinh thần thiếu thốn. Dần dà, Côn Đảo hào sảng mở rộng tấm lòng đón ngày càng đông hơn người dân ở phương xa, những trí thức trẻ tình nguyện ra đảo. Để rồi mọi người trở thành những công dân yêu đảo, bám đảo, xây dựng và vun đắp cho những giá trị văn hóa nơi đây ngày càng khởi sắc. Một điều không thể không nhắc tới, đó là kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được chính quyền các cấp chú trọng đầu tư, từng bước đưa Côn Ðảo trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao. Để đạt được hàng loạt đổi thay đó, yếu tố văn hóa-xã hội được xem là nền tảng quan trọng, ngày càng được quan tâm xây dựng với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Côn Đảo từng được Tạp chí du lịch Lonely Planet (Australia) bình chọn là một trong 10 hòn đảo bí ẩn, quyến rũ nhất hành tinh; là điểm du lịch thu hút bất kỳ ai muốn khám phá thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú. Côn Ðảo hôm nay đã “thay da đổi thịt” nhưng vẫn còn cơ man sự bí ẩn, quyến rũ đang chờ đợi du khách khám phá.

MỘC MIÊN

Bài liên quan

Tin mới

Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan

Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.

Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.

Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.