Sức hút từ Tuần phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Ngày 6-5, khép lại Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện nhưng dư âm thì vẫn đọng lại mãi trong lòng khán giả. Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về sự kiện đã thu hút đông đảo công chúng với những bộ phim mang tính lịch sử.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ mà Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi to lớn để kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu chấm hết cho sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân ở nước ta. Với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự đột phá, đánh dấu lần đầu tiên một dân tộc thuộc địa đánh bại thực dân, đế quốc xâm lược.
Tuần phim chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024) lựa chọn 8 tác phẩm tiêu biểu giúp khán giả có thêm cái nhìn rõ nét, đầy đủ hơn về Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân. |
Bên cạnh đó, bản thân mỗi buổi chiếu cũng là một sự kiện góp phần ca ngợi các giá trị và ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Rạp chiếu phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã trở thành nơi gặp gỡ của những người yêu lịch sử, yêu Bộ đội Cụ Hồ, tri ân sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh cho nền hòa bình, độc lập hôm nay.
PV: Là đơn vị có thế mạnh về phim tài liệu, ý nghĩa của 4 tác phẩm phim tài liệu được công chiếu dịp này là gì, thưa đồng chí?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Tất cả các bộ phim tài liệu trình chiếu trong Tuần phim này đều do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất. Với cùng đề tài Điện Biên Phủ, các thế hệ người làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân luôn xác định: Mỗi tác phẩm phải vừa thể hiện được tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng, vừa có nét riêng độc đáo. Được sản xuất trong những khoảng thời gian tương đối xa nhau, các bộ phim có những nét riêng, góc nhìn riêng về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Phim tài liệu “Nhìn lại Điện Biên” được sản xuất năm 1994. Bên cạnh việc miêu tả các diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ phim khẳng định: Với lòng bao dung, nhân ái và tinh thần khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, ngày nay, nhân dân Việt Nam đã cùng nhân dân Pháp bắt tay xây dựng mối quan hệ hợp tác, hướng đến tương lai.
Những phim đề tài lịch sử thu hút đông đảo khán giả. |
Khán giả xếp hàng vào xem phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
“Cột mốc vàng Điện Biên Phủ” là bộ phim tài liệu nhựa do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất năm 2004. Phim đã tái hiện hành trình làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ một cách chân thực. Bên cạnh đó, phim có tính chính luận cao, đã phân tích các khía cạnh chiến lược, quân sự, chính trị, hậu cần, ý nghĩa và tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ, chứng minh đây là một cột mốc vàng trong lịch sử chiến tranh cách mạng và lịch sử dân tộc ta.
Phim “Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến lịch sử” nằm trong dự án phim dài 22 tập có tựa đề chung “Con đường đã chọn” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất năm 2019. Phim có tiết tấu chặt chẽ, hình ảnh tư liệu được khai thác công phu với một số tư liệu mới. Điểm mới của bộ phim là trong tường thuật, phân tích, bình luận, đã tham khảo thông tin từ nhiều phía, gồm các cựu chiến binh, nhà nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế.
Phim tài liệu “Hùng ca Điện Biên Phủ”, hoàn thành đầu năm 2024, lấy chủ đề ca ngợi vai trò của những người chiến sĩ trong mặt trận đặc biệt - mặt trận văn hóa văn nghệ. Với cách tiếp cận mềm mại, phim mang đến cho khán giả những cảm xúc tinh tế, bên cạnh cảm hứng hùng ca vốn thường thấy ở các tác phẩm về Điện Biên Phủ.
PV: Bộ phim tài liệu “Hùng ca Điện Biên Phủ” là bộ phim mới nhất do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, so với những tác phẩm điện ảnh tài liệu đã thực hiện trước đây thì theo đồng chí, bộ phim này có những điểm gì đặc sắc?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Phim có hai điểm đặc biệt: Thứ nhất, như tôi đã nói ở trên, về chủ đề, “Hùng ca Điện Biên Phủ” nói về một lực lượng đặc biệt đã góp phần vào Chiến thắng lịch sử 70 năm trước – đó là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa tinh thần. Bộ phim tập trung vào 3 đối tượng chính: Các nghệ sĩ văn công, các họa sĩ sáng tác ngay trên chiến trường và các phóng viên mặt trận. Họ chính là một nốt nhạc trong bản hùng ca “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” mang tên Điện Biên Phủ.
Thứ hai, về thủ pháp làm phim, “Hùng ca Điện Biên Phủ” sử dụng không quá nhiều cảnh bom đạn mà tập trung vào cảm xúc, vào những tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh báo chí in ngay tại mặt trận. Trong phim có sử dụng những bài hát “Hò kéo pháo” (nhạc sĩ Hoàng Vân), “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên” (nhạc sĩ Đỗ Nhuận). Bên cạnh đó, phim có tính chân thực cao do đoàn làm phim đã tiếp cận, phỏng vấn những con người trực tiếp tham gia chiến dịch.
PV: “Đào, phở và piano” là bộ phim đã thu hút đông đảo khán giả và tạo nên “cơn sốt” “cháy” vé vào dịp đầu năm, tại sao đồng chí lại chọn tác phẩm này để trình chiếu vào Tuần phim?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Bộ phim “Đào, Phở và piano” lấy bối cảnh từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ở Hà Nội trong trận chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bộ phim đã tái hiện được không khí chiến đấu và tinh thần của người Hà Nội trong chiến tranh, về những ngày mà dân tộc Việt Nam đi theo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tất cả mọi người không phân biệt già, trẻ, gái, trai, thành phần xã hội… đã đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Bộ phim đã gây xúc động cho nhiều người, đặc biệt là phân cảnh cuối cùng, ai cũng nghẹn ngào, khi hình ảnh nhân vật chính của phim-một tiểu thư Hà thành “liễu yếu đào tơ” sẵn sàng ôm bom lao vào đánh trả quân địch. Bộ phim mang tính giáo dục sâu sắc, đặc biệt là cho thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước, biết ơn các thế hệ đi trước đã chiến đấu, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, rất phù hợp để trình chiếu trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ này.
Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà tham dự Tuần phim. |
PV: Có 8 bộ phim đặc sắc được chọn để trình chiếu vào dịp đặc biệt này, trong đó có những bộ phim đã sử dụng những cảnh quay tư liệu thấm đẫm máu xương của các thế hệ nghệ sĩ đi trước, thông điệp mà Điện ảnh Quân đội nhân dân gửi gắm đến khán giả trong Tuần phim là gì, thưa đồng chí?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung: 8 bộ phim thuộc hai thể loại phim truyện và tài liệu được công chiếu trong Tuần phim lần này đã phần nào thể hiện được ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ và lịch sử vẻ vang, truyền thống trung với Đảng, hiếu với dân, vì nhân dân quên mình của Quân đội nhân dân Việt Nam; tôn vinh hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ được tạo nên bởi sự cống hiến, hy sinh của rất nhiều lực lượng. Thông qua Tuần phim, chúng tôi mong muốn khán giả tiếp tục hướng về Chiến thắng Điện Biên Phủ với nhận thức đầy đủ và sâu sắc về một cột mốc vàng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, với tấm lòng tri ân các thế hệ trước. Từ đó, lan tỏa lòng yêu nước, tình cảm với người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ và biến tình cảm đó thành động lực lao động và cống hiến.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.