Thêm thử thách với giấc mơ du học Australia
Những thay đổi mới về quy định di trú của Chính phủ Australia đang đặt ra nhiều yêu cầu gắt gao hơn đối với sinh viên quốc tế thực sự muốn theo học tại xứ sở chuột túi.
Tạp chí The Australian Financial Review cho biết, số lượng sinh viên quốc tế đến Australia đã giảm 55% vào cuối năm 2023. Theo số liệu của cơ quan thống kê Australia, mặc dù nước này đón 73.840 sinh viên nước ngoài trong 6 tháng cuối năm 2023 nhưng vẫn có 180.000 người rời đi. Đáng chú ý, chỉ trong hai tháng 11 và 12-2023, có tới 120.000 du học sinh rời khỏi Australia, tăng mạnh so với con số hơn 27.300 của cùng kỳ năm trước đó. Mặt khác, trong 6 tháng tính đến tháng 12 năm ngoái, quốc gia châu Đại Dương đã cấp 80,9% tổng số đơn xin thị thực du học-tỷ lệ thấp nhất so với 86% vào năm 2022-2023, 91,5% trong năm 2021-2022 và 89,9% của giai đoạn trước đại dịch Covid-19. The Australian Financial Review cho rằng, điều này đến từ chính sách siết chặt cấp thị thực của chính quyền Canberra.
Theo Reuters, Australia bắt đầu tăng số lượng người nhập cư hằng năm vào năm 2022 để giúp các doanh nghiệp có thể tuyển dụng thêm nhân sự, nhằm bù đắp tình trạng thị trường lao động thiếu hụt trầm trọng do chính phủ liên bang triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt trong gần hai năm vì virus SARS-CoV-2 hoành hành. Chỉ tính riêng đến tháng 7-2023, Australia chứng kiến mức tăng kỷ lục 655.000 du học sinh, vượt mức cao nhất từng xác lập trước đại dịch là 634.000 người. Tuy nhiên, làn sóng người lao động và sinh viên nước ngoài đột ngột tràn vào đã làm tăng thêm áp lực lên thị trường thuê nhà, cũng như kéo theo nhiều hệ lụy cho cộng đồng sở tại. Reuters dẫn kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tờ The Sydney Morning Herald nêu rõ, 62% người dân Australia được hỏi cho biết số lượng người nhập cư vào nước này quá cao.
Sinh viên quốc tế tại Đại học Sydney, Australia. Ảnh: Mark Connellan |
Vì vậy, từ tháng 12-2023, chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese thực hiện chiến lược thị thực mới đối với sinh viên nước ngoài và người lao động có tay nghề thấp, khi lượng người nhập cư đạt đỉnh 510.000 trong năm 2022-2023, với khoảng 270.000 sinh viên quốc tế. Chính sách mới này được kỳ vọng sẽ đưa số lượng người nhập cư tại Australia trở lại mức bình thường, tức chỉ còn 250.000 người trong vòng 3 năm tới. Hiện tại, có tới 39% người nhập cư tạm thời đến Australia là sinh viên hoặc sinh viên đã tốt nghiệp, trở thành nhóm người nhập cư lớn thứ hai ở nước này, sau công dân New Zealand.
Cụ thể, Australia quyết định cắt giảm thị thực làm việc sau tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế từ 4 năm xuống còn một nửa, trong khi những người theo học chương trình thạc sĩ chỉ được ở lại 3 năm thay vì 5 năm. Khoản tiền chứng minh tài chính của một du học sinh cũng tăng 17% so với trước đây lên tối thiểu 24.505 AUD, nhằm bảo đảm họ có thể tự trang trải cuộc sống. Bài thi tiếng Anh được nâng cao nhằm loại những cá nhân mượn cớ du học để sang làm việc. Từ đầu năm nay, yêu cầu mức độ ngôn ngữ đối với các trường hợp xin thị thực sinh viên và sau đại học cũng tăng từ 5.5 và 6.0 IELTS lên 6.0 và 6.5 IELTS. Đồng thời, Australia áp dụng các điều kiện xét trong quá trình học, như điểm chuyên cần và điểm qua môn phải đạt trên 80% đối với những người có thị thực sinh viên để hạn chế những người nhập cảnh cho mục đích khác. Cùng với đó, chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ hơn đối với các đơn xin thị thực du học và xử lý tình trạng “nhảy cóc thị thực” (từ thị thực này xin sang thị thực khác để kéo dài thời gian lưu trú)...
Theo The Australian Financial Review, các báo cáo cho biết, nhiều trường đại học, cao đẳng ở Australia đang yêu cầu sinh viên đã được chấp nhận hồ sơ tự rút lại hoặc trì hoãn việc du học. Một số trường còn viết thư cho các sinh viên mà họ đã chấp nhận hồ sơ nhưng vẫn đang chờ được cấp thị thực để yêu cầu họ hủy bỏ kế hoạch. “Tỷ lệ từ chối cấp thị thực cho sinh viên quốc tế sẽ còn tăng cao với những cá nhân dự định đến Australia vào nửa cuối năm 2024”, The Australian Financial Review dẫn lời cựu Thứ trưởng Bộ Nhập cư Australia Abul Rizvi nhận định.
Lâu nay, Australia là một trong những điểm đến lý tưởng đối với sinh viên quốc tế. Viện Nghiên cứu giáo dục Victorian (Australia) chỉ ra rằng, nước này có nền giáo dục hàng đầu thế giới, đa dạng về ngành học và lĩnh vực nghiên cứu, chính sách cho du học sinh đi thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp, nền văn hóa đa dạng, bảo hiểm y tế bắt buộc dành cho sinh viên nước ngoài (OSHC) giúp bảo vệ họ khỏi các vấn đề về sức khỏe...
VĂN HIẾU
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.