Quân sự thế giới hôm nay (16-10): Thổ Nhĩ Kỳ tập trận ở Đông Địa Trung Hải; robot Ironclad thực chiến
Quân sự thế giới hôm nay (16-10) có những nội dung sau: Hà Lan sẽ “tung” UAV MQ-9 Reaper để bảo vệ sườn Đông NATO; Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức tập trận ở Đông Địa Trung Hải; Ukraine thử nghiệm robot Ironclad trên chiến trường.
* Hà Lan sẽ triển khai UAV MQ-9 Reaper để bảo vệ sườn Đông của NATO
Theo Military Leak, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren đã thông báo bằng văn bản cho Hạ viện rằng vào năm 2024, Hà Lan sẽ triển khai ba máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper ở Romania để góp phần bảo vệ sườn Đông của NATO.
Đây sẽ là lần đầu tiên Hà Lan triển khai máy bay trinh sát không người lái bên ngoài lãnh thổ của mình. UAV MQ-9 Reaper sẽ sử dụng các cảm biến để thu thập dữ liệu và thông tin tình báo nhằm duy trì bức tranh chính xác về tình hình dọc biên giới phía Đông của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
MQ-9 Reaper của Không quân Hoàng gia Hà Lan sẽ được triển khai để bảo vệ sườn Đông NATO. Ảnh minh họa: Military Leak |
Dự kiến, MQ-9 Reaper sẽ thực hiện nhiệm vụ ít nhất là 6 tháng hoặc 1 năm. Trong số 135 quân nhân được triển khai, khoảng 40 người sẽ làm nhiệm vụ bảo trì máy bay tại căn cứ không quân gần Campia Turzii ở Romania. Số còn lại sẽ làm việc tại Căn cứ Không quân Leeuwarden. Nhiệm vụ của các quân nhân là vận hành MQ-9 Reaper và xử lý thông tin tình báo thu thập được.
UAV MQ-9, được phát triển bởi General Atomics, là phiên bản cải tiến của MQ-1 Predator. So với Predator, MQ-9 lớn hơn, nặng hơn, có khả năng hoạt động tốt hơn và có thể được điều khiển bởi cùng hệ thống mặt đất. Reaper dài 10,9m, có động cơ tua-bin cánh quạt 950 mã lực (712 kW), tốc độ 444km/h, trần bay 15.240m. Với 7 giá treo vũ khí, Reaper có thể mang tên lửa AGM-114 Hellfire, bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway II, bom thông minh GBU-38, tên lửa tấn công mặt đất Brimstone và tên lửa phòng không AIM-9X Sidewinder. Reaper còn được trang bị radar AN/APY-8 Lynx, radar độ phân giải cao Ku-Band, radar khẩu độ tổng hợp có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết và hệ thống chỉ báo mục tiêu chuyển động trên mặt đất. Khi đầy tải, Reaper hoạt động được 14 giờ nhưng khi không mang vũ khí, nó có thể hoạt động trong 42 giờ.
* Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập trận ở Đông Địa Trung Hải
Daily Sabah trích các nguồn tin an ninh cho biết, đây là một cuộc tập trận đã được Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch từ trước. Cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng như việc Mỹ triển khai tàu chiến tới khu vực.
Cuộc tập trận này sẽ được tổ chức ngoài khơi Cộng hòa Síp, từ ngày 16 đến 20-10. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tiến hành một cuộc tập trận tìm kiếm cứu nạn chung với Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ (TRNC) từ ngày 23 đến 27-10.
TGC Gurbet, tàu tấn công nhanh của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia buổi lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng hải quân ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 27-9-2023. Ảnh minh họa: AA |
Đông Địa Trung Hải hiện là điểm nóng hoạt động của Mỹ trong bối cảnh xung đột Hamas - Israel đang mở rộng. Thứ Bảy tuần trước, Mỹ đã triển khai tàu sân bay thứ hai tới khu vực để “ngăn chặn các hành động thù địch chống lại Israel”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết sự hiện diện của USS Eisenhower và các tàu chiến khác ở Đông Địa Trung Hải là “cam kết sắt đá của Washington đối với an ninh của Israel” và là quyết tâm của Mỹ nhằm “ngăn chặn bất kỳ chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nào đang tìm cách leo thang cuộc chiến này”.
Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chỉ trích việc Mỹ triển khai quân ở Đông Địa Trung Hải. Ông cho rằng Mỹ nên giúp duy trì hòa bình thay vì “đổ thêm dầu vào lửa”.
Đông Địa Trung Hải từ lâu đã là nguồn gốc của xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, khi cả hai nước tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong bối cảnh tranh chấp về quyền khoan thăm dò ngoài khơi gần Síp, một hòn đảo bị chia cắt giữa người Síp Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ TRNC, trong khi Hy Lạp và hầu hết các nước phương Tây đều ủng hộ người Síp gốc Hy Lạp.
* Ukraine thử nghiệm robot Ironclad trên chiến trường
Theo Bulgarian Military, lực lượng vũ trang Ukraine đã thử nghiệm trên chiến trường robot không người lái hiện đại Ironclad trong các nhiệm vụ như tấn công, trinh sát, hỗ trợ hỏa lực quan trọng cho quân đội trên chiến trường. Ironclad là sản phẩm của các kỹ sư Ukraine thuộc Công ty Roboneers.
Robot Ironclad có thể thực hiện các nhiệm vụ như tấn công, trinh sát, hỗ trợ hỏa lực. Ảnh minh họa: Facebook |
Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết robot này có khả năng đạt tốc độ lên tới 20 km/h, được trang bị camera ảnh nhiệt và tháp pháo ShaBlya M2. Lớp vỏ bọc thép mang lại cho robot khả năng bảo vệ chắc chắn trước các loại vũ khí nhỏ. Hoạt động của Ironclad có thể được quản lý từ xa nên có thể đặt trạm điều khiển ở khoảng cách an toàn.
Ngoài Ironclad, trước đó, robot cải tiến của Estonia, TheEMIS, cũng đã được thử nghiệm thành công ở Ukraine. TheEMIS làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và thương binh trên chiến trường. Theo Công ty Milrem Robotics của Estonia, đơn vị phát triển TheEMIS, robot này còn có khả năng tự trang bị vũ khí và biến hình thành một cỗ máy chiến tranh tự động.
MAI HƯƠNG (Tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.