Tỷ lệ ghép tế bào gốc thành công ở bệnh nhân suy tủy xương đạt hơn 84%
Thông tin trên được công bố tại Hội nghị Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022 do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam, các Trung tâm Huyết học - Truyền máu trong cả nước tổ chức ngày 24 và 25-11, tại Hà Nội.
Trên thế giới, ghép tế bào gốc đồng loài là phương pháp có hiệu quả cao, giúp điều trị khỏi một số bệnh máu lành tính như: Suy tủy xương, đái huyết sắc tố, tan máu bẩm sinh. Suy tủy xương là bệnh lý của tế bào gốc tạo máu với đặc điểm là giảm ba dòng tế bào máu ngoại vi do sự giảm sinh tế bào máu của tủy xương.
Người bệnh có thể gặp các hội chứng: Thiếu máu (do hồng cầu giảm), xuất huyết (do giảm tiểu cầu) và nhiễm trùng (do giảm bạch cầu).
Người bệnh suy tủy xương thể rất nặng với bạch cầu trung tính giảm dưới 0,2G/L đáp ứng rất kém với các thuốc ức chế miễn dịch và có tiên lượng rất xấu. Người bệnh suy tủy xương thể nặng có tỉ lệ tử vong 25% trong vòng 4 tháng đầu và 50% trong vòng một năm nếu không ghép tế bào gốc.
![]() |
Các y, bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân trong phòng ghép. Ảnh: Công Thắng |
Ghép tế bào gốc đồng loài hiện nay là phương pháp duy nhất có thể điều trị khỏi suy tủy xương. Để ghép tế bào gốc cho người bệnh suy tủy xương, lựa chọn tối ưu là nguồn tế bào gốc của anh chị em ruột hòa hợp HLA hoàn toàn. Bên cạnh đó, còn có thể ghép từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng, ghép nửa hòa hợp (haplotype) hoặc ghép máu dây rốn kết hợp với ghép nửa hòa hợp.
Tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, ca ghép tế bào gốc đồng loài đầu tiên được thực hiện năm 2008 và ghép cho bệnh nhân suy tủy xương được tiến hành từ tháng 10-2010. Đến nay, sau 12 năm, bệnh nhân suy tủy xương đầu tiên được ghép tế bào gốc tại viện vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Từ tháng 10-2010 đến tháng 4-2022, Viện đã ghép tế bào gốc đồng loài máu ngoại vi từ người hiến cùng huyết thống phù hợp HLA cho 47 bệnh nhân suy tủy xương mức độ nặng. Quy trình ghép được xây dựng trên cơ sở phác đồ của Viện Sức khỏe Hoa Kỳ, tham khảo tài liệu của các nước có kinh nghiệm ghép cho bệnh nhân suy tủy xương phù hợp với điều kiện Việt Nam, sau đó được Bộ Y tế phê duyệt.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị có hiệu quả cao với bệnh nhân suy tủy xương. Tỷ lệ mọc mảnh ghép ngày thứ 30 sau ghép đạt 100%; ước tính tỷ lệ sống thêm toàn bộ (OS) và sống thêm không bệnh (DFS) 5 năm sau ghép lần lượt là 84,8% và 91% (với bệnh nhân suy tủy xương được ghép tế bào gốc máu ngoại vi từ người hiến cùng huyết thống phù hợp hoàn toàn HLA).
Trong những năm đầu ghép cho bệnh nhân suy tủy xương, các bác sĩ đã gặp rất nhiều thách thức, ảnh hưởng đến thành bại của ca ghép như: Thất bại mọc mảnh ghép, thải ghép, nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến tử vong. Trải qua hơn 10 năm triển khai kỹ thuật này, các bác sĩ đã không ngừng cập nhật các tiến bộ của thế giới, đặc biệt là tại Viện Sức khỏe Hoa Kỳ để ứng dụng các phác đồ điều trị và kỹ thuật mới nhằm hạn chế tối đa các biến chứng sau ghép.
Một trong những biến chứng rất hay gặp là biến chứng nhiễm trùng, đặc biệt là trong giai đoạn điều kiện hóa (điều trị hóa chất liều cao) và mảnh ghép chưa mọc vì bạch cầu trung tính ở bệnh nhân suy tủy xương gần như không có.
Khi bạch cầu hạt suy giảm, khả năng phòng vệ của cơ thể cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là miễn dịch không đặc hiệu chống vi khuẩn. Trong những trường hợp này có thể sử dụng kháng sinh và thuốc kích thích tăng trưởng dòng bạch cầu hạt. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chưa kịp phục hồi bạch cầu hạt và bị nhiễm các loại vi khuẩn đa kháng kháng sinh dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Để khắc phục vấn đề trên, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã ứng dụng phương pháp truyền khối bạch cầu hạt để hỗ trợ chống nhiễm khuẩn trong giai đoạn chờ phục hồi bạch cầu hạt trung tính. Khối bạch cầu được gạn tách từ người thân cùng nhóm máu với người bệnh thông qua hệ thống máy tách tự động. Kỹ thuật này được ứng dụng tại viện đã góp phần quan trọng giúp giảm nguy cơ tử vong và nâng cao khả năng thành công trong ghép tế bào gốc ở người bệnh suy tủy xương.
THÁI AN
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo cú hích phát triển kinh tế tư nhân
Chiều 2-4, chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải tạo bước ngoặt, tin tưởng, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; tạo điều kiện, giao nhiệm vụ để kinh tế tư nhân tham gia các chương trình, dự án lớn của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân
Chiều 2-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo để rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt thảo luận, cho ý kiến xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị.
Thắt chặt sợi dây gắn kết Việt Nam-Armenia qua hợp tác kinh tế
Sáng 2-4 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Yerevan, mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Armenia do Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Cộng hòa Armenia, Bộ Kinh tế Armenia tổ chức.
50 năm Thống nhất đất nước: Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành diễn ra từ 6 giờ 30 phút ngày 30-4
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tổng thể Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành và các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2025).
Giá xăng dầu hôm nay (2-4): Biến động nhẹ
Giá xăng dầu thế giới trái chiều với dầu Brent “chững”, dầu WTI tăng nhẹ, chờ thông báo thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thời tiết hôm nay (2-4): Bắc Bộ trời hửng nắng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết hôm nay (2-4), khu vực Bắc Bộ trưa và chiều trời hửng nắng. Ven biển phía Đông của Nam Bộ mực nước triều đang ở mức cao.