• Click để copy

Truyền thông Mỹ: Ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng

Ngày 6-11, các hãng truyền thông lớn của Mỹ đồng loạt thông báo kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa sẽ trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Fox News dự báo ông Donald Trump giành được 277 phiếu đại cử tri-vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử Tổng thống Mỹ, so với con số 226 phiếu đại cử tri của ứng cử viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ. "Ông Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ duy nhất đảm nhận hai nhiệm kỳ không liên tiếp kể từ năm 1892", Fox News nhấn mạnh. Trong khi đó, dự báo của CNN dành cho ông Trump và bà Harris tương ứng là 276 và 223 phiếu đại cử tri, của AP lần lượt là 277 và 224 phiếu đại cử tri.

Kết hợp số liệu kiểm phiếu với thăm dò sau bỏ phiếu, quy định bầu cử cùng các xu hướng trong quá khứ, dự báo về ứng viên đắc cử tổng thống của truyền thông Mỹ lâu nay được đánh giá là có độ chính xác rất cao. Trên thực tế, cử tri Mỹ không bầu trực tiếp tổng thống mà chỉ bầu đại cử tri tại bang mình cư trú và việc bầu tổng thống thuộc về trách nhiệm của 538 đại cử tri. Thông thường, mỗi bang được phân bổ số lượng đại cử tri nhất định dựa trên dân số. Phần lớn bang của Mỹ bầu đại cử tri theo thể thức “được ăn cả, ngã về không”, tức là ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn ở bang nào sẽ sở hữu toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó.

Truyền thông Mỹ: Ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng
Ông Donald Trump phát biểu trước người ủng hộ tại bang Florida, ngày 6-11. Ảnh: Reuters 

Vì vậy, những số liệu có phần khác nhau của truyền thông Mỹ chưa phải là kết quả chính thức. Số liệu kiểm phiếu bầu phổ thông còn cần được các địa phương xác nhận trong một quy trình có thể kéo dài. Sau khi quy trình này hoàn tất, ngày 17-12 tới, các đại cử tri ở mỗi bang sẽ nhóm họp để bầu tổng thống. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống trong một phiên họp chung. Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2025 với nhiệm kỳ 4 năm.

Ngày 6-11, ông Trump đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này. Phát biểu trước người ủng hộ tại bang Florida, ông khẳng định đã "làm nên lịch sử" với "phong trào chính trị vĩ đại nhất mọi thời đại", đồng thời cam kết "chiến đấu mỗi ngày" vì người dân, "giúp chữa lành đất nước", đem tới "thời kỳ huy hoàng" cho nước Mỹ, sẽ không ngơi nghỉ vì một nước Mỹ mạnh, an toàn và thịnh vượng.

Tuy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 chưa có kết quả chính thức, song tờ Politico cho biết lãnh đạo nhiều nước đã lên tiếng chúc mừng ông Trump đắc cử. Thủ tướng Anh Keir Starmer gọi chiến thắng của ông Trump là "lịch sử"; khẳng định London và Washington là những đồng minh gần gũi nhất của nhau, chung tay bảo vệ các giá trị chung. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sẵn sàng hợp tác với ông Trump "như chúng ta từng làm trong 4 năm". Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhấn mạnh mối quan hệ gần gũi Mỹ-Italy và tin tưởng quan hệ song phương sẽ được củng cố hơn nữa.

Khẳng định Mỹ là đối tác chiến lược quan trọng của Áo, Thủ tướng Karl Nehammer bày tỏ mong muốn mở rộng và củng cố hơn nữa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương để cùng nhau giải quyết thành công các thách thức toàn cầu. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chúc mừng ông Trump có "màn trở lại Nhà Trắng lịch sử", cho rằng điều này mở ra một khởi đầu mới cho nước Mỹ và một cam kết mạnh mẽ đối với "liên minh vĩ đại" giữa hai nước. Chúc mừng "chiến thắng ấn tượng" của ông Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hy vọng nhiệm kỳ của ông Trump sẽ "mang hòa bình đến gần hơn" với Ukraine.

Về phần mình, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte tuyên bố khi ông Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2025, ông "sẽ được chào đón bởi một liên minh mạnh mẽ và đoàn kết hơn". Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ hy vọng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ cùng nhau hợp tác để thực hiện một "chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ”.

HOÀNG VŨ

Bài liên quan

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.