Thị trường dầu chao đảo vì quyết định của OPEC+
Giá dầu biến động mạnh sau khi OPEC+ quyết định giảm sản lượng dầu. Động thái này đi ngược với dự báo của giới quan sát, và diễn ra vào giai đoạn bất ổn của thị trường năng lượng.
Ngày 05/09, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu toàn cầu đã đưa ra một quyết định gây sốc. Đó là cắt giảm sản lượng vào thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang chìm trong hỗn loạn.
Cụ thể, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) đã quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10.
Giá dầu Brent tăng vọt sau tuyên bố của OPEC+ rồi điều chỉnh giảm về hơn 95 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics.
Quyết định gây chấn động
Tháng trước, OPEC+ đồng ý tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày trong tháng Chín. Tuy nhiên, đây là một mức tăng tương đối nhỏ. Nhóm này đã phớt lờ lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm tới Saudi Arabia.
Mức tăng của OPEC+ trong tháng Chín thấp hơn đáng kể so với mục tiêu tăng hơn 600.000 thùng vào tháng Bảy và tháng Tám.
Giá dầu thế giới đã tăng vọt sau thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu có lúc áp sát ngưỡng 97 USD/thùng, rồi giảm về 95,2 USD/thùng, tăng 2,298 USD/thùng, tương đương 2,47% so với một ngày trước đó.
Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ vọt lên hơn 90 USD/thùng rồi giảm về 88,7 USD/thùng.
Như vậy, dù động thái của OPEC+ có thể đe dọa nguồn cung toàn cầu, đà tăng của giá dầu vẫn không duy trì lâu.
Sau quyết định gây sốc của OPEC+, giá dầu WTI chuẩn Mỹ có lúc vượt ngưỡng tâm lý 90 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics.
Giá dầu đã giảm khoảng 25% kể từ đầu tháng Sáu sau khi chạm mức cao kỷ lục trong nhiều năm vào tháng Ba. Nguyên nhân là lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đè nặng lên triển vọng nhu cầu. Ngoài ra, sức mạnh của đồng USD tăng lên đã làm giảm sức hút của các thị trường hàng hóa.
Trước đó, Saudi Arabia cũng cảnh báo OPEC+ có thể giảm sản lượng để kìm hãm đà giảm mạnh của giá dầu. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng "biến động và thanh khoản thấp" đã gửi đi tín hiệu sai lệch về tình trạng khan hiếm nguồn cung vật chất hiện tại.
Ông khẳng định với cơ chế hiện tại, OPEC+ "có sự cam kết, linh hoạt và công cụ để giải quyết mọi thách thức, kể cả giảm sản lượng bất cứ lúc nào".
Vào giữa tháng Tám, OPEC đã điều chỉnh giảm dự báo đối với nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.
Cụ thể, trong báo cáo hàng tháng, tổ chức này dự báo nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Nguyên nhân được nhóm đưa ra là tăng trưởng của các nền kinh tế toàn cầu chậm lại.
Đây là lần hạ dự báo thứ ba của OPEC kể từ tháng Tư tới nay.
Giai đoạn nhạy cảm của thị trường dầu
Thông báo của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây leo thang nghiêm trọng. Các quốc gia ở Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt khi mùa đông tới gần.
Trong khi đó, thị trường vẫn theo dõi sát sao diễn biến của thỏa thuận hạt nhân Iran. Nếu thỏa thuận được nối lại, dòng chảy dầu của Iran sẽ chảy vào thị trường dầu toàn cầu nhiều hơn.
Hôm 05/09, giá khí đốt tự nhiên tại Châu Âu đã vọt lên 25%, sau khi tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga tuyên bố dừng vô thời hạn dòng chảy khí đốt chính sang Châu Âu.
Đại diện của Gazprom cho biết, không thể khởi động lại dòng chảy một cách an toàn cho đến khi khắc phục sự cố rò rỉ dầu trong một tuabin quan trọng.
Tuần trước, dòng chảy khí đốt từ Nga sang các quốc gia Châu Âu đã bị ngưng tạm thời để bảo trì. Theo kế hoạch, Nord Stream 1 sẽ được hoạt động trở lại vào ngày 03/09.
Thông báo của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây leo thang nghiêm trọng. Ảnh: Reuters.
Động thái mới nhất từ phía Moscow làm dấy lên lo ngại rằng khu vực đồng Euro sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng khi mùa đông sắp tới.
"Quyết định của Gazprom trong việc đình chỉ vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 đã gây ra làn sóng chấn động trên khắp Châu Âu. Động thái này giáng đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế vốn đang chao đảo của khối này, nhất là khi mùa đông sắp đến", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - trả lời Zing.
"Mây đen đang phủ bóng lên nền kinh tế Châu Âu trong những tháng tới. Bởi rất có khả năng Nga sẽ không mở lại Nord Stream 1 trong tương lai gần", vị chuyên gia nói thêm.
Động thái của Gazprom diễn ra chỉ vài giờ sau khi các nước G7 nhất trí về kế hoạch ấn định mức giá trần đối với dầu của Nga. Động thái này nhằm gây áp lực kinh tế lên Moscow để phản đối cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Zing
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.