Quân sự thế giới hôm nay (29-5): Nga “tóm sống” robot THeMIS, Ba Lan mua tên lửa tầm xa của Mỹ
Quân sự thế giới hôm nay (29-5-2024) có những nội dung sau: Nga “tóm sống” robot THeMIS ở Ukraine, Ba Lan mua số lượng lớn tên lửa tầm xa của Mỹ, Philippines hoàn tất hợp đồng mua trực thăng của Thổ Nhĩ Kỳ.
* Nga “tóm sống” robot THeMIS ở Ukraine
Defense News đưa tin, quân đội Nga có thể đã thu được một xe tự hành không người lái (UGV) THeMIS của phía Kiev sau 2 năm công bố phần thưởng cho việc bắt giữ phương tiện này tại Ukraine.
Cụ thể, một số tài khoản trên mạng xã hội Telegram của Nga đăng tải những bức ảnh được cho là mẫu THeMIS nhưng dường như đã có hư hại. Mặt khác, còn có một phần có thể nhìn thấy được của quốc kỳ Ukraine được in ở góc trên bên phải phía trước, xác nhận đây là một trong những hệ thống được cung cấp cho Kiev.
Hình ảnh được cho là robot THeMIS mà quân đội Nga thu được ở Ukraine. Ảnh: Defense News |
Chuyên gia Federico Borsari tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA) - một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington (Mỹ) nhận định, việc Nga thu được robot THeMIS có thể hữu ích khi mang lại cho Nga những ý tưởng hoặc khái niệm thay thế về kỹ thuật và thiết kế, và quan trọng nhất là quyền truy cập vào các loại cảm biến và công nghệ mã hóa thông tin liên lạc mà hệ thống đó sử dụng.
Trước đó, từ năm 2022, một tổ chức tư vấn có liên kết chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã treo thưởng 1 triệu ruble (tương đương 11.000USD) cho bất cứ binh sĩ Nga nào thu được ThEMIS. Con số này được nhân đôi kể từ đầu năm nay.
ThEMIS là một phương tiện do hãng Milrem Robotics của Estonia sản xuất cho nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và người bị thương trên chiến trường, hoặc rà phá bom mìn, trinh sát, làm bệ phóng máy bay không người lái (UAV). Đặc biệt, robot ThEMIS có thể được vũ khí hóa và biến đổi thành một robot chiến đấu. Milrem Robotics đã ký thỏa thuận với Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Ukraine (Ukroboronprom) phát triển robot ThEMIS cho quân đội nước này.
* Ba Lan mua số lượng lớn tên lửa tầm xa của Mỹ
Theo Defense Industry Europe, ngày 28-5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysh ký hợp đồng mua tên lửa không đối đất tầm xa JASSM-ER của Mỹ trị giá 735 triệu USD.
Số lượng chính xác tên lửa JASSM-ER mà Ba Lan đặt hàng vẫn chưa được tiết lộ. Bộ Quốc phòng Ba Lan tuyên bố rằng hợp đồng bao gồm “vài trăm” tên lửa. Tuy nhiên, vào tháng 3-2024, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt khả năng bán tối đa 821 tên lửa JASSM-ER cho Ba Lan. Thời gian giao hàng từ năm 2026 đến 2030.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysh ký hợp đồng mua tên lửa JASSM-ER. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ba Lan |
Hiện không quân Ba Lan đều có các tên lửa JASSM và JASSM-ER trong kho vũ khí dành cho máy bay chiến đấu F-16.
Tên lửa JASSM do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) thiết kế và phát triển, được đưa vào sản xuất từ năm 1998. Tên lửa được áp dụng công nghệ tàng hình, có khả năng tấn công cả mục tiêu cố định và di động.
Gần đây, nhà sản xuất phát triển thêm biến thể nâng cấp mang tên JASSM-ER. Về hình thức bên ngoài JASSM-ER giống 70% và các thiết bị điện tử giống tới 95% so với phiên bản JASSM.
Tên lửa JASSM-ER có chiều dài 4,27m, đường kính 550mm, trọng lượng phóng 1.023kg, được trang bị đầu đạn xuyên phá nặng khoảng 450kg, tầm bắn 1.000km (gấp 2,5 lần so với JASSM - 370km). Tầm bắn nâng cao là yếu tố cho phép máy bay mang loại vũ khí này có thể khai hỏa trước khi lọt vào vùng được bảo vệ bởi hỏa lực phòng không của đối phương.
Tên lửa JASSM-ER hoạt động nhờ vào sự dẫn đường của hệ thống định vị toàn cầu GPS và hệ thống dẫn đường quán tính để tìm các mục tiêu quan trọng của đối phương trong suốt hành trình bay. Ở giai đoạn cuối, tên lửa sẽ sử dụng thiết bị dò hồng ngoại để phát hiện chính xác một mục tiêu cụ thể trước khi lao vào tiêu diệt, với sai số lệch mục tiêu (CEP) khoảng 3m.
Ngoài việc sử dụng loại đầu đạn thông thường, JASSM-ER còn có thể mang đầu đạn hạt nhân.
* Philippines hoàn tất hợp đồng mua trực thăng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ
Shephard Media dẫn thông báo của Không quân Philippines cho biết lực lượng này đã nhận 2 trực thăng vũ trang T129 ATAK cuối cùng từ Tập đoàn Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI).
Tháng 7-2020, Bộ Quốc phòng Philippines ký hợp đồng mua 6 trực thăng trinh sát và tấn công chiến thuật T129 ATAK với tổng giá trị khoảng 270 triệu USD từ Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trong chương trình Horizon 2 nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang của nước này.
Hai chiếc trực thăng T129 ATAK cuối cùng trong hợp đồng giữa Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ đã được bàn giao. Ảnh: The Aviationist |
Phi đội T129 ATAK sẽ giúp tăng cường năng lực cho các đơn vị trực thăng vũ trang hạng nhẹ của Philippines như MG-520 và AW-109E, đang được sử dụng cho các nhiệm vụ chống khủng bố và hỗ trợ mặt đất.
T129 ATAK là phiên bản được cấp phép từ thiết kế AW129 Mangusta của Italy, với 2 động cơ, 2 chỗ ngồi, hoạt động trong mọi thời tiết, có thể được sử dụng trong vai trò chống thiết giáp, trinh sát vũ trang, tấn công mặt đất, hộ tống, hỗ trợ hỏa lực và phòng không tầm ngắn. Thậm chí, trực thăng được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công và trinh sát trong môi trường nhiệt cao và địa lý khắc nghiệt cả ban ngày và ban đêm.
Máy bay dài 14,54m; cao 3,4m; trọng lượng cất cánh tối đa 5.056kg; tốc độ tối đa 281km/giờ; tầm bay 537km; trần bay 4.572m. T129 ATAK được trang bị một pháo quay cỡ 20mm ba nòng ở mũi với 500 viên đạn và 76 đạn rocket 70mm không dẫn đường dùng để yểm trợ đường không. Trực thăng cũng mang theo 8 tên lửa chống tăng tầm xa UMTAS 160mm, 16 tên lửa CIRIT 70mm, 8 tên lửa không đối không tầm ngắn Stinger phóng từ trên không.
MINH ANH (tổng hợp)
Tin mới
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.