Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ là ưu tiên hàng đầu
Những năm qua, dưới sự quan tâm của chính quyền Thủ đô, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội đã từng bước tăng trưởng về số lượng và chất lượng, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế thành phố. Thời gian tới, khi nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang dịch chuyển chuỗi sản xuất thì việc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là rất quan trọng.
Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đề ra giải pháp phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, một yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Thủ đô. Theo đó, đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và công nghiệp xanh. Để hoàn thành nhiệm vụ này, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư và thương mại. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô, tạo sự thu hút doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thiết bị Điện MBT. Ảnh: VŨ DUNG |
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước được khuyến khích tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế thông qua những chương trình kết nối và hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài. Cùng với đó, tại Việt Nam hiện nay đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Vingroup, Trường Hải, Thành Công... Qua đó, tạo nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Nắm bắt xu thế này, Hà Nội đã thúc đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.
Số liệu từ Sở Công Thương TP Hà Nội cho thấy, hiện nay trên địa bàn Thủ đô có hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có 35% doanh nghiệp (tỷ lệ cao nhất cả nước) có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Sở Công Thương TP Hà Nội cũng cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn còn gặp khó khăn về nguồn vốn và thiếu chính sách hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên, TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đặc điểm đầu tư nhiều máy móc, thiết bị nên nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp này phải mang tính trung hạn và dài hạn, nên rất cần lượng vốn ổn định.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Điển hình như sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp, ví dụ như ngành điện tử chỉ từ 5-10%; ngành ô tô từ 7-10%; ngành dệt may, da giày từ 45-50%. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp...
Cần cơ chế ưu đãi phù hợp
Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ðể đạt được con số này, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực trợ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hà Nội đã tổ chức động thổ, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 27 cụm công nghiệp trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, chính quyền Thủ đô thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước có ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện công nghệ cao ngành hàng không vũ trụ, điện-điện tử, công nghệ thông tin... Qua đó góp phần thu hút hợp tác đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, Thủ đô Hà Nội đang tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài, vì thế, với các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ thì thành phố đã giao cho các đơn vị liên quan cải cách thủ tục hành chính, với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư nhanh nhất. Thực tế là Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã xem xét giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp trong vòng 24 giờ.
Các chuyên gia cho rằng, việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với phát triển kinh tế Thủ đô. Do vậy, cần tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc nhằm nâng cao năng lực, cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới. Tiếp tục nâng cao tính tự chủ của nền công nghiệp thông qua việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ; liên tục cải thiện những cơ chế, chính sách, cải tiến các thủ tục đầu tư ngày càng thông thoáng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư. Đồng thời có chính sách ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ hiện đại.
Theo TS Tô Hoài Nam, trong xu thế chung, khi nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ là rất lớn. Do đó, chính quyền Thủ đô cần có những chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy sản xuất trên địa bàn Hà Nội để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. TS Tô Hoài Nam cũng lưu ý, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ rất cần có sự đầu tư, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất nên chính quyền TP Hà Nội cần xem xét cơ chế phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận. Những chính sách về tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cơ chế thuế phù hợp cũng cần được quan tâm, xem xét ưu tiên. Hà Nội có thể căn cứ Luật Thủ đô và các nghị quyết của Đảng để đưa ra những biện pháp phù hợp nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tạo ra nhiều đột phá hơn trong tương lai.
NGUYỄN ANH VIỆT
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.