Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống luật
Phát biểu tại phiên họp tổ Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 1-11, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt cơ quan soạn thảo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung của dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Phòng thủ dân sự có vai trò rất quan trọng
Về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nêu rõ, phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, có vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm sự ổn định, phát triển bình thường của xã hội và đời sống nhân dân.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG. |
Để phòng thủ dân sự đạt được các mục tiêu đề ra, cần có các điều kiện, quan điểm, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện. Đặc biệt là cần có pháp luật điều chỉnh, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của phòng thủ dân sự.
Quan điểm trên đã được thể chế hóa tại Khoản 1, Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018 và tiếp tục được Đảng ta khẳng định tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là để thể chế hóa quan điểm của Đảng tại các nghị quyết, các chỉ thị về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng thủ dân sự. Đặc biệt, Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu đến năm 2025 phải xây dựng được Luật Phòng thủ dân sự.
Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự cũng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp năm 2013 quy định bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ về quốc phòng-an ninh. Trong khi đó, phòng thủ dân sự là một nội dung của nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Mặt khác, các quy định về phòng thủ dân sự có liên quan tới quyền con người, quyền công dân, nên phải được quy định bằng văn bản luật để bảo đảm quyền công dân trong quá trình thực thi các nhiệm vụ này, theo đúng quy định của Hiến pháp.
Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và các biện pháp áp dụng được kiểm nghiệm hiệu quả qua thực tiễn. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương lấy ví dụ về phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Trong luật chưa có quy định về các biện pháp cách ly xã hội, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch thì chúng ta vẫn phải thực hiện, thực tế thì các biện pháp đó đã phát huy hiệu quả. Do vậy cần quy định biện pháp này vào luật để triển khai thực hiện.
Cùng với đó là các luật chuyên ngành khác cũng chưa có quy định về các kế hoạch, các chiến lược. Tại thời điểm ở Hà Nội mới có vài trường hợp nhiễm Covid-19, Bộ Quốc phòng có tổ chức diễn tập trong thời gian ngắn nhất, công tác chuẩn bị ngắn nhất, nhưng có quy mô lớn nhất. Tất cả các đơn vị trong toàn quân đều tổ chức diễn tập với kịch bản có khoảng 30.000 người nhiễm Covid-19. Sau đó, các địa phương cũng vận dụng các kế hoạch đã được Bộ Quốc phòng diễn tập để áp dụng phòng, chống dịch tại địa phương.
“Những kế hoạch, chiến lược này chưa được quy định trong luật nên cũng cần được quy định trong Luật Phòng thủ dân sự để triển khai thực hiện có hiệu quả”, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói.
Phạm vi điều chỉnh bảo đảm thống nhất, đồng bộ
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự xác định: Luật này quy định về hoạt động phòng thủ dân sự, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng thủ dân sự, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự. Dự thảo luật quy định rất rõ, hoạt động phòng thủ dân sự bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Dự thảo luật quy định các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Có ý kiến cho rằng chỉ nên đưa thảm họa vào phạm vi điều chỉnh của luật. Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, thảm họa và sự cố không tách rời nhau, khi sự cố không được khắc phục kịp thời thì sẽ xảy ra thảm họa. Vì vậy cần đưa cả 2 nội dung thảm họa và sự cố vào phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng thủ dân sự.
“Khi sự cố xảy ra ở mức độ thông thường, lúc này, do các lực lượng chuyên trách thuộc chức năng, nhiệm vụ của các luật chuyên ngành quy định. Nghĩa là khi xảy ra những sự cố bình thường thì sẽ thực hiện theo các luật chuyên ngành đã có”, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương giải thích thêm.
Khi vượt quá khả năng xử lý của các lực lượng chuyên ngành, chuyên trách thì các cấp chính quyền căn cứ vào 4 yếu tố: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố; đặc điểm địa lý, tự nhiên, kinh tế-xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng bởi thảm họa, sự cố; diễn biến khả năng gây thiệt hại và thiệt hại của thảm họa, sự cố; khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và các lực lượng tham gia phòng thủ dân sự. Trên cơ sở 4 tiêu chí đó để xác định cấp độ phòng thủ tương ứng. Từ đó, các cấp chính quyền địa phương triển khai biện pháp tương ứng.
“Như vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; không chồng lấn với các luật chuyên ngành khác có liên quan; đồng thời có tính khả thi cao”, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói.
Khái niệm phòng thủ dân sự bảo đảm tính kế thừa, có bổ sung đầy đủ hơn
Khái niệm phòng thủ dân sự trong dự thảo luật đã được kế thừa tại Khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng; kế thừa Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự. Đồng thời khái niệm phòng thủ dân sự trong dự thảo luật bổ sung thêm nội dung khắc phục hậu quả chiến tranh. Việc bổ sung như vậy sẽ bảo đảm đầy đủ hơn khái niệm về phòng thủ dân sự quy định tại Luật Quốc phòng.
Khái niệm phòng thủ dân sự trong dự thảo luật đã khái quát được bản chất của phòng thủ dân sự là những biện pháp nằm trong hệ thống biện pháp phòng thủ đất nước được tiến hành từ thời bình tới thời chiến nhằm bảo vệ người dân và nền kinh tế để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh gây ra; cũng như để thực hiện công tác phòng ngừa và ứng phó, khắc phục có hiệu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ nhân dân, cơ quan, nền kinh tế quốc dân, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Nội hàm khái niệm phòng thủ dân sự được thể hiện ở 3 nội dung cơ bản. Thứ nhất là phòng thủ dân sự là một bộ phận phòng thủ đất nước, được tiến hành bằng các hoạt động thường xuyên, xuyên suốt từ thời bình, thời chiến và trong trạng thái khẩn cấp. Nếu làm tốt việc phòng thủ dân sự thì sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân nhằm phục hồi, ổn định chính trị xã hội và giữ vững tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thứ hai, phòng thủ dân sự là thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố do chiến tranh gây ra. Nội dung này được thể hiện tại Điều 30 và Điều 31 dự thảo luật.
Thứ ba, phòng thủ dân sự được thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Đây là nội dung trọng điểm và thường xuyên của dự thảo luật.
CHIẾN THẮNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.