Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Vì sao doanh nghiệp chưa “mặn mà” đầu tư?
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng, đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GRDP của vùng. Tiềm năng dồi dào, dư địa của một số lĩnh vực lớn nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của vùng ĐBSCL chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Vậy đâu là nguyên nhân?
Hạ tầng yếu, khó tìm nguồn đất
Nhận thấy rõ tiềm năng của ngành nông nghiệp, Công ty TNHH San Hà (Long An) đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm... Để phát triển theo hướng công nghệ cao (CNC), Công ty phải đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, chuồng trại hiện đại... Tuy nhiên, cái khó của Công ty là việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi CNC trên đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết: “Để đầu tư vào chăn nuôi, doanh nghiệp phải khảo sát, tìm kiếm mặt bằng phù hợp, hội đủ điều kiện cho cây trồng, vật nuôi phát triển. Tiếp theo là thực hiện thương lượng, đền bù hoa màu, công trình trên đất để chuyển dịch quyền sử dụng đất, làm thủ tục đầu tư, xây dựng... Mỗi công đoạn đều phải qua nhiều cơ quan chức năng và mất nhiều thời gian, công sức”.
Công nhân kiểm tra chất lượng cá giống ở cơ sở chăn nuôi trên địa bàn TP Cần Thơ. |
Theo nhiều doanh nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp CNC khó nhất là những thủ tục về nguồn đất. Nếu các địa phương quan tâm, có kế hoạch dành quỹ đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội và dễ dàng hơn khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, dù là vùng chuyên canh nông nghiệp nhưng diện tích đất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ. Sở hữu đất nông nghiệp bình quân theo đầu người hiện đạt khoảng 0,07 ha/người, trên 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 0,5ha/mảnh. Để có đất sản xuất, doanh nghiệp phải thuê đất trực tiếp của người dân với chi phí cao hoặc thuê của cơ quan quản lý nhà nước thì thuận lợi hơn về giá, tuy nhiên, quỹ đất công hiện rất hạn chế...
Chỉ ra nguyên nhân, ông David John Whitehead, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham) cho rằng: “Cơ sở hạ tầng thông suốt nhằm giảm thời gian, chi phí logistics là điều mang tính tiên quyết để hút đầu tư vào miền Tây. Tuy nhiên, điều này lại là điểm nghẽn lớn của ĐBSCL. Một điểm trừ cho ĐBSCL là thủ tục hành chính. Thời gian qua, dù có nhiều thay đổi, nhưng quy trình, thủ tục xin cấp phép đầu tư cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số giấy phép khác vẫn chậm. Đặc biệt tình trạng “quan liêu” trong giải quyết thủ tục hành chính cần được chấn chỉnh để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp”.
Chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh
Bến Tre là tỉnh nông nghiệp với thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển, trong đó có khoảng 77.000ha cây dừa, 27.000ha cây ăn trái, 47.000ha nuôi thủy sản, 3.500 tàu khai thác thủy sản... Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bến Tre đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp CNC; sơ chế và bảo quản nông sản phục vụ xuất khẩu; xây dựng các trung tâm phân phối nông sản của vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và cả nước; đầu tư phát triển chuỗi giá trị con tôm, nhất là các mô hình nuôi tôm CNC, chế biến xuất khẩu; mời gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá. Mong muốn của địa phương là vậy, nhưng theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, để doanh nghiệp đầu tư vào khá khó khăn.
Lý giải nguyên nhân, ông Buội cho rằng: “Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận, nhất là trong tiếp cận các chính sách ưu đãi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Việc quy định dự án có quy mô, công suất cao dẫn tới ít doanh nghiệp có khả năng đáp ứng điều kiện hỗ trợ; việc quy định các địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ cũng gặp nhiều khó khăn do tỉnh phải tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực khác. Tỉnh còn thiếu các ngành công nghiệp hỗ trợ, phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp nên chi phí đầu tư còn cao...”.
Theo thống kê, trong năm 2023, ĐBSCL thu hút 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng 15% so với năm 2022. Dù tăng nhưng quy mô vốn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như dư địa phát triển của nông nghiệp của vùng đất “Chín Rồng”.
Thừa nhận sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp đến nay còn khiêm tốn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, TS Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra một trong những nguyên nhân chính, đó là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp. Chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp hiện chủ yếu tập trung vào hỗ trợ, ưu đãi như hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; ưu đãi tín dụng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ về chế biến sản phẩm; khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới. “Tính đồng bộ của chính sách, mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt; đôi khi khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn; các chính sách có mức hỗ trợ thấp lại tổ chức thực hiện một cách nửa vời nên hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp chưa lớn”, TS Vũ Mạnh Hùng đánh giá.
Tiềm năng nông nghiệp ở ĐBSCL rất lớn. Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư, bên cạnh "trải thảm đỏ" bằng các ưu đãi như áp dụng giảm thuế của TP Cần Thơ hay hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường và nguồn nguyên liệu chế biến đạt chất lượng cao nếu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Hậu Giang... ngành chức năng cần sớm triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời có thể ban hành một số chính sách như bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào, hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường hay hỗ trợ phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông sản.
Phát triển nông nghiệp bền vững luôn cần có cơ chế, chính sách phù hợp và ổn định. Chính vì vậy, giải pháp hiệu quả là kết hợp được giữa cơ chế, chính sách của Trung ương vận hành vào từng địa phương và từng địa phương có những cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư hiệu quả. Để làm được thì giữa các địa phương cần có cơ chế trao đổi thông tin. Khi có thông tin, hiểu được nhu cầu của nhà đầu tư, chủ thể tham gia sản xuất, lúc đó có thể đưa ra được những chính sách “Win-Win” (đôi bên cùng có lợi) thì sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp sẽ hiệu quả.
Bài và ảnh: THÚY AN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.