Quân sự thế giới hôm nay (19-3): Mỹ sẽ chuyển tiếp tên lửa Typhon đến châu Á-Thái Bình Dương
Quân sự thế giới hôm nay (19-3) có những nội dung sau: Mỹ chuyển tiếp tên lửa Typhon đến châu Á-Thái Bình Dương; Nga mang “mắt thần trên không” A-50 trở lại Ukraine; Na Uy dùng cách “độc lạ” để thử nghiệm chiến thuật UAV.
* Mỹ chuyển tiếp tên lửa Typhon đến châu Á-Thái Bình Dương
Real Clear Defense đưa tin, Lực lượng đặc nhiệm đa miền số 3 (MDTF3) của lục quân Mỹ sẽ thành lập tiểu đoàn hỏa lực tầm xa trong năm tới, bao gồm việc chuẩn bị triển khai hệ thống tên lửa Typhon tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đánh dấu khẩu đội thứ hai của Mỹ hiện diện tại đây.
Quân đội Mỹ hiện có 2 khẩu đội Typhon đủ tiêu chuẩn triển khai và đang được đặt bên ngoài căn cứ Lewis-McChord ở bang Washington. Theo kế hoạch, MDTF3, có trụ sở ở Hawaii, sẽ nhận được nhận một khẩu đội Typhon.
![]() |
Mỹ có kế hoạch tiếp tục triển khai hệ thống tên lửa Typhon tới châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Defense Talk |
Văn phòng điều phối Chương trình tên lửa và không gian (PEOMS) của lục quân Mỹ cho biết nước này đang nỗ lực triển khai thêm 3 khẩu đội Typhon nữa cho các đơn vị lực lượng đặc nhiệm đa miền trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2026 đến năm 2028.
Trước đó, khẩu đội Typhon đầu tiên được quân đội Mỹ triển khai ở Philippines vào năm 2024 trong khuôn khổ các cuộc tập trận quân sự thường niên với đồng minh lâu năm, rồi quyết định giữ hệ thống này ở lại quốc gia Đông Nam Á. Kể từ đó, Mỹ cũng chưa tiến hành bắn đạn thật đối với khẩu đội Typhon tại Philippines.
Typhon là hệ thống phóng tên lửa tầm trung của Mỹ, đồng thời là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương. Hệ thống bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đánh chặn SM-6.
* Nga mang “mắt thần trên không” A-50 trở lại Ukraine
Army Recognition dẫn thông tin từ trang Russian Weapons cho biết ít nhất 1 trong 8 máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AEW&C) A-50U đang phục vụ trong Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga trước khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine đã tiếp tục hoạt động ở khu vực Sumy của Ukraine.
Vẫn chưa rõ liệu đó là 1 chiếc A-50U duy nhất đang hoạt động với khoảng thời gian vắng mặt kéo dài hay 2 đến 3 chiếc đang luân phiên nhau thường xuyên. Sự trở lại của A-50U có thể nhằm thực hiện nhiệm vụ trinh sát radar để chuẩn bị cho các hoạt động quy mô lớn, vì so với thiết bị bay không người lái, máy bay AEW&C cung cấp độ chính xác cao hơn trong việc nhắm mục tiêu và giám sát chiến trường.
![]() |
Một chiếc A-50 của quân đội Nga. Ảnh: RussianPlanes |
Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quân đội Nga được cho là đã mất 2 chiếc A-50. Theo đó, phía Ukraine tuyên bố bắn hạ 1 chiếc A-50 trên Biển Azov vào giữa tháng 1-2024 và 1 chiếc A-50 khác trên lãnh thổ Nga vào cuối tháng sau đó. Nga chưa bình luận về thông tin trên, trong khi tuyên bố của Ukraine cũng rất khó xác minh. Tuy nhiên, kể từ đó, không hề thấy có thông tin nào về việc phi đội A-50 của Nga tiếp tục hoạt động hay không tại Ukraine.
Máy bay A-50, giúp Nga tìm kiếm lực lượng phòng không Ukraine và điều phối các cuộc tấn công do các máy bay khác của Moscow thực hiện, chẳng hạn như máy bay phản lực thế hệ thứ tư. Trước khi xung đột Ukraine bùng nổ, Nga ước tính có 9 chiếc A-50 trong biên chế, bao gồm một số chiếc A-50U cải tiến.
Mặc dù không nhắc gì đến những chiếc A-50 được cho là bị loại khỏi vòng chiến đấu, lãnh đạo tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga từng cho biết dây chuyền sản xuất A-50 sẽ được tái khởi động, với mục tiêu không chỉ cho quân đội Nga mà còn xuất khẩu.
Trên thực tế, Nga cũng đang chế tạo phiên bản thế hệ mới của A-50 là A-100, nhưng chương trình này cho đến nay vẫn chưa thể cho ra đời chiếc A-100 nào có thể được đưa vào biên chế. Khó khăn của chương trình A-100 cũng phần lớn hơn do lệnh trừng phạt Nga từ phương Tây.
* Na Uy dùng cách “độc lạ” để thử nghiệm chiến thuật UAV
Theo Defense News, quân đội Na Uy đã tiến hành thả bóng tennis vào xe tăng để thử nghiệm các chiến thuật tấn công mới dành cho máy bay không người lái (UAV), dựa trên những gì đã thấy trên chiến trường Ukraine.
![]() |
Binh sĩ các nước NATO thực hiện một nội dung với UAV tại cuộc diễn tập Joint Viking ở Na Uy vào tháng 3-2025. Ảnh: Defense News |
Ý tưởng là để kiểm tra, đánh giá các chiến thuật thu thập thông tin tình báo và giám sát liên quan đến việc triển khai các loại UAV khác nhau, trong đó có dòng góc nhìn thứ nhất (FPV) vốn ngày càng phổ biến. Cụ thể, tại thử nghiệm, UAV mang theo những quả bóng tennis để mô phỏng tình huống tấn công xe bọc thép của Na Uy.
Quân đội Na Uy đang theo dõi chặt chẽ diễn biến đang diễn ra ở Ukraine liên quan đến tác chiến UAV. Chính cuộc xung đột này đã đưa UAV trở thành một trong những vũ khí then chốt trên chiến trường. Trong đó, quân đội Na Uy quan tâm đến các loại UAV tầm xa, có thể được điều khiển từ vị trí cách xa trận địa cũng như phù hợp với điều kiện lạnh giá.
MINH ANH (tổng hợp)
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.