Quân sự thế giới hôm nay (13-8): Nga ra mắt UAV cảm tử Lancet-E
Quân sự thế giới hôm nay (13-8-2024) có những nội dung sau: Nga ra mắt UAV cảm tử Lancet-E, Hải quân Australia thử nghiệm thành công tên lửa SM-6 trên biển, Litva công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine.
* Nga ra mắt UAV cảm tử Lancet-E
Tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế Army-2024, công ty Rosoboronexport, một đơn vị chủ chốt của Tập đoàn Nhà nước Rostec, lần đầu tiên giới thiệu máy bay không người lái có tên gọi Lancet-E.
![]() |
Việc giới thiệu UAV cảm tử Lancet-E thể hiện kế hoạch mở rộng dấu ấn của Rosoboronexport trên thị trường quốc phòng quốc tế. Công ty dự kiến Lancet-E có thể được xuất khẩu với số lượng vượt 1.000 chiếc. Ảnh: Rosoboronexport |
Lancet-E là phiên bản xuất khẩu của UAV cảm tử ZALA Lancet, vốn đã được sử dụng rộng rãi ở Ukraine. Được phát triển và sản xuất bởi Công ty JSC Aerosca, Lancet-E gồm máy bay không người lái trinh sát Z-16-E (UAV) và 2 phương tiện mang đạn có điều khiển, được gọi là Izdeliye 51-E và Izdeliye 52-E. Mỗi phương tiện có tầm bay riêng biệt và trọng lượng cất cánh tối đa khác nhau. Lancet-E có thiết kế cánh chữ X và một cánh quạt đẩy nhỏ, giúp UAV khó bị phát hiện bởi radar của đối phương.
Lancet-E được triển khai nhằm chống lại nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm xe bọc thép, các vị trí kiên cố và các mối đe dọa trên biển. Rosoboronexport dự kiến Lancet-E có thể được xuất khẩu với số lượng vượt 1.000 chiếc.
Dòng Lancet bao gồm nhiều biến thể khác nhau như Lancet-1 và Lancet-3, chủ yếu khác nhau về tải trọng và thời gian bay. Lancet-3 có thể mang đầu đạn nặng 5kg và có thời gian bay khoảng 40 phút với tầm hoạt động hơn 40km. Các bản nâng cấp gần đây cho thấy, hệ thống Lancet còn có một bệ phóng có khả năng triển khai nhiều máy bay không người lái và hệ thống liên lạc nâng cao. Bất chấp những thách thức như lệnh trừng phạt và tình trạng thiếu hụt phụ tùng, việc sản xuất Lancet vẫn tiếp tục với các quy trình sản xuất thích ứng linh hoạt.
* Hải quân Australia thử nghiệm thành công tên lửa SM-6 trên biển
Mới đây, Bộ Quốc phòng Australia thông báo tàu khu trục HMAS Sydney đã bắn thử thành công 10 tên lửa tiêu chuẩn 6 (SM-6) trong cuộc tập trận Pacific Dragon 2024.
![]() |
Tàu khu trục lớp Hobart HMAS Sydney của Australia bắn thử nghiệm tên lửa SM-6. Ảnh: RAN |
SM-6 sẽ dần được tích hợp vào các tàu khu trục lớp Hobart của Hải quân Australia và các khinh hạm lớp Hunter trong tương lai, tăng cường đáng kể hỏa lực và tính linh hoạt cho đội tàu.
Cuộc thử nghiệm thể hiện nỗ lực trang bị cho lực lượng hải quân hỏa lực tiên tiến, cho phép tấn công các mục tiêu trên biển, trên bộ và trên không ở khoảng cách xa.
SM-6 là tên lửa phòng không, hay còn gọi là tên lửa chủ động tầm xa RIM-174 (ERAM), do tập đoàn Raytheon của Mỹ phát triển và được đưa vào trang bị cho lực lượng hải quân từ năm 2013.
SM-6 có chiều dài 6,6m, đường kính tối đa khoảng 530mm và trọng lượng phóng 1,5 tấn. Sử dụng động cơ nhiên liệu rắn 2 giai đoạn và được trang bị đầu đạn phân mảnh nặng 64kg, tên lửa có thể đạt tốc độ Mach 3,5; tầm bắn tối đa đạt 400km; trần cao đánh chặn đạt hơn 34km, đủ khả năng tấn công và tiêu diệt mọi mục tiêu bay, kể cả các mục tiêu đạn đạo.
Đáng chú ý, SM-6 được trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp giữa radar chủ động, quán tính và ảnh hồng ngoại. Điều này giúp tên lửa có độ nhạy cao đối với các mục tiêu nằm ở tầng ngoại vi khí quyển trái đất, cũng như khó bị gây nhiễu và hoạt động tốt trong môi trường phức tạp.
* Litva công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine
Litva vừa công bố kế hoạch cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra.
![]() |
Xe bọc thép Litva chuyển giao cho Ukraine hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: Lithuania MoD |
Gói viện trợ này bao gồm một loạt các thiết bị quân sự thiết yếu, bao gồm 14 xe bọc thép chở quân M113, các hệ thống phòng không tầm ngắn, thiết bị tác chiến điện tử, xe bọc thép, vũ khí chống máy bay không người lái, đạn dược và nhiều phụ tùng khác.
Đầu năm nay, Litva đã chuyển giao đạn pháo, xe bọc thép bổ sung, hệ thống chống máy bay không người lái, súng phóng lựu chống tăng Carl Gustaf, hệ thống kích nổ từ xa RISE-1, linh kiện cho máy bay huấn luyện và chiến đấu cũng như máy phát điện. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga, tổng viện trợ quân sự của Litva cho Ukraine là hơn 641 triệu USD.
Ngoài viện trợ quân sự, Litva cũng đã tham gia thử nghiệm máy bay không người lái tại Ukraine. Chính phủ Litva cũng đã thực hiện các bước để thiết lập các hệ thống công sự kiên cố tại 2 địa điểm gần biên giới, qua đó tăng cường khả năng phòng thủ để ứng phó với căng thẳng trong khu vực.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.