Quân sự thế giới hôm nay (22-2): Ukraine tăng cường sản xuất pháo tự hành 2S22 Bohdana, Mỹ bán tên lửa AIM-120C-8 và bom SDB II cho Italy
Quân sự thế giới hôm nay (22-2) có những nội dung sau: Ukraine tăng cường sản xuất pháo tự hành 2S22 Bohdana, Mỹ chấp thuận bán tên lửa AIM-120C-8 và bom SDB II cho Italy, Thụy Điển viện trợ 10 tàu tấn công nhanh lớp CB90 cho Ukraine, Lục quân Anh thử nghiệm xe bọc thép Ajax trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Thụy Điển.
* Ukraine tăng cường sản xuất pháo tự hành 2S22 Bohdana
Để tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh xung đột leo thang, Ukraine, với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, đang đẩy nhanh việc sản xuất hệ thống pháo tự hành 2S22 Bohdana 2.0 155mm.
2S22 Bohdana là pháo tự hành đầu tiên do Ukraine sản xuất. Ảnh: mil.in.ua |
Động thái này nhấn mạnh sự thay đổi chiến lược của Ukraine trong việc tăng cường sản xuất quốc phòng trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực pháo binh và đạn dược, khi mà quy mô cuộc xung đột ngày càng rộng hơn, đặt ra yêu cầu phải giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp quân sự nước ngoài.
2S22 Bohdana, là một phần quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Ukraine, kết hợp hỏa lực mạnh với khả năng cơ động đặc biệt. Loại pháo tự hành này được thiết kế với pháo cỡ nòng 155mm, được tối ưu hóa cho các cuộc giao tranh tầm xa và triển khai nhanh chóng, đánh dấu sự chuyển đổi từ cỡ nòng thời Liên Xô sang cỡ nòng 155mm theo tiêu chuẩn NATO. Đây cũng là loại pháo tự hành đầu tiên do Ukraine sản xuất.
Quá trình phát triển 2S22 Bohdana được bắt đầu vào năm 2015, nhấn mạnh những nỗ lực của Ukraine trong việc tự chủ về công nghệ quốc phòng. Trải qua quá trình thử nghiệm và cải tiến, phiên bản 2.0 được gắn trên khung gầm xe tải MAZ-6317 và hiện đang được triển khai trong các lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine.
Phiên bản nâng cấp này được trang bị cabin bọc thép, giúp tăng cường khả năng bảo vệ. Pháo chính của vũ khí này được tích hợp thêm hệ thống điều khiển hỏa lực được vi tính hóa, cho phép ngắm và theo dõi mục tiêu tự động. Ukraine cũng đã tăng cường hệ thống hỏa lực để đảm bảo hiệu quả trên các địa hình khác nhau.
Về khả năng chiến đấu, phiên bản 2.0 vẫn sử dụng pháo cỡ nòng 155mm và có thể mang theo 20 quả đạn. Ngoài khả năng bắn đạn nổ mạnh/xuyên giáp (HE) với tầm bắn lên tới 42km và đạn hỗ trợ tên lửa (RAP) với tầm bắn 50km, Bogdana có thể bắn đạn dẫn đường chính xác M982 Excalibur 155mm của Mỹ.
Mặc dù có trọng lượng chiến đấu đáng kể lên tới 25 tấn nhưng nó có khả năng cơ động vượt trội, đạt tốc độ lên tới 80km/giờ trên đường trường và 30km/giờ trên địa hình hiểm trở.
* Mỹ chấp thuận bán tên lửa AIM-120C-8 và bom SDB II cho Italy
Mới đây, Mỹ đã phê duyệt 2 gói bán khí tài quân sự cho nước ngoài (FMS) cho Italy. Gói đầu tiên bao gồm 24 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-8 (AMRAAM) và các thiết bị liên quan, ước tính trị giá 69,3 triệu USD. Gói thứ 2 liên quan đến việc bán bom đường kính nhỏ II (SDB II), hay còn gọi GBU-53/B StormBreaker, trị giá 150 triệu USD.
Tên lửa AIM-120 (AMRAAM) có tầm bắn lên tới 105km đối với biến thể AIM-120D. Ảnh: RTX |
AIM-120 là tên lửa không đối không tầm trung được trang bị động cơ đẩy tên lửa nhiên liệu rắn và radar dẫn đường chủ động, cho phép nó có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Tương thích với nhiều nền tảng máy bay chiến đấu, tên lửa AIM-120 có trọng lượng 161,5 kg, mang đầu đạn nổ phân mảnh cao, có thể đạt tốc độ Mach 4 và có tầm bắn lên tới 105km đối với biến thể AIM-120-D.
AIM-120C-8 là biến thể xuất khẩu của AIM-120D-3, vẫn giữ nguyên động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn như trong các biến thể AIM-120C-5 và C-7. Tên lửa này được tích hợp bộ thu hệ thống định vị vệ tinh GPS và đường truyền dữ liệu hai chiều, mở rộng đáng kể phạm vi phóng của tên lửa. Đáng chú ý, tầm phóng của AIM-120C-8 đã tăng khoảng 50% so với AIM-120C-7, đạt tới 180km.
Bom SDB II được tích hợp trên tiêm kích F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ. Ảnh: USAF |
Bom đường kính nhỏ II (SDB II), hay còn gọi GBU-53/B StormBreaker, được phát triển để tấn công nhiều mục tiêu trên bộ và trên biển, bao gồm các mục tiêu cố định và di động.
Vũ khí này được trang bị hệ thống tìm kiếm đa chế độ, kết hợp radar bước sóng milimet, hồng ngoại và dẫn đường laser bán chủ động cùng với GPS và hệ thống dẫn đường quán tính giúp đảm bảo theo dõi và tấn công mục tiêu chính xác, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào máy bay để tiếp cận và bám bắt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết.
Loại bom lượn này có chiều dài khoảng 1,75m và nặng 92kg, trong đó đầu đạn nặng 47kg, nhẹ hơn hầu hết các loại bom thả từ máy bay khác. Kích thước nhỏ gọn của vũ khí này là một lợi thế vì nó giúp cho máy bay trở nên khó bị phát hiện hơn. Nó có thể bay hơn 64km để tấn công các mục tiêu di chuyển trên đất liền và trên biển.
Theo nhà sản xuất, StormBreaker có tầm bắn gần 110km đối với các mục tiêu cố định và hơn 72km đối với các mục tiêu di động.
* Thụy Điển viện trợ 10 tàu tấn công nhanh lớp CB90 cho Ukraine
Theo thông tin đăng tải trên trang Navy Recognition, chính phủ Thụy Điển vừa công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 7,1 tỷ SEK (tương đương 630 triệu euro) cho Ukraine. Đây là gói viện trợ thứ 15 và cũng là gói viện trợ lớn nhất từ trước đến nay mà Thụy Điển gửi tới Ukraine.
Tàu tấn công nhanh lớp CB90 của Thụy Điển trong cuộc tập trận Aurora 23. Ảnh: Swedish Armed Forces |
Cụ thể, gói viện trợ này bao gồm 10 tàu tấn công nhanh Stridsbat 90, 20 tàu chở quân cùng các loại vũ khí tác chiến dưới nước.
CB90, hay còn gọi là Stridsbåt 90 H (alv) hoặc Strb 90 H, là lớp tàu tấn công nhanh do công ty Dockstavarvet phát triển cho Hải quân Thụy Điển và đã được một số quốc gia sử dụng cho mục đích quân sự.
Tàu có thể hoạt động như tàu phòng thủ bờ biển, tàu tuần tra hoặc tàu hỗ trợ tác chiến đặc biệt. Nó cũng có thể được sử dụng cho các hoạt động trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.
CB90 có chiều dài tổng thể 15,9m, rộng 3,8m, mớn nước nông, lượng giãn nước tiêu chuẩn là 13 tấn và khi đầy tải 20,5 tấn. Được trang bị hai động cơ diesel Scania DSI14 V8 công suất 625 mã lực, CB90 có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 74 km/giờ ở vùng nước nông ven bờ, tầm hoạt động 444,5km khi di chuyển với vận tốc 37,4km/giờ.
Vũ khí được trang bị trên tàu bao gồm 3 súng máy Browning M2HB và súng máy 12,7mm (hoặc súng phóng lựu 40mm) được cố định trên giá đỡ phía sau buồng lái, súng phóng lựu Mk 19, 4 quả thủy lôi hoặc 6 quả mìn sâu.
* Lục quân Anh thử nghiệm xe bọc thép Ajax trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Thụy Điển
Theo Army Recognition, xe bọc thép trinh sát Ajax của Lục quân Anh mới đây đã vượt qua bài thử nghiệm trên địa hình băng giá ở Lapland, Thụy Điển.
Xe bọc thép Ajax của Anh được thử nghiệm trong điều kiện thời tiết cực lạnh ở Thụy Điển. Ảnh: UK MoD |
Bài thử nghiệm đã chứng minh khả năng hoạt động hiệu quả của phương tiện này trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như khả năng bắn chính xác khi đang di chuyển.
Xe bọc thép Ajax được trang bị công nghệ tình báo, giám sát, thu thập thông tin mục tiêu và trinh sát (ISTAR) tiên tiến, đảm bảo tiêu chuẩn cao về khả năng hoạt động. Hiệu suất của phương tiện ở Lapland đã thể hiện sự sẵn sàng cạnh tranh với các phương tiện trinh sát hàng đầu thế giới.
Dòng xe bọc thép Ajax có 6 biến thể, mỗi biến thể được thiết kế để nâng cao tính linh hoạt trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày và đêm. Các cuộc thử nghiệm ở Thụy Điển nhấn mạnh cam kết của Lục quân Anh trong việc duy trì một lực lượng linh hoạt và tiên tiến về công nghệ, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của chiến tranh hiện đại trong mọi môi trường.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.