Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Bỉ Stephanie D’Hose
Chiều tối 15-12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Bỉ Stephanie D’Hose.
Thủ tướng Chính phủ cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và nồng ấm của Chủ tịch Thượng viện cùng các Nghị sĩ dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam; chia sẻ nội dung trao đổi với Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, Công chúa Bỉ và lãnh đạo các vùng Wallonie Bruxelles và Flanders trong chuyến thăm, đồng thời khẳng định quyết tâm đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trân trọng chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Chủ tịch Thượng viện Bỉ sang thăm Việt Nam trong năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Chủ tịch Thượng viện Bỉ cho biết các Nghị sĩ tại cuộc gặp đều có tình cảm đặc biệt và lâu bền với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Bỉ phát triển sâu rộng hơn nữa; đánh giá chuyến thăm chính thức Bỉ của Thủ tướng đã diễn ra thành công tốt đẹp và khẳng định rất quan tâm đến các nội dung kinh tế trong chuyến thăm.
Hai bên hoan nghênh những kết quả tích cực mà Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) đem lại sau hai năm triển khai; nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, thương mại giữa hai nước và cùng nhau ứng phó với các thách thức chung như môi trường, chống biến đổi khí hậu, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stephanie D’hose cùng thành viên đoàn hai nước. |
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Nghị viện Liên bang Bỉ sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước, ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng bày tỏ ấn tượng khi đi thăm Trung tâm đổi mới sáng tạo IMEC tại vùng Flanders và đề nghị Thượng viện Bỉ hỗ trợ Việt Nam phát triển một trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình IMEC.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Chủ tịch Thượng viện Bỉ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Bỉ, phát huy vai trò cầu nối hai nước.
Đây là hoạt động cuối cùng trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, cũng là hoạt động kết thúc tốt đẹp chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
* Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Công chúa Bỉ Astrid.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Công chúa Astrid và Hoàng gia Bỉ về tình cảm, sự ủng hộ đối với Việt Nam và quan hệ hai nước; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương tăng cường hợp tác toàn diện với Bỉ.
Công chúa Astrid bày tỏ vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; hoan nghênh những bước phát triển trong quan hệ hai nước, đồng thời đánh giá cao kết quả chuyến thăm ba nước châu Âu và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU của Thủ tướng, thể hiện qua nhiều văn kiện ký kết, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, giáo dục đại học.
Hai bên bày tỏ vui mừng về những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác hai nước, trong đó đầu tư-thương mại là trụ cột quan trọng. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời mời của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Nhà Vua, Hoàng hậu và Công chúa sang thăm Việt Nam trong năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Bỉ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với Công chúa về các nội dung trao đổi với Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện Bỉ, Lãnh đạo hai vùng Wallonie Bruxelles và Flanders, đồng thời đề nghị Công chúa khuyến khích các doanh nghiệp Bỉ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thương mại-đầu tư vào Việt Nam.
Sau cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Công chúa Astrid đã đồng chủ trì Diễn đoàn Doanh nghiệp, nhằm kết nối hợp tác đầu tư-kinh doanh giữa hai nước trong các lĩnh vực xây dựng cảng biển, năng lượng tái tạo, hệ thống logistics.
* Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, chiều 15-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Bỉ. Cùng dự có Công chúa Vương quốc Bỉ Astrid; lãnh đạo một số Bộ, ngành và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Vương quốc Bỉ cho biết, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực được 2 năm. Nhờ đó, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Bỉ tăng đáng kể, góp phần cho mối quan hệ Bỉ-Việt đang tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Bỉ cũng cho biết, Bỉ có nền kinh tế rất mở, với hơn 80% GDP là từ xuất nhập khẩu. Do đó, Bỉ rất muốn tăng cường hợp tác với các nước, trong đó có Việt Nam. Ông hy vọng và tin tưởng sau chuyến thăm Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quan hệ hai nước, nhất là quan hệ thương mại sẽ được thúc đẩy lên những mốc mới, trên tinh thần hai bên cùng thắng.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ngày nay tình hình thế giới thay đổi nhanh, biến đổi lớn khó lường với các vấn đề như cạnh tranh chiến lược, rủi ro xung đột, nguy cơ suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu... Theo Thủ tướng, đây đều là những vấn đề toàn cầu, không có quốc gia nào có thể tự giải quyết hoặc đứng ngoài cuộc, do đó phải kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương.
Trong bối cảnh đó, trải qua gần nửa thế kỷ, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam và Vương quốc Bỉ đang tiến triển rất tốt đẹp và không ngừng được củng cố; phát triển tích cực, đa dạng, phong phú và thực chất trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… Hiện nay, Bỉ có tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam lên đến gần 1,1 tỉ USD; kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Bỉ ước năm 2022 đạt gần 5 tỉ USD. Bỉ được coi là một trong những thị trường cửa ngõ vào EU đối với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Thông tin về kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD năm 2021; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu.
Trong năm 2022, nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, kinh tế-xã hội của Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; kinh tế tăng trưởng khá; các cân đối lớn được đảm bảo. Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); Nhà nước pháp quyền XHCN; nền dân chủ XHCN. Xuyên suốt quá trình đó, Việt Nam không đánh đổi môi trường, công bằng, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả. “Đây là nền tảng rất quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Công chúa Vương quốc Bỉ Astrid tham quan trưng bày sản phẩm OCOP của Việt Nam. |
Thủ tướng Chính phủ mong các doanh nghiệp Bỉ và châu Âu tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng... để thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam; đề nghị các doanh nghiệp Bỉ và châu Âu tiếp tục đầu tư và kêu gọi thêm các doanh nghiệp bạn đầu tư vào Việt Nam, trong đó ưu tiên thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực liên quan chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức; đầu tư phát triển hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng, hạ tầng mềm), logistics, nông nghiệp công nghệ cao, bền vững... mà Bỉ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu.
Thủ tướng cho rằng, trong kinh doanh khó tránh khỏi những khó khăn, song điều quan trọng là phải cùng nhau tìm ra điểm vướng mắc để cùng nhau giải quyết. Trên quan điểm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ, Thủ tướng tin tưởng trong thời gian tới, các doanh nghiệp Bỉ sẽ đầu tư thành công hơn tại Việt Nam; và có nhiều doanh nghiệp hơn đầu tư tại Việt Nam; góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Bỉ ngày càng thực chất, hiệu quả.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Công chúa Vương quốc Bỉ Astrid và quan chức hai nước chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước.
* Cũng trong chiều 15-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp của Bỉ như: Tổng Giám đốc điều hành Công ty Brussels Airport Piet Demunter; Chủ tịch Công ty Pharos John Martin; Chủ tịch Công ty AGEAS Bart De Smet.
Lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ thiện cảm lớn dành cho đất nước, con người Việt Nam; thông báo tình hình triển khai các dự án và kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam; nêu một số ý kiến liên quan tới các thủ tục đầu tư. Trong đó, Tổng Giám đốc điều hành Brussels Airport, ông Piet Demunter, thông báo về dự kiến mở đường bay thẳng Bỉ-Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động đầu tư thành công của các doanh nghiệp tại Việt Nam; hoan nghênh và ủng hộ các kế hoạch, dự án mới; đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực; ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và cho biết sẽ giao các cơ quan tích cực xem xét, nghiên cứu, xử lý.
Tin, ảnh: TTXVN
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.