Quân sự thế giới hôm nay (11-12): Nga triển khai tàu hộ tống tên lửa Tucha ở Biển Đen, Ukraine vận hành hệ thống phòng không MIM-23 Hawk
Quân sự thế giới hôm nay (11-12) có những nội dung sau: Nga triển khai tàu hộ tống tên lửa Tucha ở Biển Đen; Mỹ bán đạn xe tăng cho Israel; Ukraine vận hành hệ thống phòng không MIM-23 Hawk; Iran cải tiến xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar.
* Nga triển khai tàu hộ tống tên lửa Tucha ở Biển Đen
Nga đã thay thế tàu hộ tống tên lửa Askold bị hư hỏng sau cuộc tấn công của Ukraine bằng tàu hộ tống mới thuộc lớp Karakurt ở Biển Đen.
Bulgarian Military cho biết, những hình ảnh từ vệ tinh hồi đầu tháng cho thấy đây là tàu hộ tống tên lửa Tucha.
Nga triển khai tàu hộ tống tên lửa Tucha ở Biển Đen? Ảnh: Evgeniy Babanov |
Tàu hộ tống tên lửa Tucha được hạ thủy tại Zelenodolsk, bên bờ sông Volga hồi tháng 7. Dài 67m, rộng 11m, tàu hộ tống tên lửa Tucha có lượng giãn nước tối đa 870 tấn, đoàn thủy thủ gồm 39 người. Tàu có khả năng hoạt động liên tục trong 15 ngày.
Vũ khí của tàu hộ tống tên lửa Tucha có chút khác biệt so với các tàu hộ tống lớp Karakurt thuộc dự án 22800 Karakurt. Tucha được trang bị pháo 76mm, 8 bệ phóng tên lửa Kalibr, Onyx và phiên bản hàng hải của hệ thống tên lửa phòng không Pantsir. Các nguồn tin của Ukraine cho biết, máy bay không người lái trinh sát Orlan-10 có thể cất cánh từ boong tàu Tucha.
Theo Bulgarian Military, Tucha lần đầu tiên xuất hiện trên các hình ảnh vệ tinh vào ngày 5-12. Trước đó, trong thành phần của Hạm đội Biển Đen gần Sevastopol chỉ có hình ảnh các tàu hộ tống Zyklon. Hình ảnh vệ tinh từ ngày 5-12 cũng cho thấy một tàu hộ tống tên lửa khác, đó là Amur vốn đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm và đang chờ được chấp nhận gia nhập Hạm đội Biển Đen.
* Mỹ sẽ bán 14.000 đạn xe tăng cho Israel
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lách quyền của Quốc hội về viện trợ quân sự cho Israel bằng cách cấp phê duyệt khẩn cấp thương vụ bán 14.000 quả đạn xe tăng công phá mạnh với tổng trị giá 106,5 triệu USD cho Israel. Đạn công phá mạnh M830 có khả năng tiêu diệt xe tăng và các mục tiêu bọc thép khác.
Mỹ sẽ bán 14.000 quả đạn xe tăng công phá mạnh tổng trị giá 106,5 triệu USD cho Israel. Ảnh minh họa: Fars News Agency |
Quyết định khẩn cấp được đưa ra trong bối cảnh bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh cam kết bảo đảm an ninh cho Israel và điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là hỗ trợ Israel phát triển và duy trì khả năng phòng vệ mạnh mẽ, vì vậy, thương vụ này phù hợp với những mục tiêu đó.
Israel sẽ sử dụng số đạn tăng cường này để ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực và tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Việc phê duyệt khẩn cấp được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực đạt được sự chấp thuận của Quốc hội đối với khoản chi tiêu an ninh bổ sung 106 tỷ USD, bao gồm 14,3 tỷ USD cho Israel.
* Hệ thống phòng không MIM-23 Hawk: Giải pháp hiệu quả cho phòng không Ukraine
Theo Kiev Post, hệ thống phòng không MIM-23 Hawk của Mỹ hiện đang được không quân Ukraine khai thác. Hệ thống phòng không tầm trung MIM-23 Hawk là sản phẩm của Raytheon, cha đẻ của MIM-104 Patriot huyền thoại, và đã trải qua nhiều lần nâng cấp.
Hệ thống phòng không tầm trung MIM-23 Hawk là sản phẩm của Raytheon (Mỹ). Ảnh: Kiev Post |
MIM-23 Hawk có khả năng bắn hạ hiệu quả gần như toàn bộ các mối đe dọa trên không, từ máy bay trực thăng đến tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Tỷ lệ bắn trúng mục tiêu trên không trung bình của MIM-23 Hawk là khoảng 85%. Tầm bắn của MIM-23 Hawk khoảng 50km. Ngoài ra, hệ thống này có khả năng tấn công mục tiêu ở độ cao lên tới 20km.
Hệ thống sử dụng nhiều radar để tìm kiếm, thu thập, theo dõi và dẫn đường tới mục tiêu. Radar giám sát AN/MPQ-50 có thể phát hiện các mục tiêu ở độ cao lên tới 100km. Ngoài ra, còn có radar doppler sóng liên tục AN/MPQ-62 được thiết kế để phát hiện các mục tiêu tầm thấp, bao gồm tên lửa hành trình và máy bay không người lái, thường bay ở độ cao dưới 150m so với mặt đất.
Tổ hợp này bao gồm một khẩu đội phòng không, thường là hai đơn vị hỏa lực, mỗi đơn vị có ba bệ phóng. Mỗi bệ phóng di động được trang bị 3 tên lửa phòng không MIM-23.
* Iran cải tiến xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar
Bulgarian Military cho biết, một đoạn video quay cảnh xe tăng mới của Iran được vận chuyển bằng xe tải Volvo FH16 ở tỉnh Khuzestan đã được đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter). Theo @IranDefense, 5 xe bọc thép mặt đất này thuộc biên chế Sư đoàn Thiết giáp số 92 của quân đội Iran.
Karrar - xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Iran Ảnh: Bulgarian Military |
Karrar là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Iran, nhưng nó không phải là thiết kế của Iran mà là sự kết hợp của nhiều loại xe tăng. Khung gầm của xe tăng được lấy từ T-72 của Liên Xô. Các tấm phản quang giống xe tăng T-72B/S và T-90 của Nga. Tháp pháo gần giống với T-90M/MS của Nga, ngoại trừ mặt trước của Karrar dày hơn. Karrar cũng kết hợp các thành phần và thiết kế từ xe tăng Abrams của Mỹ, M60, M48 và thậm chí cả xe tăng Chieftain của Anh
Xe tăng Karrar có trọng lượng lên tới 51 tấn, dài 9m, cao 2,5m. Lớp giáp được sử dụng trong quá trình chế tạo xe tăng Karrar bao gồm vật liệu composite cao cấp dành cho tháp pháo. Thân xe được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) và được tăng cường thêm lớp giáp lồng dây để tăng khả năng bảo vệ.
Phiên bản nội địa của xe tăng Karrar, không giống như các phiên bản xuất khẩu của Iran, được trang bị pháo nòng trơn loại 2A46M/M-2/M-5 125mm. Bổ sung cho hỏa lực chính là súng máy đồng trục 7,62mm, cùng với súng máy 12,7mm hoặc 14,5mm có thể điều khiển từ xa.
Được trang bị động cơ 1.000 mã lực, khi đầy bình nhiên liệu, xe tăng Karrar có thể di chuyển quãng đường lên tới 550km.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.