Thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh
Khu vực Mỹ Latinh luôn nằm trong số các thị trường thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Từ nhiều năm nay, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng phát triển và mở rộng, bất chấp nhiều giai đoạn khó khăn của thị trường. Tuy nhiên, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng.
Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản..., Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi...
Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã tăng gấp đôi từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018 lên mức 23 tỷ USD năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 12,3 tỷ USD; nhập khẩu từ Mỹ Latinh đạt 10,4 tỷ USD. Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.
Hàng dệt may có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ Latinh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa. |
Mỹ Latinh được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng khi khu vực này có 33 quốc gia, quy mô dân số khoảng 670 triệu người. Thị hiếu của người dân Mỹ Latinh lại không quá khắt khe, khó tính như các thị trường khác. Song theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khu vực Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, chi phí logistics cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường...
Việt Nam và các đối tác Mỹ Latinh đang triển khai các Hiệp định thương mại để tạo đòn bẩy cho quan hệ kinh tế thương mại đầu tư, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cùng với Mexico, Chile, Peru là thành viên; Hiệp định Thương mại tự do với Chile (VCFTA) hay Hiệp định Thương mại với Cuba. Đây chính là cơ hội để các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam tham gia sâu vào thị trường này nhờ những trợ lực từ ưu đãi thuế quan.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ đặc điểm của từng thị trường để có bước đi phù hợp. Ví dụ, một số nước như Mexico, Peru cấm nhập một số loại thực phẩm biến đổi gen... Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc kinh doanh Công ty Napoli Coffee, do Mỹ Latinh là thị trường xa, thời gian giao hàng lâu nên phải chọn bao bì đóng gói phù hợp; thời hạn sử dụng cần lâu hơn. Đặc biệt, nên chọn đơn vị vận chuyển hiểu thị trường và có những chứng nhận phù hợp từng nước trong khu vực.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng với hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ nỗ lực để hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác Mỹ Latinh, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh và đầu tư, mở rộng thị trường.
Ngoài ra, theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam muốn xây dựng những khung khổ hợp tác mới với khu vực Mỹ Latinh. Phía Việt Nam đã hoàn tất việc rà soát nội bộ liên quan đến việc đàm phán hiệp định thương mại tự do với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) và hy vọng hai bên sớm khởi động đàm phán để đi đến ký kết các hiệp định này, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên trong khối.
Bài và ảnh: MINH ĐỨC
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.