Sức hút du lịch ở bản Mông Cát Cát
Sở hữu, phát huy những tiềm năng du lịch đa dạng và hấp dẫn, bản Mông Cát Cát đã và đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách mọi miền khi đến với phố núi Sa Pa.
Bản Cát Cát cách trung tâm thị xã Sa Pa (Lào Cai) khoản 2km, bản thuộc xã Hoàng Liên, nằm cheo leo dưới chân đỉnh Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Nơi đây, từ lâu được biết đến là một bản Mông bình yên và thơ mộng ở vùng Tây Bắc, được ví như thiên đường giữa chốn đại ngàn, là điểm dừng chân của du khách mọi miền khi đến khám phá Sa Pa vào bất kỳ mùa nào trong năm. Vùng đất này là nơi sinh sống của hơn 90 hộ dân người dân tộc Mông. Tuy có địa hình hiểm trở nhưng bản Cát Cát lại sở hữu những tiềm năng du lịch vô cùng phong phú và tươi đẹp, trở thành điểm nhấn của du lịch Sa Pa.
Bản Cát Cát giữa mùa lúa chín. |
Ông Mã A Câu (sinh năm 1974, dân tộc Mông), trưởng bản Cát Cát chia sẻ: “Với lợi thế về tiềm năng du lịch, được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, bản Cát Cát luôn coi làm du lịch là hướng đi bền vững để góp phần làm cho du lịch Sa Pa ngày càng phát triển. Người dân Cát Cát tham gia làm hướng dẫn viên và trực tiếp tổ chức các dịch vụ du lịch trong bản để đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách, nhờ đó mà có thu nhập chính đáng. Cuộc sống của bản cũng nhờ du lịch mà đổi thay từng ngày”.
Đứng từ trên cao nhìn xuống, du khách có thể quan sát được tổng thể bản Cát Cát. Đó là một bức tranh thơ mộng và hữu tình về một bản làng dưới chân núi Hoàng Liên. Phía bên kia sườn núi là bản làng với những căn nhà gỗ nhỏ xinh gợi lên nhịp sống bình yên nơi sơn thẳm. Giữa bản là con suối chảy từ phía đại ngàn tạo thành những dòng thác đưa nước về bản làng và tạo thành những dòng suối nhỏ chảy quanh những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh triền núi. Những con đường mòn quanh co, chạy quanh sườn núi và thung lũng sẽ đưa du khách đến cận cảnh chiêm ngưỡng bản làng Cát Cát.
Những ngôi nhà gỗ ở Cát Cát. |
Dừng chân ở bản Cát Cát, con người như hòa mình vào một không gian sống chậm giữa núi rừng đại ngàn, giữa bản làng đẹp như trong mơ. Ở đây, sắc màu cổ kính được gợi lên từ màu gỗ những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông, ở sắc màu thổ cẩm được đồng bào giăng mắc trước cửa nhà và những âm sắc của sáo, khèn Mông du dương, bay bổng khắp bản làng. Cát Cát có vẻ hoang sơ của núi rừng hòa vào thanh âm của suối, của thác đại ngàn, có vẻ đẹp hùng vĩ của dáng vẻ triền núi, của những tảng đá bên ven suối, có hương vị của hoa rừng khoe sắc bốn mùa, có cái dịu mát của tiết trời. Tất cả hòa điệu làm nên một bản Mông Cát Cát hấp dẫn lòng người, ai đến nơi đây cũng đều tìm được cảm giác sống chậm, xua tan đi bao ưu phiên để hòa mình cùng núi rừng.
Ở trung tâm bản Cát Cát là không gian trải nghiệm văn hóa bản làng của du khách khi đến đây. Phía trên là dòng thác Tiên Sa đổ nước từ trên cao xuống trắng xóa, vang dội khắp không gian, phía dưới là dòng suối trong vắt chảy qua những căn nhà gỗ mộc mạc, những chiếc cọn nước khổng lồ quay đều đều. Chiếc cầu treo vắt ngang dòng suối cũng là cổng đi vào khám phá bản Cát Cát. Bên bờ suối, du khách được trải nghiệm thăm nhà của đồng bào Mông với cách bài trí của cổ điển vừa hiện đại, mang đậm chất văn hóa bản địa. Du khách được thử cảm giác cưỡi ngựa, chụp ảnh ngay bên ven suối và mặc những bộ trang phục dân tộc trong những ngôi nhà được tạo dựng bằng tre gỗ, rơm rạ, đất theo phong cách cổ trang
Khung cảnh bản Cát Cát thơ mộng dưới nắng chiều. |
Vào mùa nước đổ hay mùa lúa chín, bản Cát Cát đẹp tựa như một thiên đường giữa núi rừng. Cả bản làng như hòa vào những sóng lúa đẹp đến nao lòng, ngời lên sức sống, vẻ đẹp bất tận của cuộc sống và con người nơi đây. Trên triền núi, những sóng lúa bậc thang nhấp nhô, nối tiếp như chạy tới chân trời. Du khách dạo bước trên những con đường nhỏ để vừa hòa mình vào không gian bản làng vừa chiêm ngưỡng những đường viền ruộng bậc thang tuyệt đẹp lúc bình minh hay khi chiều về. Những lúc đó, cả bản Cát Cát như bồng bềnh trong biển mây, ánh nắng chiều rọi chiếu từ đỉnh Hoàng Liên Sơn làm cho không gian trở nên huyền ảo đầy bí ẩn.
Giữa bản làng Cát Cát, du khách mọi miền sẽ có cơ hội khám phá, trải nghiệm văn hoá bản địa vô cùng độc đáo và cổ xưa. Đồng bào nơi đây chân chất, mộc mạc và mến khách. Họ đón tiếp du khách bằng vẻ tự nhiên, cởi mở và thân thiện. Những món ăn bản địa sẽ hấp dẫn du khách như xôi ngũ sắc, mèn mén, cơm lam, lợn bản, gà nướng, rau rừng, cá suối…Bên những căn nhà nhỏ hay những homestay, du khách sẽ tìm được cảm giác thư thái và bình yên, cảm nhận được những sắc màu văn hoá và chất hoang sơ của núi rừng.
Đối với du khách mọi miền, khi đến với quần thể du lịch Sa Pa thì Cát Cát luôn là điểm đến được lựa chọn hàng đầu. Đa số du khách thích thú khi dạo bước trên những con đường mòn dẫn vào bản để bắt đầu chuyến trải nghiệm thú vị ở bản làng. Các dịch vụ được du khách lựa chọn nhiều đó là lựa chọn không gian homestay dọc con đường vào bản và ở trung tâm bản, lựa chọn những điểm check-in từ trên cao để chiêm ngưỡng bức tranh tổng thể của Cát Cát. Cùng với đó là các dịch vụ tạo sức hút lớn đối với du khách như: Chụp ảnh trong trang phục dân tộc tại những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường, cưỡi ngựa bên ven suối để chụp ảnh hay trải nghiệm ruộng bậc thang mùa lúa chín. Du khách còn lựa chọn không gian tại các góc quán nhỏ ven đường vào bản, bên ven suối để nhâm nhi cốc cafe, tìm cảm giác thư thái.
Cát Cát là điểm dừng chân lý tưởng của du khách. |
Anh Chu Tuấn Anh (Phú Thọ) cho biết: "Bản du lịch Cát Cát luôn giữ được những gì vốn có, tôi thấy đây là sức hút quan trọng đối với du khách mọi miền. Khi đến đây, mọi thứ đều hấp dẫn và được chúng tôi lựa chọn để trải nghiệm".
Chị Nguyễn Phương Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Bản Cát Cát luôn hấp dẫn tôi và gia đình bởi vẻ hoang sơ và thơ mộng của nó. Ở đây, mọi dịch vụ cũng đều rất thuận tiện và hợp lý. Tôi cùng người thân luôn lựa chọn Cát Cát để dừng chân mỗi khi đến Sa Pa".
Trong những năm gần đây, bản Cát Cát không ngừng đổi mới về phát triển các dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách mọi miền. Mỗi năm, bản đón hàng ngàn du khách đến khám phá và để lại những ấn tượng tốt. Tuy cơ sở hạ tầng và các không gian dừng chân tại bản được phát triển, kiến thiết và đa dạng hơn nhưng Cát Cát không bị mất đi vẻ đẹp hoang sơ, văn hoá bản địa và không gian bản làng. Bởi theo đồng bào dân tộc Mông nơi đây, đó mới chính là điểm xuất phát quan trọng để bản phát triển du lịch, làm nên sức hút và là yếu tố không thể thiếu để níu chân du khách.
Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.