Trồng rừng và sản xuất gỗ ở Bắc Kạn đang gặp khó
Trong kết luận công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 2357/QĐ-BNN-KL ngày 14-6-2023, tỉnh Bắc Kạn là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất toàn quốc, với 73,35%.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 100.000ha rừng trồng. Tuy nhiên lại có nghịch lý tại địa phương là nhiều nhà máy sản xuất gỗ trên địa bàn đang phải nhập nguyên liệu từ tỉnh khác, còn người trồng rừng thì loay hoay tìm đầu ra.
Cách đây hơn 4 năm, anh Vũ Đình Huyền ở thôn Nà Cà, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, đầu tư máy móc, mở cơ sở sản xuất gỗ bóc tại địa phương. Do nguồn nguyên liệu đầu vào khó khăn, giá thành cao nên đầu năm 2023, cơ sở của anh phải chuyển sang tỉnh Lạng Sơn để hoạt động.
Anh Huyền cho biết: “Sản phẩm gỗ bóc của chúng tôi chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc và một số tỉnh miền Nam. Trước đây, tôi cũng hy vọng xây dựng thành công cơ sở sản xuất ở quê nhà, nhưng do khó khăn về nguyên liệu đầu vào và bán hàng ở địa bàn nên tôi đành phải chuyển sang tỉnh khác để làm”. Vì yêu cầu mẫu mã của các khách hàng không quá khắt khe, nhất là được thanh toán ngay khi giao hàng... nên anh Huyền chấp nhận các thị trường cách xa Bắc Kạn đến hàng trăm ki-lô-mét.
Hoạt động sản xuất gỗ dán của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam ở khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới. |
Ông Trần Song Hào, chủ một cơ sở sản xuất gỗ bóc ở xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cho biết: “Năm 2018, gia đình tôi cũng có bán gỗ bóc cho Công ty Cổ phần Đầu tư Govina (xã Thịnh Quang, huyện Chợ Mới). Tuy nhiên, do khó khăn trong việc cung cấp giấy tờ, thủ tục chứng minh nguồn gốc sản phẩm nên hiện nay, chúng tôi chủ yếu bán cho các cơ sở ở Đông Anh (Hà Nội) và một số tỉnh ở phía Nam”.
Không chỉ riêng hai cơ sở kể trên, thực tế hiện nay, hầu hết cơ sở sản xuất gỗ bóc ở tỉnh Bắc Kạn lựa chọn thị trường tiêu thụ như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội hay các tỉnh, thành phố phía Nam... thay vì bán cho các công ty chế biến gỗ xuất khẩu tại địa phương. Trong khi đó, tại khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới, cách những cơ sở chế biến gỗ bóc thủ công trên chỉ vài chục ki-lô-mét mà hàng loạt nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu vẫn phải loay hoay với bài toán tìm nguyên liệu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Hiến, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, Công ty Cổ phần Đầu tư Govina cho biết: “Khó khăn lớn nhất của các công ty chế biến gỗ xuất khẩu là tiếp cận nguồn nguyên liệu. Bởi để có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật hay châu Âu thì yêu cầu rất khắt khe là phải có chứng nhận sản phẩm này được phát triển, khai thác, chế biến một cách bền vững... Tuy nhiên, đa số người trồng rừng ở Bắc Kạn không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên chúng tôi phải nhập gỗ từ các tỉnh khác”.
Cũng xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ, hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam (khu công nghiệp Thanh Bình) là các nước châu Âu và Mỹ. Bình quân mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 10.000m3 gỗ dán, ván, nhưng nguồn nguyên liệu mà công ty nhập ở địa phương chỉ chiếm 10 đến 20%, còn lại chủ yếu nhập từ các tỉnh khác.
Xác định cải thiện chất lượng rừng là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao giá trị ngành sản xuất, chế biến gỗ, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng các giải pháp định hướng người dân tham gia chuỗi cung ứng gỗ chất lượng. Đặc biệt, năm 2017, tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang (có trụ sở ở xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ châu Âu đầu tiên để chứng minh nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tại huyện Chợ Mới, với diện tích gần 1.000ha (hay còn gọi là chứng chỉ rừng FSC). Các chủ rừng có chứng chỉ rừng FSC được Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang cam kết tiêu thụ ổn định, lâu dài với giá thành cao hơn rừng thường hơn 100.000 đồng/m3.
Mục tiêu của dự án này nhằm góp phần để công tác quản lý rừng chặt chẽ, theo chuẩn quốc tế và đặc biệt, sản phẩm bán ra thị trường dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Với rừng trồng đạt chứng chỉ FSC, chất lượng gỗ sẽ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.
Năm 2018, gần 300 hộ dân ở 3 xã Hòa Mục, Cao Kỳ, Nông Hạ (huyện Chợ Mới) là 3 xã đầu tiên và hiện cũng là 3 xã duy nhất của tỉnh được cấp chứng chỉ rừng FSC tham gia dự án. Thế nhưng, trong suốt 5 năm qua, mặc dù người dân trồng rừng theo đúng quy chuẩn nhưng doanh nghiệp lại không thu mua như cam kết, dẫn đến người dân lại bán gỗ cho các cơ sở chế biến thủ công trên địa bàn.
Bắc Kạn là tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào trồng rừng với mục tiêu trong giai đoạn tới chính là rừng gỗ lớn và rừng FSC để hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, để có được một chứng chỉ rừng bền vững có thể mất tới vài năm, thậm chí cả một chu kỳ rừng. Trong thời gian đó, các doanh nghiệp có thể vẫn phải nhập gỗ từ tỉnh ngoài, trong khi người dân Bắc Kạn lại phải chật vật tìm nơi tiêu thụ qua các thương lái.
Bài và ảnh: HÀ LINH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.