Sức nóng từ cuộc bầu cử Tổng thống Iran
Iran sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống sớm trong tháng 6 để tìm người kế nhiệm cố Tổng thống Ebrahim Raisi vừa thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay, trong bối cảnh đất nước đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách.
Mặc dù có tới 20 cái tên trong danh sách các ứng cử viên tiềm năng thuộc cả phe bảo thủ lẫn cải cách nhưng giới phân tích đánh giá, nhiều khả năng cơ hội vẫn nghiêng về những nhân vật theo đường lối cứng rắn, nhằm tiếp tục thực hiện chính sách của Giáo chủ tối cao Ali Khamenei. Trong tình hình hiện nay ở Iran, cơ hội cho các ứng cử viên ôn hòa thuộc phe đối lập được đánh giá là không nhiều. Thậm chí, khả năng được phép tham gia tranh cử của những ứng viên này còn chưa chắc chắn. Việc chính sách của quốc gia Hồi giáo kể từ cuộc cách mạng năm 1979 đến nay về cơ bản không có nhiều thay đổi đã cho thấy những nhận định này là hoàn toàn có cơ sở.
Các cử tri Iran tham gia bầu cử Quốc hội hồi tháng 3-2024/ảnh minh họa. Ảnh: CNN |
Sự ra đi bất ngờ của Tổng thống Raisi và cuộc bầu cử được tổ chức sớm có thể khiến cuộc đua quyền lực trở nên sôi động hơn ở Iran. Danh sách đông đảo các ứng viên tiềm năng có thể tham gia cuộc đua cho thấy, bất chấp việc phe bảo thủ đặt mục đích bầu chọn một người trung thành với Giáo chủ Ali Khamenei, nhiều ứng cử viên từ các phe phái chính trị khác nhau vẫn nuôi ít nhiều hy vọng và tham gia tranh cử. Các phương tiện truyền thông Iran đưa tin, Quyền Tổng thống Mohammad Mokhber, Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf và một số cựu quan chức nổi tiếng đang cân nhắc ra tranh cử chức tổng thống-vị trí có quyền lực cao thứ hai ở Iran. Cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân cực đoan Saeed Jalili là một trong những ứng cử viên đầu tiên tuyên bố tranh cử tổng thống. Ngoài ra, còn một số gương mặt đáng chú ý khác gồm cựu Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và cựu Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani...
Tuy nhiên, trong số những cái tên được đề cập, giới phân tích dự đoán Quyền Tổng thống Mohammad Mokhber và Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf là những nhân vật theo đường lối cứng rắn vẫn có nhiều cơ hội trúng cử nhất nếu quyết định tham gia cuộc đua. Theo AP, ông Ghalibaf được những người trong cuộc và truyền thông Nhà nước Iran tung hô như một ứng cử viên tiềm năng trong cuộc đua tổng thống kế nhiệm cố Tổng thống Raisi. Một số phương tiện truyền thông Iran dự đoán, nếu cuộc đua trở nên khó lường, Quyền Tổng thống Mokhber, 68 tuổi, cũng có thể được yêu cầu ra ứng cử.
Tờ Hammihan theo đường lối cải cách dẫn lời chuyên gia chính trị Abbas Abdi cho biết, nếu “cộng đồng biểu tình” ở Iran nhìn thấy cơ hội thay đổi, họ sẽ thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc tham gia bầu cử. Chuyên gia này còn nhấn mạnh: “Chắc chắn những người theo chủ nghĩa cải cách sẽ giành chiến thắng với tỷ số cách biệt lớn”, nhưng chỉ khi họ được phép tham gia tranh cử.
Theo luật bầu cử của Iran, quy trình đăng ký của các ứng cử viên bắt đầu từ ngày 30-5 và kéo dài trong 5 ngày. Sau khi đăng ký thành công, các ứng cử viên sẽ tiến hành chiến dịch vận động tranh cử từ ngày 12 đến 27-6 tới. Danh sách cuối cùng phụ thuộc vào quá trình xác nhận do Hội đồng giám hộ có khuynh hướng bảo thủ tiến hành sau thời hạn đăng ký là ngày 3-6. Cơ quan gồm 12 thành viên này chịu trách nhiệm giám sát bầu cử, trước đây đã gạch tên nhiều ứng cử viên, trong đó có những nhân vật như cựu Tổng thống Ahmadinejad và cựu Chủ tịch Quốc hội Larijani.
Cho dù ứng viên tham gia tranh cử là ai và ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Iran cũng đều phải là người trung thành với lợi ích tối cao của chính thể Hồi giáo và phục vụ lợi ích của quốc gia Hồi giáo. Cuộc bầu cử tháng 6 sẽ diễn ra trong bối cảnh Iran đang phải đương đầu với nhiều thách thức do cuộc chiến ở Gaza, khó khăn về kinh tế trong nước và căng thẳng ngoại giao liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran. Dù là phe bảo thủ hay cải cách cũng đều muốn tình hình ổn định, vượt qua được khó khăn và thách thức hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Giáo chủ Ali Khamenei.
Việc ông Raisi qua đời hay Iran có tổng thống mới được dự báo sẽ không làm thay đổi các chính sách của Iran, bao gồm cả các chính sách đối ngoại. Tehran vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ sự nghiệp của Palestine, đặc biệt trong cuộc chiến ở Gaza; tiếp tục chính sách như hiện nay đối với các vấn đề khu vực, đặc biệt trong quan hệ với các nước Arab; thi hành chính sách hướng Đông... Bởi theo thể chế chính trị của Iran, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay lãnh tụ tối cao là Giáo chủ Ali Khamenei, còn tổng thống và chính phủ chỉ là người thực hiện các quyết sách cuối cùng của Giáo chủ Ali Khamenei. Vì vậy, đất nước Iran sẽ vượt qua những trở ngại và thách thức hiện nay để tổ chức một cuộc bầu cử sớm, nhằm lựa chọn người lãnh đạo đất nước tiếp tục ổn định, phát triển.
MAI NGUYÊN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.