Phòng chống, đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan
Bên cạnh những chiều hướng, biểu hiện tích cực, phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống, những giá trị đạo đức, góp phần xây dựng đời sống xã hội thì đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đang có những lệch chuẩn trong niềm tin, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra không chỉ trong người dân mà ngay chính những người tu hành, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải phòng ngừa, đẩy lùi thực trạng này.
Nhiều biểu hiện lệch lạc trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo
Dưới tác động của chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước, do đời sống vật chất được nâng cao, đất nước mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan mà trong nhiều năm qua, tôn giáo của Việt Nam vô cùng sôi động. Nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo được phục hồi, nảy sinh hoặc du nhập kéo theo hàng loạt các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội được tổ chức hằng năm cùng với hàng chục nghìn cơ sở thờ tự thu hút đông đảo người dân.
Bên cạnh những chiều hướng, biểu hiện tích cực, phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống, những giá trị đạo đức, góp phần xây dựng đời sống xã hội thì đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng mê tín dị đoan, tệ nạn "buôn thần bán thánh" nở rộ, những lệch chuẩn trong niềm tin, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra không chỉ trong người dân mà ngay chính những người tu hành, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo. Vì lợi ích mà nhiều người đã lợi dụng thánh thần để trục lợi, xem việc trở thành nhà tu hành giống như nghề kiếm sống. Những câu chuyện bói toán, bùa chú tràn lan trên mạng; những lễ hầu đồng tốn đến cả trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ bạc... đến việc kẻ giả danh nhà tu hành Phật giáo là Nguyễn Minh Phúc vừa bị công an bắt về tội lừa đảo, hay sự việc có người đóng giả đức Phật để live stream bán hàng cho thấy mặt trái của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam hiện nay.
Tục đốt vàng mã diễn ra phổ biến trong nhân dân. Ảnh: HỒNG ANH |
Những biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi ngày càng phổ biến, gây bức xúc trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức tôn giáo. Đây là biểu hiện của sự suy giảm đạo đức, văn hóa, lối sống xã hội. Một khi con người không còn biết sợ hãi trước thánh thần, đem thánh thần để làm công cụ kiếm tiền thì có nghĩa người ta có thể bất chấp tất cả để trục lợi. Tín ngưỡng, tôn giáo là một thiết chế để giúp con người tu tâm, dưỡng tính, sống hướng thiện, làm lành, lánh dữ, từ bỏ tham, sân, si; không gian thiêng của tín ngưỡng, tôn giáo phải là nơi để con người tìm thấy sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn, nhìn lại chính mình nhằm hướng đến những điều tích cực, song một số vụ việc gây bức xúc dư luận gần đây đã đi ngược lại những điều đó.
Sự phát triển của đời sống vật chất kéo theo những nhu cầu về đời sống tinh thần, như người Việt Nam thường nói "phú quý sinh lễ nghĩa". Khi có tiền, thậm chí nhiều tiền, con người thường tìm kiếm sự an toàn hiện sinh cho mình; trong đó, tôn giáo, tín ngưỡng cũng đóng góp cho sự bảo đảm an toàn đó. Nhiều người có tiền, chỉ đơn giản nghĩ bỏ tiền ra sẽ mua được sự an toàn hiện sinh, thanh thản trong tâm hồn. Đây chính là một trong những lý do khiến cho những kẻ trục lợi có cơ hội để hoạt động. Một bộ phận không nhỏ người dân nói chung khi tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không có sự hiểu biết về giáo lý, giáo luật, những quy định, chuẩn mực trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo nên thường theo đám đông, theo những gì mà mình tự nghĩ, do đó rất dễ sai lạc, không đúng với tinh thần tôn giáo, quy định hay các lề lối của tín ngưỡng. Bên cạnh đó, chế tài, pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, chưa cập nhật với tình hình, chưa nghiêm khắc, không có tính răn đe, khiến cho xu hướng mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi càng có cơ hội phát triển. Một bộ phận không nhỏ những kẻ trục lợi nhận thấy tiềm năng kiếm lợi rất lớn từ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nên đã tìm mọi cách để trục lợi. Người dân đa phần không nghĩ bị lừa nên tình hình cứ tiếp diễn năm này qua năm khác mà không thể khắc phục.
Chung tay góp sức đẩy lùi các hành vi mê tín dị đoan
Gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn, cũng chuẩn bị một mùa lễ hội với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước. Để hướng đến một mùa lễ hội an toàn, đúng thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, đồng thời góp phần giảm những hoạt động phản cảm, lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, các cấp chính quyền cần trao đổi, phối hợp chặt chẽ với những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tổ chức tốt các hoạt động, có những biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa các biểu hiện lệch lạc, các hành vi trục lợi. Cần phải có những biện pháp xử lý thật mạnh mẽ tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng nếu vi phạm pháp luật. Các cấp chính quyền cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng, thực hành đúng giáo lý, giáo luật, tuân thủ truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục. Chúng ta cần phải giúp cho mọi người hiểu rằng, đến với tôn giáo, tín ngưỡng là để tìm sự bình an, thanh thản của tâm hồn, để sám hối, gột rửa những lỗi lầm, hướng thiện, làm lành, lánh dữ... chứ không phải cầu xin danh lợi, tiền tài.
Nếu người dân có nhận thức đúng đắn, hiểu rằng mọi phúc họa là do chính mình gây ra và muốn được an lành, hạnh phúc thì chính bản thân phải nỗ lực, làm những điều tốt đẹp chứ không phải đến cầu xin thần thánh là có thể giải quyết được. Nếu nhận thức được như vậy, chắc chắn những hành vi lệch lạc, những biểu hiện phản cảm, trục lợi sẽ được hạn chế. Cộng thêm sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành của các tổ chức tôn giáo, các cơ sở tín ngưỡng, chắc chắn những biểu hiện tiêu cực của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sẽ giảm đi đáng kể.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần tích cực hơn nữa trong thông tin về chủ đề này, cần kịp thời lên án những hành vi lệch lạc, những biểu hiện trục lợi để người dân, cộng đồng xã hội hiểu và các cơ quan quản lý kịp thời nắm được để xử lý. Đặc biệt, vai trò của các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, người đại diện cơ sở tín ngưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn người dân, tín đồ có niềm tin và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo một cách đúng đắn.
PGS, TS CHU VĂN TUẤN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.