Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo “hệ sinh thái” để phát triển công nghiệp văn hóa
Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ được thành phố (TP) Hà Nội tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ này. Hà Nội còn là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được xây dựng, TP cũng đặc biệt đề xuất các cơ chế chính sách để tạo “hệ sinh thái” cho phát triển công nghiệp văn hóa, thực hiện mục tiêu đưa văn hóa thành nguồn lực phát triển.
Bổ sung nhiều quy định đặc thù
Với vai trò là Thủ đô của cả nước, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là không thể tách rời, theo đó, việc có những chính sách, cơ chế đặc thù, cụ thể để các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội phát triển là hết sức cấp thiết hiện nay.
Luật Thủ đô năm 2012 ngoài các quy định chung đã có riêng Điều 11 - Bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy vậy, các quy định đa số mới chỉ dừng ở mức đưa ra các định hướng chính sách và thiếu vắng những quy định cụ thể khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tính đặc thù và vai trò quan trọng của Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội cần tập trung nguồn lực để phát huy giá trị các di sản văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: nhiepanhdoisong.vn |
Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, ngoài các quy định mang tính định hướng về phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, Dự thảo đã có các quy định đặc thù để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội như: Hình thành "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa"; Quy định về dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa được hưởng các ưu đãi; Cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô.
Theo Thạc sĩ Trần Dũng Hải (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), bên cạnh các tiến bộ đặc biệt, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang có sự phân biệt trong ưu đãi đối với các ngành công nghiệp văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó, thuật ngữ “Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa” đang cho thấy sự thiên lệch về hoạt động thương mại, dịch vụ dù Quy định về tiêu chí, điều kiện và quy chế hoạt động chung của các Khu thúc đẩy thương mại và dịch vụ lại nằm trong Điều 23 - Bảo vệ và phát triển văn hóa.
Thạc sĩ Trần Dũng Hải kiến nghị có thể sửa thuật ngữ "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa" thành "Khu thúc đẩy văn hóa và thương mại", lấy hoạt động văn hóa, bảo tồn các ngành nghề truyền thống làm nền tảng then chốt, hoạt động thương mại, dịch vụ là hoạt động bổ sung. Sửa đổi này sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu của khách du lịch, khách tham quan, phục vụ phát triển hoạt động du lịch văn hóa, tránh tình trạng biến tướng, thương mại hóa các khu có tính chất đặc thù này trong thực tiễn triển khai sau này.
Tại Điều 23 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điểm mới cụ thể hóa ưu đãi bằng biện pháp kinh tế, khi áp dụng thuế suất 5% đối với thu nhập của doanh nghiệp đầu tư trong các ngành công nghiệp văn hóa.
Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội và Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp tổ chức. |
Theo các chuyên gia, việc quy định về đối tượng được hưởng thuế là các ngành công nghiệp văn hóa là một quan điểm tương đối tiến bộ, hướng tới khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa một cách chuyên nghiệp theo hướng công nghiệp văn hóa thay cho tư duy đầu tư, kinh doanh mang tính manh mún, thiếu đồng bộ như trước.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, bên cạnh các ngành công nghiệp văn hóa cần có chính sách ưu đãi về thuế xuất đối với các nguồn thu được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học, dạy nghề có liên quan đến văn hóa để thúc đẩy sự phát triển mang tính bền vững. Mặt khác, cần có sự xác định rõ giữa đối tượng mới tham gia đầu tư vào công nghiệp văn hóa với các đối tượng đầu tư mở rộng, bởi, đối tượng mới tham gia đầu tư mới là đối tượng thường gặp nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ chính sách.
Tập trung đầu tư phát huy các nguồn lực
PGS,TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì cho rằng: Nếu xác định di sản văn hóa đều là đối tượng để tập trung nguồn lực đầu tư như Dự thảo Luật hiện nay thì với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê, sẽ là một con số khổng lồ (cả về nhân lực và tài chính).
PGS, TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. |
Dù vậy, theo bà Hương, việc tập trung nguồn lực xác định các di sản văn hóa có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, thiết kế) là cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nếu tập trung đầu tư cho những di sản có tiềm năng, đối tượng được đầu tư sẽ thu hẹp hơn nhiều về số lượng, điều đó giúp Hà Nội đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và thực sự có thể tập trung nguồn lực như Dự thảo Luật đề ra. Các giá trị tiêu biểu của những di sản này sẽ là điều kiện, là “nguyên liệu” tốt để phát huy hiệu quả, nhất là phát triển công nghiệp văn hóa.
TS Phạm Đắc Thi (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cho rằng, nguồn nhân lực chính là thành tố cấu thành công nghiệp văn hóa, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh cho công nghiệp văn hóa Thủ đô. Tuy nhiên, các giải pháp chủ yếu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, còn vấn đề nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa hiện chưa được đề cập cụ thể.
“Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra, nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng. Phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công ngành công nghiệp văn hóa. Vì thế, để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, cần bắt đầu từ các trẻ em được giáo dục, hướng nghiệp, kết nối với xã hội để sẵn sàng cho tương lai” - TS Phạm Đắc Thi cho hay.
Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới. Với những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù” về văn hóa đang được xây dựng, kỳ vọng sẽ đưa mục tiêu kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
HUY DƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.