• Click để copy

Tìm lời giải bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống

Nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) mang kiến trúc độc đáo, chứa đựng nét văn hóa tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa, điều kiện kinh tế-xã hội thay đổi, ở nhiều nơi, đồng bào các DTTS có xu hướng "thoát ly" nhà ở truyền thống, khiến nguy cơ mai một bản sắc ngày càng hiện hữu...

Kiến trúc nhà ở truyền thống dần mai một

Trước đây, dọc theo thung lũng A Roàng, xã A Roàng, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) có nhiều ngôi nhà sàn mang bản sắc văn hóa của đồng bào Tà Ôi. Thế nhưng, giờ đây khó có thể tìm thấy một ngôi nhà sàn truyền thống bởi nhà sàn đã và đang dần biến mất. Để tiếp cận được những ngôi nhà sàn còn sót lại trong vùng, chúng tôi phải nhờ người địa phương dẫn đi giới thiệu.

Đến thăm homestay Hương Danh của gia đình anh Viên Đăng Phú ở xã A Roàng, chúng tôi được ngắm nhìn căn nhà sàn hiếm hoi được xây dựng theo nếp nhà ở của người Tà Ôi. Đó là nhà sàn tổng hợp, mái tròn, sàn nhà cao vừa phải (khoảng 0,8-1m), có hai cầu thang ở hai đầu hồi, cầu thang chính gần với không gian tiếp khách và sinh hoạt chung nằm ở bên phải, cầu thang phụ ở bên trái gần với bếp lửa... Anh Viên Đăng Phú cho biết: “Hiện nay, tại A Roàng, bà con chủ yếu ở nhà gỗ hay nhà xây theo kiểu hiện đại, rất ít nhà được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống. Một phần bởi nhà sàn truyền thống làm kỳ công, mất nhiều thời gian, tốn kém, nguyên vật liệu chủ yếu là gỗ tròn, tre, dây mây, lá cọ hoặc lá mây”.

Kiến trúc nhà trình tường của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Ảnh: HUYỀN ANH 

Kiến trúc nhà trình tường của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Ảnh: HUYỀN ANH 

 Tại tỉnh Điện Biên, hiện nay, phần nhiều các gia đình đồng bào dân tộc Thái vẫn xây dựng nhà sàn theo kiểu truyền thống nhưng sử dụng nguyên vật liệu bằng bê tông cốt thép. Trước đây, để làm một căn nhà sàn, bà con thường tích trữ gỗ tốt như nghiến, chò chỉ... ngâm 2-3 năm để không mối mọt. Đặc biệt, khi thi công không cần dùng đinh và sắt, thay vào đó, đồng bào sử dụng hệ thống dây chằng, buộc thắt khá công phu bằng lạt giang, mây. Cuối cùng là lợp mái bằng cỏ tranh phơi khô. Tuy nhiên, hiện nay, nhà sàn của người Thái đang có những biến đổi nhằm thích ứng với môi trường, hoàn cảnh sống. Từ việc nguồn gỗ ngày càng khan hiếm, nhà sàn của đồng bào Thái đã thay cột gỗ bằng bê tông, mái lợp cỏ tranh được thay bằng mái ngói hoặc fibro xi măng và sử dụng kỹ thuật ghép mộng của người Kinh để làm nhà. 

Là một nhà nghiên cứu am hiểu về văn hóa đồng bào dân tộc Thái, nghệ nhân Tòng Văn Hân ở bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên (Điện Biên) cho biết: “Tại khu vực thị trấn, khu trung tâm ở Điện Biên hiện nay, nhiều gia đình do thiếu đất, không thể xây dựng nhà sàn thì họ làm nhà cấp bốn, xây theo kiểu hiện đại. Một số nhà sàn được xây dựng theo kiểu hiện đại đã thay đổi kết cấu bên trong nhà như bếp, nơi sinh hoạt, bỏ bớt cầu thang, số phòng ở cũng không bắt buộc phải là số lẻ. Đồng thời, trong nhà cũng xuất hiện nhiều chức năng hiện đại theo kiểu nhà của người Kinh...”.

Bảo tồn và phát triển

Cùng với sự phát triển của xã hội, kiến trúc nhà ở không phải là một di sản bất biến mà luôn thay đổi, thích ứng với những biến đổi của môi trường sống, vì vậy, cần thiết phải tìm được lời giải phù hợp cho bài toán bảo tồn, phát triển nhà ở truyền thống của đồng bào các DTTS nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời phù hợp với cuộc sống hiện đại. Trên thực tế, việc lựa chọn xây dựng ngôi nhà như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những điều kiện cụ thể, điều kiện đời sống của đồng bào. Về mặt truyền thống, đồng bào các DTTS ở nhà sàn là phổ biến, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, số ít ở nhà trệt. Trong những năm gần đây, ở nhiều nơi, đồng bào có xu hướng chuyển từ nhà sàn sang nhà trệt và xây dựng bằng các vật liệu mới. Sự biến đổi trong việc làm nhà sàn cũng có tính kế thừa và thay đổi để thích ứng với cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho biết: “Để bảo tồn những ngôi nhà truyền thống, quan trọng nhất là phải từ chính đồng bào các dân tộc. Muốn bảo tồn thì cần vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu về bản sắc văn hóa qua những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Việc bảo tồn cũng phải gắn liền với nhu cầu và đời sống hiện nay, khi xây dựng, người dân có thể thay bằng các nguyên vật liệu mới, tuy nhiên vẫn phải giữ được hồn cốt, không gian sinh hoạt văn hóa bên trong ngôi nhà. Bên cạnh đó, khi bảo tồn nguyên vẹn nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc thì nên xây dựng tại các khu du lịch, làng văn hóa, để từ đó giúp người dân vừa bảo tồn, vừa tạo ra thu nhập thông qua việc thu hút khách tham quan”.

KIM ANH

Bài liên quan

Tin mới

Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan

Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.

Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.

Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.