• Click để copy

Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2022

Từ ngày 16 đến 18-11, tại Bangkok, Thái Lan, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2022 với sự tham dự của hơn 850 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực cùng đại diện của các tổ chức quốc tế. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại Hội nghị.

Sau đây, Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Thưa quý vị!

Hôm nay, tôi rất vui mừng cùng các nhà Lãnh đạo APEC phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022 về chủ đề “Tương lai của thương mại và đầu tư”. Bên cạnh nhiều cơ hội mới của công nghệ số, chuyển đổi số đang lan tỏa, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu 2022 chỉ đạt mức 3,5% và đến 2023 sẽ tụt xuống còn 1%. Xung đột địa chính trị, giá năng lượng và lương thực tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt tác động bất lợi tới thương mại và đầu tư toàn cầu.

Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2022

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. 

Từ tầm nhìn cao về tương lai, chúng ta cần thấy được sự đan xen của các cơ hội cần tranh thủ và thách thức đan xen ở phía trước và trên tinh thần lạc quan và tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, tôi muốn chia sẻ một số điểm về tương lai của thương mại và đầu tư.

Thứ nhất, đảm bảo hệ thống thương mại quốc tế công bằng, minh bạch và hiệu quả là điều cốt yếu trong một “sân chơi” toàn cầu. Việt Nam luôn ủng hộ các khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương dựa trên nguyên tắc và luật lệ. Việt Nam vui mừng trước thành công và phối hợp chặt chẽ với các nền kinh tế thành viên APEC trong triển khai kết quả của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC 12), cũng như giải quyết những điểm nghẽn cản trở hợp tác thương mại toàn cầu.

Thứ hai, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng. Thực tế chống chọi với đại dịch Covid-19 trong 2020-2021 càng minh chứng tầm quan trọng, thiết yếu của sản xuất – kinh doanh dựa trên nền tảng số; theo WTO, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), xuất khẩu dịch vụ toàn cầu trên nền tảng số đạt mức tăng ấn tượng 14%/năm. Nhìn tổng thể, sự phát triển nhanh chóng và việc áp dụng công nghệ số đang tác động tích cực đến thương mại xuyên biên giới và kinh tế toàn cầu.

Đối với Việt Nam, chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng tôi triển khai mạnh mẽ Chương trình của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với sự tham gia tích cực, phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Chúng tôi mong các doanh nghiệp cùng chung tay đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển... với sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, trong hai năm qua, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục gặp thách thức. Để chống dịch Covid-19 các quốc gia đã phải đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội quy mô lớn đã làm đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Khi đại dịch vừa dịu đi, thì đầu năm 2022 căng thẳng địa chính trị bùng lên làm căng thẳng cung ứng năng lượng, lương thực, đẩy chi phí vận chuyển tăng vọt. Nhiều nhà máy rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng hoặc phải đóng cửa do thiếu nguyên vật liệu đầu vào. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đứt gãy chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu thô gia tăng làm giá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của người dân, đặc biệt là người nghèo.

Thế giới và khu vực hiện đang khôi phục và thiết lập những chuỗi cung ứng mới với tầm nhìn dài hạn về xây dựng các chuỗi cung ứng tự cường và bền vững, nơi có nguồn cung ứng đa dạng, có cơ chế giám sát hiệu quả và có thể dễ dàng truy vết.

Thứ tư, xu hướng đầu tư toàn cầu đang bị ảnh hưởng mạnh của đại dịch Covid-19 và tác động ngày càng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực như y tế, công nghệ sinh học, phát triển xanh và bền vững hướng tới giảm phát thải ròng carbon xuống 0% sẽ là các lĩnh vực thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian tới.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB), có 4 siêu xu hướng sẽ định hình quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong lương lai là (i) sự gia tăng rủi ro và bắt ổn; (ii) chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; (iii) công nghệ mới và (iv) thúc đẩy phát triển bền vững. Theo đó, dòng vốn FDI có xu thế tập trung nhiều hơn vào các dự án chất lượng cao, phát triển bền vững, năng lượng xanh hay có khả năng tái tạo.

Việt Nam ưu tiên các hoạt động hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Chúng tôi mong muốn thu hút các dự án FDI có công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Thưa quý vị!

Tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó dự báo, với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ với xu hướng tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao... Đến nay, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn về năng lượng, lương thực và theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng GDP thuộc nhóm cao tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. WB dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,2% trong 2022 và 6,7% trong 2023.

Là một trong những nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi gần 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư và thực thi 15 Hiệp định thương mại do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Các thành quả tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư trong bình diện khu vực và toàn cầu có thể đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia.

Từ thực tiễn của mình, chúng tôi xin chia sẻ tầm quan trọng của bài học về “đồng hành cùng doanh nghiệp”, coi doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, chia sẻ, lắng nghe cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong mọi tình huống; đồng thời đẩy mạnh tạo thuận lợi, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Chúng tôi mong muốn Cộng đồng doanh nghiệp APEC sẽ nêu cao tinh thần hợp tác, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu vực.

Chúng tôi chào đón các Bạn mở rộng hợp tác và phát triển cùng Việt Nam. Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi, môi trưởng xã hội ổn định, cơ chế thông thoáng và cùng các bạn thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

TTXVN

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.