Thiếu và yếu nhất vẫn là chưa có tác phẩm nổi trội
Nhìn lại đời sống văn chương năm 2022, người trong nghề không quá ngạc nhiên khi không có tác phẩm nổi trội, tạo ra ảnh hưởng sâu rộng. Điều bất ngờ là những vụ việc không đáng ầm ĩ trong giới lại thu hút sự quan tâm của dư luận quá mức.
Đã đến lúc công chúng có quyền đặt câu hỏi: Công việc chính của nhà văn có còn là viết nên những tác phẩm chứa đựng giá trị chân-thiện-mỹ, đồng hành với đất nước, với nhân dân? Hay lại dành tâm sức tham gia vào những công việc phi văn chương lắm khi thị phi, vô bổ?
1. Câu chuyện văn chương cốt lõi vẫn phải nhìn vào chất lượng tác phẩm. Nếu đo lường chất lượng tác phẩm bằng số bản sách được tiêu thụ, bằng những “chiêu trò” để thu hút công chúng, chúng ta không thể nào xác định được văn chương “được mùa” hay “mất mùa”. Hầu hết những người có hiểu biết về văn chương (còn gọi là “siêu độc giả”) đều có chung nhận định: Năm qua, vẫn có một số tác phẩm văn chương đáng đọc, còn tác phẩm lớn, vượt trội không xuất hiện.
Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X-năm 2022 quy tụ những cây bút trẻ hàng đầu đất nước.Ảnh: XUÂN QUỲNH. |
Về văn xuôi có thể kể đến: “Bửu Sơn Kỳ Hương” (tiểu thuyết, Lý Lan), “Đức Phật, nữ chúa và điệp viên” (tiểu thuyết, Hồ Anh Thái), “Sóng độc” (tiểu thuyết, Trần Gia Thái), “Yêu nhau trong lo âu” (tiểu thuyết, Nguyễn Đông Thức), “Bảy bảy bốn chín” (truyện dài, Hoàng Công Danh), “Chiếc khoen đồng” (tập truyện ngắn, Phạm Lưu Vũ), “Đắng ngọt đàn bà” (tập truyện ngắn, Nguyễn Thị Lê Na), “Người bay trong gió xanh” (tập truyện ngắn, Phạm Duy Nghĩa), “Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào” (tập truyện ngắn, Võ Thu Hương), “Bản tình ca khúc khuỷu" (truyện ký, Nguyễn Hồng Lam)... Đây đều là những tác phẩm mới của các nhà văn ít nhiều đã khẳng định được tên tuổi trên văn đàn. Đọc tác phẩm của họ, nhận ra ngay sự đầu tư sáng tạo, có chiều sâu về nội dung. Song đáng tiếc, các tác phẩm chưa có nhiều đột phá về hình thức, có tính tư tưởng và tầm vóc lớn, mới chỉ thể hiện tác giả là những người hiểu nghề, thuần thục kỹ năng viết văn.
Với thơ ca, vẫn là tình trạng lạm phát như các năm trước khi thơ in nhiều nhưng đọng lại chẳng được bao nhiêu. Những tập thơ, trường ca đáng chú ý là: “Nơi ngày đông gió thổi” (trường ca, Đinh Thị Như Thúy), “Những ngọn khói về trời” (trường ca, Bùi Phan Thảo), “Bóng của ý nghĩ” (Nguyễn Bảo Chân), “Chín nhánh da vàng” (Khét), “Sự Thật chính là Sự Vui” (Như Huy), “Giấc mơ phía làng” (Lê Đình Tiến)... Tín hiệu đáng mừng với thơ, đó là sự đa dạng về phong cách, lối viết cùng tồn tại. Chẳng hạn, cùng có nội dung đầy suy tư triết lý nhưng “Bóng của ý nghĩa” (Nguyễn Bảo Chân) như lời độc thoại với nội tâm đầy sâu lắng: “Những câu thơ kiêu hãnh/ trở về căn phòng nhớ/ Bước khua vang/ từng góc quên/ Những câu thơ đối thoại/ với tiếng vọng của mình”; trong khi đó “Sự Thật chính là Sự Vui” (Như Huy) lại “tưng tửng” nói thẳng suy ngẫm bằng cái nhìn xuyên thấu bình dân: “Trí tuệ giúp ta dũng cảm/ Chối từ những thứ linh tinh/ Giúp ta quyết tâm giành lấy/ Thứ ta biết chắc đinh ninh”.
Về mảng lý luận phê bình, những công trình lớn, nghiêm cẩn về học thuật rất ít ỏi như: “Hơi thở nhẹ của ngôn từ-Một cách hiểu Ivan Bunin” (Đỗ Thị Hường), “Văn học Phật giáo thời Lê-Nguyễn” (Nguyễn Công Lý chủ biên), “Loại hình tác giả Hoàng Đế-Thiền Sư-Thi sĩ triều Trần", “Du ký các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX” (Nguyễn Hữu Sơn)... Ngoài ra, có thể kể đến một số cuốn sách bình giảng, chân dung văn chương của những cây bút không chuyên, đáng kể là tập sách “Nhà văn và chữ tình gởi lại” (Trình Quang Phú).
2. Một tác phẩm văn chương lớn ra đời phụ thuộc vào tài năng cá nhân, không có quy luật xuất hiện, không thể dự báo trước. Năm này có tác phẩm nổi bật song những năm khác tác phẩm ở mức “thường thường bậc trung” là điều bình thường. Điều quan trọng là phải nắm bắt sự vận động của văn chương trong bối cảnh văn hóa xã hội có tạo nền tảng để tác phẩm lớn ra đời hay không?
Văn chương hiện nay đang lâm vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết. Bởi lẽ văn chương từ trung tâm bị đẩy ra ngoại vi đời sống văn hóa, nhu cầu tìm đến văn chương của công chúng bị lấn át bởi các hình thức giải trí hấp dẫn khác. Đó là chưa kể vấn đề nhức nhối như chế độ nhuận bút thấp, việc vi phạm bản quyền khá phổ biến. Những điều này làm nản lòng những người trẻ có tài, có năng khiếu nhưng không sẵn sàng mạo hiểm dấn thân vào con đường văn chương. Như vậy, cơ hội để tác phẩm lớn ra đời sẽ ngày càng ít đi.
Sự phân hóa rõ nét trong thụ hưởng văn chương giữa tác phẩm hàn lâm và tác phẩm giải trí đại chúng rõ ràng hơn bao giờ hết. Tất nhiên, ở bất cứ nước nào, văn chương đều rẽ theo hai con đường kể trên; điểm khác biệt ở các cường quốc văn chương là tác phẩm hàn lâm có tiếng nói trọng lượng và được ưa chuộng ngang bằng văn học giải trí, đại chúng. Một số tác phẩm ăn khách của Nguyễn Nhật Ánh, Phạm Lữ Ân... rất dễ đọc, giàu tính giải trí nhưng nghệ thuật văn chương không cao, khó nâng tầm văn học Việt Nam. Một số tác phẩm cố gắng tìm tòi trong cách viết thì chỉ tồn tại trong giới văn chương. Nguyên nhân có phần do sự thiếu vắng của các nhà phê bình, đặc biệt những người làm trong lĩnh vực báo chí truyền thông khiến cho tác phẩm hay, tác phẩm đáng đọc bị chìm lấp trong “biển sách” mênh mông. Độc giả không có người “đọc hộ”, không được giới thiệu và dẫn giải cái hay, cái đẹp trong tác phẩm hàn lâm nên rất khó tiếp nhận. Điều này tạo ra tâm lý của các cây bút ở nước ta ngày càng sa vào những tác phẩm giải trí vừa dễ viết, dễ bán, tiếng tăm lại dễ đến.
Ý thức sứ mệnh tuyển chọn tác phẩm lớn để tôn vinh, để giới thiệu cho bạn đọc, các giải thưởng của các tổ chức hội trung ương và địa phương về văn hóa, văn nghệ trong năm qua đã tôn vinh những tác phẩm chất lượng. Minh chứng là khi các giải thưởng được công bố không có tiếng nói phản đối, băn khoăn nào. Điều này chứng tỏ sự công tâm của các hội đồng xét giải. Một số giải thưởng văn chương mới được trao, nổi bật là Giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đã thực sự tạo cú hích cho các tài năng trẻ.
Nhiều hoạt động khác như: Tổ chức trại sáng tác văn học (nhất là các trại sáng tác cho thiếu nhi), xây dựng không gian văn hóa đọc, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, bồi dưỡng ngắn hạn... tiếp tục ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu văn chương với những cây bút có năng khiếu.
3. Nhiều năm về trước, giới văn chương thường xuyên xảy ra các vụ việc “có vấn đề” liên quan đến chất lượng tác phẩm, tư cách và tài năng của các tân hội viên. Những lùm xùm diễn ra thường xuyên khiến uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam và một số hội văn học nghệ thuật địa phương bị giảm sút trong con mắt của công chúng.
Cuối năm 2020, Hội Nhà văn Việt Nam có ban chấp hành mới và chủ tịch mới. Sau năm 2021 gần như không có hoạt động nào do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2022 là lúc bắt đầu dư luận quan tâm lãnh đạo Hội cũng như Ban chấp hành làm việc ra sao.
Có nhiều vụ việc theo chúng tôi không đáng ầm ĩ nhưng được nâng quan điểm quá mức theo kiểu “vạch lá tìm sâu”. Ví như chuyện Giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho công trình “Phê bình phân tâm học-Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS Vũ Thị Trang (Viện Văn học), sau đó xảy ra tranh chấp bản quyền với đồng nghiệp, chắc chắn không phải lỗi của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong thể lệ giải ghi rõ: “Tác giả tham dự Giải thưởng cam kết chịu trách nhiệm về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ của tác phẩm”. Hội Nhà văn Việt Nam cũng tạm thu hồi giải thưởng trong khi chờ phân định của các cơ quan chuyên môn và luật pháp. Việc xử lý như vậy được xem là thỏa đáng. Ấy vậy mà vẫn có tiếng nói đả kích hội từ giải thưởng này mà quên mất ý nghĩa lớn của giải thưởng dành riêng cho các cây bút trẻ dưới 35 tuổi.
Còn một vài vụ việc lặt vặt khác bị thổi phồng lên như “xì căng đan”. Công chúng tò mò, bị kích động cũng là điều dễ thông cảm; đằng này rất nhiều cây bút phát ngôn thiếu chuẩn mực, làm phức tạp thêm tình hình. Tất nhiên, tự do ngôn luận là quyền con người, không ai cấm đoán được; nhưng dư luận có quyền đặt dấu hỏi về động cơ có thực sự vì cái chung, vì sự phát triển của văn chương hay vì “lợi ích nhóm” hoặc để đánh bóng tên tuổi?
Nhà văn không chăm lo cho tác phẩm mà lại hứng thú với những việc phi văn chương ồn ào thì việc tác phẩm lớn ra đời e chừng còn xa lắm!
VÂN HÀ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.