Vĩnh Phúc khát vọng làm giàu văn hóa
Trở lại Vĩnh Phúc trong một ngày cuối đông, dù ngoài trời đã giăng giăng sương giá, cái rét hanh làm khô roong làn da nét mặt, song cảm giác ấm áp vẫn len vào đôi mắt, tâm hồn bởi tôi được hòa vào không gian, khung cảnh “Xe ta đi bon bon trên đường quốc lộ/ Nhà máy nhấp nhô giữa cánh đồng hoa nở/ Trở về quê mới hôm nay/ Vang vọng lời Bác đâu đây...”.
Âm hưởng mượt mà, giai điệu ngọt ngào của những ca từ trong bài hát “Trở về Vĩnh Phúc hôm nay” (nhạc sĩ Trọng Bằng) do ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện đã đưa tôi về một vùng đất từ lâu được mệnh danh là “sơn kỳ thủy tú” (núi lạ sông đẹp).
Nói về Vĩnh Phúc, nhiều người cho rằng tỉnh này giàu có. Nhận định đó có cơ sở, bởi chỉ sau một phần tư thế kỷ tái lập tỉnh (1997), Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, đến nay trở thành tỉnh “top ten” về phát triển kinh tế trong cả nước. Nhưng nói Vĩnh Phúc chỉ giàu về kinh tế thôi thì chưa đủ. Theo đúc kết của các chuyên gia văn hóa tên tuổi, Vĩnh Phúc hiện sở hữu 5 cái giàu.
Đó là mảnh đất giàu về truyền thống lịch sử lâu đời với bằng chứng là nơi phát tích văn hóa Đồng Đậu-một trong những nền văn hóa tiêu biểu của thời bình minh dựng nước từ thời đại Hùng Vương.
Là quê hương giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng vì Vĩnh Phúc là một trong số rất ít tỉnh của cả nước sớm có Văn miếu phủ Tam Đới (phủ Vĩnh Tường từ thế kỷ 15) và nay là Văn miếu Vĩnh Phúc thờ 86 vị tiến sĩ Nho học thời quân chủ phong kiến.
Là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh quật cường bởi Vĩnh Phúc là nơi sinh, nơi phát tích chiến công lừng lẫy của hai nữ vương đầu tiên trong lịch sử nước Việt là Trưng Trắc, Trưng Nhị; cũng là quê hương của người Anh hùng Nguyễn Viết Xuân với câu nói bất tử đã đi vào sử sách nước nhà “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”.
Không chỉ vậy, Vĩnh Phúc còn là nơi nuôi dưỡng những con người giàu khát vọng đổi mới, bứt phá, mà thủ lĩnh tiêu biểu nhất là Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, “cha đẻ” của khoán hộ nổi tiếng cả nước từ thập niên 1960.
Đây cũng là mảnh đất giàu tiềm năng, tài nguyên du lịch với cảnh quan “sơn kỳ thủy tú”, đó là núi Tam Đảo hùng vĩ-nơi có địa danh Tam Đảo được vinh danh là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022”. Đó là hồ Đại Lải khoáng đạt, trong xanh-nơi sở hữu Flamingo Đại Lải Resort-tốp 10 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất thế giới. Đó là danh lam thắng cảnh Tây Thiên-nơi có chùa chiền, thiền viện thờ Tam Mẫu, tức là thờ Vương Mẫu, Quốc Mẫu và Thánh Mẫu. Thế nên, vào mùa khai hội lễ Tây Thiên hằng năm, ngành văn hóa-du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã chọn câu khẩu hiệu “Đến với Phật-Về với Mẫu” như một lời mời gọi du khách thập phương trở về nơi có “núi tĩnh, đất định, sông lặng, người yên” để cảm nhận tâm hồn thư thái, an lạc, nhu thuận, bao dung của mảnh đất kính Phật, trọng Mẫu.
Giới thiệu truyền thống khoa bảng tại Văn miếu Vĩnh Phúc. Ảnh: THIỆN VĂN |
Tự hào là địa phương sở hữu 5 cái giàu như thế, vậy Vĩnh Phúc còn trăn trở điều gì? Xin bắt đầu câu chuyện của ông Lê Duy Thành, người đang đảm nhiệm vai trò “đứng mũi chịu sào” của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc. Trong buổi tọa đàm “Báo chí viết về văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc” do Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức mới đây, dù bận bịu nhiều việc cuối năm nhưng ông Thành đã dành hơn một tiếng đồng hồ để nói về những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh nhà đã giành được trong thời gian qua và cả những băn khoăn, trăn trở của địa phương. Trong đó, điều ông trăn trở là làm sao để tỉnh Vĩnh Phúc giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững mà không phải “trả giá” bằng sự suy thoái môi trường, sự phai nhạt bản sắc truyền thống văn hóa và sự mai một giá trị tốt đẹp của con người Vĩnh Phúc đã được hun đúc, bồi đắp, nuôi dưỡng bền bỉ suốt hàng nghìn năm qua. Rồi người đứng đầu chính quyền Vĩnh Phúc tự đặt câu hỏi: “Làm sao để người Vĩnh Phúc thật sự hạnh phúc lâu bền như cái tên Vĩnh Phúc?”.
Im lặng giây lát như để tìm về ký ức, ông Lê Duy Thành nhắc lại câu châm ngôn: Văn hóa là những cái gì còn lại khi tất cả cái khác mất đi và bộc bạch: “Có lẽ, chúng ta lại trở về một vấn đề muôn thuở của loài người và cũng là xu hướng, quan điểm phát triển của thế giới ngày nay: Đó là phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở lấy văn hóa là hệ điều tiết, đặt con người ở vị trí trung tâm và lấy hạnh phúc của người dân là thước đo của sự phát triển”.
Nghe ông Thành nói vậy, tôi bỗng nhớ tới những lời day dứt của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc lúc sinh thời, khi ông cho rằng làm cán bộ lãnh đạo mà không nghĩ đến dân, không lo cho bát cơm, tấm áo của dân, để dân đói rét trong những điều kiện không đến mức phải đói rét là cán bộ có lỗi lớn với dân. Vì thương dân, lo cho dân thật lòng mà ông Kim Ngọc đã có một quyết định táo bạo, được lưu truyền sử xanh, đó là “xé rào” chủ trương của trên bằng cách “khoán hộ” cho người nông dân, tạo xung lực mới cho bà con cách làm ăn mới trên chính thửa ruộng của mình. Tiến sĩ, nhà biên kịch chèo Trần Đình Ngôn đã ví von Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc như người có công tạo ra “quả ngọt trái mùa” và đây cũng là tên tác phẩm sân khấu chèo được Đoàn Nghệ thuật Chèo Vĩnh Phúc dàn dựng, biểu diễn, từng gây tiếng vang trong lòng công chúng.
Trong số 5 cái giàu của mảnh đất và con người Vĩnh Phúc, có một cái giàu không dễ “cân, đong, đo, đếm” vì nó không cho ra ngay kết quả cụ thể, dễ nhìn, dễ biết, nhưng chính là cái giàu có thể tạo ra thành quả lâu bền nhất, ý nghĩa nhất, đó là giàu về khát vọng đổi mới, bứt phá. Có lẽ tinh thần đổi mới, bứt phá từ thời Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc những năm 60 của thế kỷ trước như dòng huyết quản vẫn đang âm thầm chảy trong trái tim đội ngũ cán bộ, đảng viên trên quê hương Vĩnh Phúc, thế nên những người “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu” (lo trước cái lo của thiên hạ) ở tỉnh Vĩnh Phúc đang trăn trở tìm động lực mới cho sự phát triển của Vĩnh Phúc hôm nay.
Ngày cuối tháng 9-2022, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã “trải thảm đỏ” mời các nhà khoa học, nhà văn hóa về “hội quân” ở thành phố Vĩnh Yên để lắng nghe ý kiến, tiếp thu hiến kế của các chuyên gia về cách thức khơi nguồn sức mạnh văn hóa, giá trị con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững. Nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa tên tuổi như: GS, TS Nguyễn Chí Bền; PGS, TS Bùi Hoài Sơn; PGS, TS Đỗ Văn Trụ; TS Nguyễn Viết Chức; TS Nguyễn Hữu Mùi; TS Nguyễn Hải Ninh... cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đến dự, trao đổi sôi nổi tại hội thảo. Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, việc tổ chức hội thảo này không chỉ nhằm thu hút chất xám, phát huy trí tuệ của các nhân tài văn hóa trong cả nước để hiến kế cho sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong thời gian tới mà còn góp phần tạo ra sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động, suy nghĩ và việc làm, thái độ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh nhà đối với sứ mệnh to lớn của văn hóa trong việc nuôi dưỡng, hoàn thiện nhân cách người Vĩnh Phúc; kiến tạo động lực, diện mạo phát triển mới cho quê hương Vĩnh Phúc.
Với tinh thần “tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, Vĩnh Phúc là một trong số ít tỉnh sớm đi tiên phong triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Một trong những điểm nhấn trong mục tiêu phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề ra là: “Xây dựng con người Vĩnh Phúc trong thời kỳ mới có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các phẩm chất cơ bản: “Nhân ái, nghĩa tình, khát vọng, sáng tạo, đổi mới”.
Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đất và người Vĩnh Phúc có nhiều vốn quý từ xa xưa mà không phải nơi nào cũng có được. Là vùng đất ven đô của thời đại Hùng Vương, người Vĩnh Phúc có đủ phẩm chất góp phần tạo nên hệ giá trị cốt lõi của con người Việt Nam (trong quá khứ) như cần cù, chịu khó, nhân nghĩa, thủy chung và có cả những phẩm chất quả cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám dấn thân của con người trong lịch sử hiện tại như tấm gương cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. “Vì thế có thể đưa ra nhận định khách quan rằng, người Vĩnh Phúc có những phẩm chất nổi trội là “tiên phong, tự trọng, quả cảm, sáng tạo”.
Sau khi chia sẻ như vậy, TS Nguyễn Viết Chức cho hay, có lẽ thấu hiểu những phẩm giá của con người Vĩnh Phúc đã được nuôi dưỡng, lưu giữ, trao truyền qua bao thế hệ, khi về thăm Vĩnh Phúc ngày 2-3-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”. Lời mong muốn, khích lệ của Bác Hồ cách nay 60 năm giờ đang hiện diện trong cuộc sống tưng bừng, khởi sắc trên khắp làng quê, phố phường của Vĩnh Phúc.
Nghe TS Nguyễn Viết Chức bày tỏ như vậy, tôi nhớ lời tâm sự của ông Lê Duy Thành: “Trên nền tảng truyền thống của mảnh đất và con người giàu khát vọng, đổi mới và sáng tạo, người dân Vĩnh Phúc không chỉ đồng tâm nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh giàu có về kinh tế và đời sống vật chất mà còn hướng tới xây dựng địa phương giàu có về văn hóa và đời sống tinh thần. Vì vậy, chúng tôi sẽ tập trung khai thác, khơi nguồn, nhân lên sức mạnh, giá trị của văn hóa, con người Vĩnh Phúc để biến mục tiêu trên sớm trở thành hiện thực”.
Ghi chép của NGUYỄN VĂN HẢI
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.