Quân sự thế giới hôm nay (7-10): Kalashnikov tăng cường sản xuất pháo tự động GSh-301 cho Su-30, Su-35
Quân sự thế giới hôm nay (7-10-2024) có những thông tin sau: Kalashnikov tăng cường sản xuất pháo tự động 30mm GSh-301 cho máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35; hệ thống phòng không Iran có những khí tài nước ngoài nào? Quân đội Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào Iran?
* Nga tăng cường sản xuất pháo tự động 30mm GSh-301 cho Su-30 và Su-35
Nhà sản xuất vũ khí tự động và bắn tỉa lớn nhất của Nga Kalashnikov mới đây công bố sẽ tăng cường sản xuất pháo tự động 30mm GSh-301 trang bị cho các máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35. Mặc dù số liệu cụ thể về quy mô gia tăng sản lượng vẫn chưa được tiết lộ, thông tin này cho thấy nhu cầu tăng cao đối với khí tài quân sự trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Pháo tự động GSh-301 có thiết kế gọn, nhẹ. Ảnh: Bulgarian Military |
Bắt đầu được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1983 tại Nhà máy Izhevsk (hiện thuộc quyền sở hữu của Kalashnikov), GSh-301 là pháo tự động một nòng 30mm nổi tiếng với hỏa lực mạnh, tốc độ cao (1.500 phát/phút) phục vụ các hoạt động không chiến tầm ngắn, có thể trang bị cho nhiều mẫu máy bay chiến đấu của Nga như MiG-29, MiG-29K/KUB, Su-27, Su-30, và Su-35. Pháo hiệu quả với thiết kế nhỏ gọn, nhẹ, có khả năng tích hợp liền mạch với nhiều nền tảng tiêm kích khác nhau. Với trọng lượng chỉ khoảng 46kg, tầm bắn hiệu quả 1.800m, GSh-301 không ảnh hưởng tới khả năng cơ động của máy bay được trang bị.
Pháo tự động GSh-301 đến nay vẫn là một vũ khí quan trọng trong các hoạt động quân sự của Nga, đặc biệt là trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cho đến nay vẫn chưa ghi nhận vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng xảy ra với GSh-301 trong thực chiến, chứng tỏ pháo có độ tin cậy cao, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phức tạp của các hoạt động tác chiến trên không, nhất là trong các trường hợp không chiến cường độ cao thì bất kỳ trục trặc nhỏ nào cũng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng trong tác chiến.
Việc tăng cường sản xuất pháo tự động GSh-301 có thể xuất phát từ nhu cầu thay thế các thiết bị cũ hoặc hư hỏng trên chiến trường. Ảnh: Bulgarian Military |
Việc tăng cường sản xuất GSh-301 có thể xuất phát từ nhu cầu thay thế các thiết bị cũ hoặc hư hỏng trên chiến trường. Trọng tâm đặc biệt được đặt vào các mẫu máy bay Sukhoi như Su-30, Su-35.
* Quân đội Israel chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào Iran?
Theo Albawaba News của Jordan, Văn phòng báo chí chính phủ Israel cho biết quân đội nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công lớn vào Iran. Đài phát thanh Lục quân Israel cũng cho biết cuộc tấn công đã được lên kế hoạch và nếu xảy ra sẽ không phải chỉ là trên quy mô nhỏ.
Nguồn tin quân sự khác Albawaba News tiếp cận được cho biết, “quân đội đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc tấn công” và đây sẽ là một động thái phản ứng mạnh mẽ đối với Iran. Phía quân đội cũng cho biết Israel đã tính toán và dự tính sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh trong khu vực khi tiến hành hoạt động quân sự này.
Theo Nhật báo Yedioth Ahronoth của Israel, giới chức quân sự nước này đã gặp gỡ các đại diện từ “các quốc gia thân thiện” vào sáng 5-10 với mục đích lên kế hoạch cho động thái đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran đêm 1-10, rạng sáng 2-10. Tờ báo cũng cho biết Washington và Tel Aviv sẽ phối hợp trong hoạt động quân sự này, mặc dù máy bay Mỹ được cho là sẽ không tham gia.
Quân đội Israel chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào Iran. Ảnh minh họa: Albawaba News |
Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định ông phản đối bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Mặc dù chưa đưa ra khung thời gian hành động cụ thể, các quan chức quân sự và chính phủ Israel đã thề sẽ có phản ứng quân sự tương xứng đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Một số chính khách Israel đã kêu gọi tấn công các cơ sở hạ tầng hạt nhân và dầu mỏ của Iran. Trong khi đó, Iran đã cảnh báo nếu Israel có động thái trả đũa, Iran sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng của Israel trên quy mô lớn.
* Hệ thống phòng không Iran có những khí tài nước ngoài nào?
Lực lượng vũ trang Iran bắt đầu đầu tư đáng kể vào các hệ thống phòng không vào những năm của thập niên 1980 với việc mua lại các hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung HQ-2 của Trung Quốc. Sau khi xích lại gần Liên Xô vào năm 1989, Iran đã mua các hệ thống phòng không tầm xa S-200D do Liên Xô chế tạo đã qua sử dụng, có tầm ngắm lên tới 300km, phủ sóng toàn bộ không phận của mình.
Khi Mỹ và các đồng minh phương Tây tiếp tục xem xét các lựa chọn tấn công Iran sau Iraq vào những năm 2000, Iran đã đặt ưu tiên hàng đầu cho các hệ thống phòng không tầm xa có tính cơ động cao của Nga, cụ thể là hệ thống S-300PMU-1. Tuy nhiên, năm 2010, Nga đã dừng việc bán S-300 trước khi bất kỳ đợt giao hàng nào được thực hiện. Mặc dù Iran đã mua được hệ thống tên lửa tầm ngắn Tor-M1 của Nga vào đầu những năm 2000, nhưng nước này không thể thực hiện được các thương vụ mua sắm đáng kể nào ngay sau đó.
Iran hiện đang sở hữu hệ thống phòng không S-300 mua của Nga. Ảnh: Military Watch |
Năm 2015, Nga dỡ bỏ lệnh hạn chế bán hệ thống S-300 và cung cấp cho Iran các hệ thống S-300PMU-2 mạnh hơn so với phiên bản S-300PMU-1 trước đó. Các hệ thống tên lửa này ban đầu được thiết kế cho các đơn đặt hàng từ Syria, nhưng dưới áp lực của phương Tây, Moscow đã rút khỏi thỏa thuận này và từ chối cung cấp chúng cho Damascus.
Bên cạnh S-300, các nguồn tin từ Nga cho biết, vào năm 2020 Iran đã mua hệ thống radar tầm xa Rezonans-NE, có khả năng cung cấp nhận thức tình huống tốt hơn và có tầm bao phủ rộng hơn nhiều so với bất kỳ hệ thống radar nào trước đó của Iran. Hệ thống radar này được cho là đã phát hiện được máy bay F-35 của Mỹ và theo dõi chúng chặt chẽ, nắm chắc cả lộ trình của các chuyến bay F-35, khẳng định rằng đây là một radar đáng tin cậy. Cũng trong năm 2020, Iran được cho là đã mua thêm tên lửa mới (có thể là tên lửa 48N6DM, có tầm bắn lên tới 250km), cho hệ thống phòng không S-300.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.