• Click để copy

Peru - thị trường xuất khẩu đầy triển vọng cho doanh nghiệp Việt

Peru đang trở thành nền kinh tế thứ 8 có hiệu lực với Hiệp định CPTPP, do vậy, đây là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước cần phải lưu ý và thấu hiểu thị trường để tận dụng hết cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu.

CPTPP - đòn bẩy xuất khẩu sang Peru

Ngày 14/07/2021, Quốc hội Nước Cộng hòa Peru đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sau đó Chính phủ Peru đã công bố sẽ trở thành nền kinh tế thứ 8 trong số 11 nền kinh tế của Hiệp định. Bộ Ngoại thương và Du lịch (Mincetur) ngày 19/9/2021 đã ra thông báo Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực đối với nước này.

Như vậy, khi CPTPP được thực thi, Việt Nam và Peru lần đầu tiên có quan hệ Hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, Hiệp định CPTPP đã mở ra những cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư song phương.

Với thị trường Peru, Việt Nam hiện nay đang có kết quả xuất khẩu với những tăng trưởng đáng ghi nhậnVới thị trường Peru, Việt Nam hiện nay đang có kết quả xuất khẩu với những tăng trưởng đáng ghi nhận

Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru cho thấy, trước đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 48,3% trong vòng 5 năm, từ mức 284,96 triệu USD (năm 2014) lên mức 422,73 triệu USD (năm 2019). Năm 2020, do tác động của đại dịch, kim ngạch thương mại song phương giảm 7,5%, đạt 391,17 triệu USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 633 triệu USD, tăng 62% so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru đạt triệu 660 USD, tăng mạnh tới 84%. So với năm 2020, đây là kỳ tích, đánh dấu lần tiên kim ngạch thương mại song phương vượt 500 triệu USD, đưa Peru trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.

Trong đó đáng lưu ý các mặt hàng điện thoại di động và thiết bị điện tử lấy lại đà tăng trưởng lần lượt là 137% và 53.2%, chất dẻo nguyên liệu tăng hơn 629%, cao su (71%), xơ sợi dệt các loại (+70%), hàng hóa khác (+82%), túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù (96.7%), clanke và xi măng (+14%), hàng giày dép (+7%). Sản phẩm giảm gồm sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (-11%), hàng thủy sản (-18%). Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Peru đạt 73 triệu USD, giảm 16.4% so với năm 2020.

6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 316,6 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru đạt triệu 289 triệu USD, tăng 2,5%. Các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng, như mặt hàng thủy sản (tăng 115%), xơ sợi dệt các loại tăng 141%, cao su (tăng 33%), giày dép các loại (tăng 8,2%), điện thoại di động và linh kiện (tăng 11,2%), túi xách (tăng 17%), nội thất từ chất liệu khác gỗ (tăng 61%). Một số mặt hàng giảm như clanke và xi măng (-64%), chất dẻo nguyên liệu (-72%), máy vi tính, sản phẩm điện tử (-27%),...

“Hiệp định CPTPP đã có những tác động rõ rệt đối với tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Với thị trường Peru, Việt Nam hiện nay đang có kết quả xuất khẩu với những tăng trưởng đáng ghi nhận, ngay cả khi kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021, đầu 2022”, lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá.

Peru - thị trường xuất khẩu đầy triển vọng cho doanh nghiệp Việt

Thấu hiểu thị trường, tận dụng cơ hội

Dù đang có nhiều thuận lợi, tuy nhiên Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru chỉ ra một số thách thức để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Peru, như: thủ tục, tập quán của thị trường; khoảng cách địa lý; sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các quốc gia xuất khẩu khác; các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội phần nào còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong công tác mở rộng thị trường...

Do vậy, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Peru, Thương vụ Việt Nam tại Brazil khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trực tiếp tại các Hội chợ, Trung tâm triển lãm; kết hợp quảng bá các sản phẩm hàng hóa và đất nước con người Việt trên các kênh truyền thông của quốc gia này; Hợp tác, kết nối với các Hiệp hội, Liên đoàn các Bang và các thành phố phối hợp chia sẻ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa.

“Peru là thị trường mở, rất tiềm năng, khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam rất tốt, người dân địa phương rất hoan nghênh hàng hóa nhập khẩu nếu chất lượng tốt,… các doanh nghiệp nên có nhiều chương trình xúc tiến và giới thiệu sản phẩm tại Peru”, Thương vụ Việt Nam tại Brazil thông tin và khuyến nghị, khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Peru nói riêng và thị trường các nước nói chung, cần tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các yêu cầu của nước đó.

Cụ thể, đối với hàng nhập khẩu là động vật hoặc thực vật vào Peru, trước khi giao hàng, giấy phép nhập khẩu phải được cấp bởi Cục Dịch vụ y tế quốc gia - SENASA; Đối với sản phẩm động vật và thực vật mới được nhập khẩu lần đầu thì việc đánh giá rủi ro phải được thực hiện theo quy định của Cộng đồng Andean hoặc Tổ chức Thương mại Thế giới, CODEX hoặc Tổ chức Thú y Thế giới khuyến nghị, cũng như theo yêu cầu vệ sinh của nước xuất khẩu. Giấy chứng nhận cho các sản phẩm động vật và thực vật và các sản phẩm phụ phải không có bất kỹ dấu hiệu tẩy xóa nào...

Hay như các quy định về vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) được soạn thảo, thực hiện và thực thi bởi SENASA. Các nhà xuất khẩu nên yêu cầu nhà nhập khẩu tại Peru cập nhật các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại sản phẩm do SENASA ban hành trước khi vận chuyển sản phẩm đến Peru; Đối với thực phẩm và đồ uống, nhà nhập khẩu phải nộp bản cam kết tới Cục Thực phẩm và Môi trường - DIGESA kèm theo Giấy chứng nhận lưu hành tự do thương mại do cơ quan y tế của nước xuất xứ cấp, nhãndự kiến lưu hành và biên nhận về việc đã đăng ký. Nếu chứng chỉ chưa có sẵn, nhà nhập khẩu phải xuất trình tài liệu do Đại sứ quán Peru cấp tại nước xuất xứ...

Đối với chất lượng, mẫu mã, bao bì hàng hóa xuất khẩu, thị trường Peru yêu cầu, trước khi được phân phối, thực phẩm đóng gói nhập khẩu phải mang nhãn đính kèm với bản dịch tiếng Tây Ban Nha, bao gồm thông tin liên hệ của nhà nhập khẩu/nhà phân phối và RUC (số của người đóng thuế).

Nội dung nhãn thực phẩm phải bao gồm tên sản phẩm và quốc gia sản xuất. Đối với các sản phẩm dễ hỏng, phải bao gồm thông tin: ngày hết hạn, hướng dẫn bảo tồn và cảnh báo, thành phần và trọng lượng thực của sản phẩm (theo trọng lượng hoặc thể tích). Nhãn cũng phải bao gồm thông tin về các thành phần nguy hiểm. Bắt buộc phải bao gồm tên, địa chỉ ở Peru của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối cũng như số người nộp thuế (RUC), số đăng ký vệ sinh thu được từ DIGESA, cảnh báo nguy cơ và điều trị khẩn cấp nếu có, nước xuất xứ. Các sản phẩm dễ hư hỏng phải có thông tin rõ ràng và rõ ràng bằng tiếng Tây Ban Nha.

Đặc biệt, thị trường Peru yêu cầu rất cao về chất lượng bao bì đóng gói, bởi, Peru quy định chi tiết các thủ tục và yêu cầu để thực hiện ghi nhãn bắt buộc đối với các sản phẩm biến đổi gen (GM). Bao bì thực phẩm phải được làm bằng vật liệu vô hại, không có các chất có thể ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. Tương tự, các bao bì phải được sản xuất để bảo quản chất lượng và thành phần của sản phẩm trong suốt thời gian sử dụng, theo các tiêu chuẩn vệ sinh của Bộ Y tế. Bao bì bằng giấy tái chế, bìa cứng hoặc nhựa bị cấm. Vật liệu và phụ gia thực phẩm cho sản xuất thực phẩm và đồ uống phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng y tế được thiết lập trong tiêu chuẩn vệ sinh do DIGESA cấp. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm không có trong danh sách các chất phụ gia được Codex Alimentos cho phép, bị cấm.

Ngoài ra, liên quan đến phòng vệ thương mại, đại diện Thương vụ cho biết, Peru hiện là thành viên duy nhất của Hiệp định CPTPP chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Do đó, trong trường hợp Cơ quan điều tra của Peru điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp cần lưu ý chứng minh đầy đủ căn cứ để không bị áp dụng quy định về kinh tế phi thị trường.

“Nhìn chung, chỉ có một số lượng nhỏ các hàng hóa hạn chế nhập khẩu hoặc bị cấm nhập khẩu vào Peru chủ yếu vì lý do liên quan đến y tê hoặc an ninh, mặc dù số lượng đã giảm đáng kể trong những năm gần đây”, Thương vụ Việt Nam tại Brazil thông tin và kỳ vọng, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp làm tốt hơn nữa việc xây dựng thương hiệu uy tín, với chất lượng luôn được nâng cao và giá cả cạnh tranh để có thể xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Peru

THEO TẠP CHÍ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Bài liên quan

Tin mới

Tái thiết di sản kiến trúc - cảnh quan đáp ứng phát triển bền vững
Tái thiết di sản kiến trúc - cảnh quan đáp ứng phát triển bền vững

Một trong những xu hướng phổ biến của lĩnh vực kiến trúc hiện nay là tái thiết di sản kiến trúc-cảnh quan, chuyển đổi công năng, trở thành những công trình văn hóa-nghệ thuật công cộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, đồng thời tạo sản phẩm mới của công nghiệp văn hóa, gia tăng hiệu quả kinh tế. Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu, kiến trúc sư (KTS) Vũ Hiệp.

Tính ưu việt của mô hình đầu tư công - quản trị tư
Tính ưu việt của mô hình đầu tư công - quản trị tư

Mô hình đầu tư công-quản trị tư có thể được xem là một giải pháp nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn của tái thiết kiến trúc-cảnh quan trở thành công trình văn hóa-nghệ thuật. Nhiều chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn thử nghiệm ở một số dự án nhỏ, rút kinh nghiệm cho mô hình còn khá mới mẻ này.

Tặng thưởng 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Tặng thưởng 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Tối 19-9, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023.

Tinh túy văn hóa giao tiếp của người Bắc Ninh xưa
Tinh túy văn hóa giao tiếp của người Bắc Ninh xưa

Thời Minh Mạng, tỉnh Bắc Ninh được thành lập bao gồm cả tỉnh Bắc Giang và một phần đất Hà Nội cùng Vĩnh Phúc ngày nay. Đây là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, gắn liền với nền văn minh sông Hồng và cũng là vùng nổi tiếng bởi văn hóa giao tiếp với nhiều tinh túy.

Phòng, chống buôn lậu trong mùa nước nổi ở An Giang
Phòng, chống buôn lậu trong mùa nước nổi ở An Giang

Cứ vào khoảng tháng 8 âm lịch, khi nước tràn đồng thì tình trạng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam lại trở nên nóng bỏng và phức tạp.

Hà Nội: Nhanh chóng dập tắt đám cháy xưởng in ở phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm
Hà Nội: Nhanh chóng dập tắt đám cháy xưởng in ở phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm

Vụ cháy xảy ra khoảng 16 giờ 30 phút tại xưởng in ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cột khói đen bốc cao, khiến nhiều người tại khu vực hoang mang.