• Click để copy

Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn.

Giải quyết bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam sẽ có cơ hội vươn cao trong chuỗi giá trị bán dẫn.

Cơ hội của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

Công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác, như: Điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thiết bị chiếu sáng, thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh... Từ năm 2001 đến 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD vào năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.

Dung lượng thị trường lớn cùng với những lợi thế sẵn có, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, như vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động trẻ am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đặc biệt là cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, môi trường đầu tư thuận lợi. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Các học viên tham dự Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ do Samsung và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức. Ảnh: ĐAN THANH 

Chính phủ cũng đã đưa ra quan điểm rất rõ, trong công nghiệp bán dẫn thì phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá của đột phá; phải đầu tư cho xứng tầm thì mới mang lại giá trị đích thực. Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược, là yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Liên quan tới việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho hay, đến năm 2030, để phát triển công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, với mức đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu, ngoài nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học hay của các bộ, ngành, cần có sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp, địa phương, sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức, tập đoàn quốc tế. 

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn... Đây cũng là minh chứng cho thấy sự thuận lợi của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam với các nhà đầu tư ngành bán dẫn.

Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NIC đã thực hiện nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn như chương trình nhân tài số hợp tác với Google; chương trình thách thức đổi mới sáng tạo hợp tác với Meta; chương trình đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn hợp tác với Synopsys, Siemens... Các chương trình hợp tác này nhằm hướng đến thúc đẩy tư duy hợp tác, thu hút nguồn lực, xây dựng nền tảng hợp tác đa phương để thiết lập bệ phóng cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mới đây, 40 học viên là giảng viên, sinh viên xuất sắc thuộc các trường, học viện của Việt Nam đã được nhận học bổng của Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch. Giá trị học bổng là 30 triệu đồng/khóa. Đây là chương trình đào tạo do NIC phối hợp với Tập đoàn Qorvo và Tập đoàn Cadence tổ chức. Theo đó, Qorvo cung cấp giảng viên, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và chương trình đào tạo của Tập đoàn, theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Trong khi đó, Cadence hỗ trợ toàn bộ bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch phục vụ chương trình đào tạo. Các học viên tham gia học tập trung tại NIC cơ sở Hà Nội trong 3 tháng. Tham gia khóa học, học viên có cơ hội kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, được đào tạo bài bản về công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch Analog thông qua phần mềm tiêu chuẩn công nghiệp Cadence Virtuoso. Các học viên hoàn thành khóa học sẽ được ưu tiên cơ hội thực tập, việc làm từ Qorvo và các doanh nghiệp đối tác hàng đầu của NIC trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.

Ông Bob Bruggeworth, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Qorvo ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của ngành bán dẫn tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng và công nghệ cao nói chung, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh. Ông Bob Bruggeworth khẳng định, Qorvo cam kết tiếp tục phát triển và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, góp phần tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp này tại Việt Nam. Cùng quan điểm, đại diện Công ty Siemens EDA khẳng định, Công ty sẵn sàng hợp tác để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử bán dẫn tại Việt Nam. Trước tiên, Công ty Siemens EDA tài trợ bộ phần mềm thiết kế chip và bo mạch tiên tiến nhất của Siemens cho Việt Nam thông qua NIC và sẽ cung cấp các dịch vụ đào tạo và đồng hành với NIC trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn nói riêng và ngành công nghiệp điện tử bán dẫn nói chung.

Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
NIC và Qorvo ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam. Ảnh: ĐAN THANH 

Đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, song ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam phải có những kế hoạch rất nhanh, cụ thể liên quan đến rất nhiều góc độ từ đầu tư, nguồn lực cho đến con người, hạ tầng công nghệ... Riêng về nhân lực, ông Phùng Việt Thắng cho rằng, trong công nghiệp bán dẫn, có nhiều công đoạn khác nhau và mỗi công đoạn yêu cầu nguồn nhân lực khác nhau. Do vậy, bên cạnh chiến lược chung để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn thì Việt Nam cũng cần có kế hoạch hành động riêng và đặc thù cho mỗi đối tượng nhân lực phù hợp với thế mạnh của Việt Nam.

Đào tạo nguồn nhân lực là bước chuẩn bị quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Nước ta có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng, thể chế, tăng cường hợp tác quốc tế cho đào tạo nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù... Đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000-100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.

VŨ DUNG

Bài liên quan

Tin mới

Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng

Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.

Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập

Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.

Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12

Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.

Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.

Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên

Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.

Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam

Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.